Ngày xuân, thưởng thức thơ vịnh Kiều của cụ đồ làng Ngái

Nguyễn Thị Thiện| 27/02/2020 14:59

Truyện Kiều là viên ngọc sáng chói, kiệt tác số một trong kho tàng văn học Việt Nam. Sau khi ra đời, tác phẩm đã có biết bao công trình nghiên cứu khoa học, biết bao thế hệ bạn đọc cả trong và ngoài nước tìm hiểu, đánh giá, hội thảo, phẩm bình… Ngày Xuân, nhiều người thích bói Kiều và thưởng thức Kiều theo cách riêng. Do thấu hiểu tường tận, sâu sắc về tác phẩm và các hình tượng nhân vật, cụ đồ làng Ngái - Nguyễn Hữu Khanh đã làm thơ vịnh tất cả các nhân vật trong Truyện Kiều. Đây quả là nét độc đáo và tài

Ngày xuân, thưởng thức thơ vịnh Kiều của cụ đồ làng Ngái
Cụ đồ làng Ngái - Nguyễn Hữu Khanh
Cụ là Nguyễn Hữu Khanh (1875 - 1946), tên hiệu Hương Sơn Cư Sĩ, người xã Hương Ngải, (còn gọi là làng Ngái) huyện Thạch Thất, Hà Nội, được ghi nhận là “bậc túc nho thời cận đại”, một “nhà nho tài hoa, lãng mạn”. Hồi cụ Nghè Tập Xuyên Ngô Đức Kế mở hội đối trướng ở Hà Nội, cụ là một “đại bút” được cụ Ngô Đức Kế rất mến trọng. Cụ có sở trường về thi ca bằng quốc âm, giọng thơ điêu luyện, tình tứ, pha chút hóm hỉnh. Tuy có tài “thông kim, bác cổ” nhưng cụ không màng chốn quan trường đầy nhiễu nhương đương thời. Cụ sống bằng nghề dạy học đạm bạc mà thanh cao, vui thú cùng điền viên, sơn thủy, với sách vở, bầu rượu, túi thơ. Tuy cụ đã qui tiên tới gần một thế kỷ nay nhưng cháu nội cụ là nhà giáo Nguyễn Xuân Điềm và NGƯT Nguyễn Tam Sơn vẫn rất tự hào, trân trọng lưu giữ và sưu tầm được không ít những bức thư họa, đại tự, câu đối và nhiều sáng tác văn thơ của cụ. Người sưu tầm tư liệu này được tặng một số văn bản của cụ, đọc và cảm nhận thấy thật thú vị.  

Chỉ riêng tập “Hương Sơn tạp chí” đã có tới hơn 70 bài thơ thể đường luật tứ tuyệt hoặc bát cú chữ Nôm - do chính cụ viết tay - để vịnh và hợp vịnh tất cả các nhân vật trong Truyện Kiều. Chỗ tài tình rất được ngưỡng mộ ở tác phẩm này là: Cụ vận dụng ngay ngôn từ, câu chữ trong Truyện Kiều, lấy ngay ý tứ của tác giả Nguyễn Du mà không hề gượng ép để tái hiện lại chân dung, tính cách và phẩm bình về tất cả các nhân vật - cả chính và phụ, những nhân vật có tên và không tên - theo sự cảm nhận riêng của cụ và cũng là quan điểm chung của đông đảo bạn đọc. Có những nhân vật cụ vịnh tới 2 - 3 - 4 bài tứ tuyệt hoặc thất ngôn, vậy mà lời và ý thơ vẫn không trùng lặp. Đây quả là một cách thưởng thức, cảm nhận kiệt tác Truyện Kiều vô cùng sáng tạo, của danh nho Hương Sơn Cư Sĩ. Có những nhân vật xuất hiện thoáng qua, cụ vẫn có thơ vịnh. Đây là bài vịnh “Vương viên ngoại”:

Gia tư nghĩ cũng bậc trung thường
Tai biến xui nên sự lạ thường 
Trời muốn lưu danh người hiếu nữ 
Oan khiên giắt lại mối tơ vương.
Còn với mẹ của Thúy Kiều, thấu hiểu quan điểm dân gian “Phúc đức tại mẫu”, cụ vịnh Vương Bà như sau:
Giấc mộng đào hoa đã rõ ràng
Điềm lành nên ứng vẻ phong quang 
Một nhà phúc lộc bia muôn kiếp 
Gái hiếu, trai hiền, rể cũng sang.
Với Thúy Kiều, nhân vật trung tâm, tác giả Nguyễn Du đã dành nhiều ưu ái nhất, cụ có hai bài vịnh như sau:       
Bài 1
Cũng đừng trách lẫn mệnh ghen tài 
Vì mối tư tình buộc lại thôi 
Mồ cỏ thương hoài con đĩ đượi 
Bóng hoa mê tít cậu đồ choai 
Duyên đâu dắt lại lòng dan díu 
Oan nọ xui nên bước lạc loài 
Giữ ngọc gìn vàng ai dặn đó 
Mảnh tình đã sẻ khắp cho ai!  

Bài 2
Như Kiều nên trọng lại nên thương 
Nợ trước, duyên sau cũng nhẹ nhàng
Chữ “mệnh”, chữ “tài” thôi xóa tuốt 
Nghìn thu chữ “hiếu” đủ làm gương.       

Ngày xuân, thưởng thức thơ vịnh Kiều của cụ đồ làng Ngái
Vịnh Kiều - một cách cảm nhận Kiều độc đáo của cụ đồ làng Ngái
Chỉ riêng câu thơ cuối này quả là thần tình, tỏ rõ cụ Đồ đã đánh giá cao Thúy Kiều. Tấm lòng hiếu nghĩa của Thúy Kiều đủ để xóa hết những sai lầm khác ở cô. 

Rất đáng chú ý là những bài vịnh Thúy Vân, chỉ với rất ít câu chữ, cụ đã thâu tóm được cả thần thái và số phận của nhân vật. Sau đây là Bài số 1:

Mây thua nước tóc, tuyết nhường da
Cười nói đoan trang thế mới là 
Tài sắc mặn mà đành kém chị 
Nhân duyên phúc lộc chị nhường ta.   

Bài số 2
Đoan trang ngọc nói vẻ hoa cười
Đầy đặn khuôn trăng nở nét ngài
Duyên chị vâng lời xin chắp nối
Ngọc đường, Kim mã ấy duyên ai!

Bài số 3
Tình chị thôi em đã hiểu rồi
Giả vờ mà hỏi thử nhau chơi
Tơ duyên chắp mối người hôm nọ
Không lạy thì em cũng nhận lời.

Với chàng thư sinh “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” Kim Trọng, tác giả có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm khắc theo quan điểm của một nhà Nho chính thống:

Dáng mạo thiên tư thế thế mà
Văn nhân sao học tính trăng hoa
Vẫn quen phong nhã ve vòi gái
Chẳng giữ trâm anh thói phép nhà
Án bút phòng văn thì lạnh ngắt
Túi đàn cặp sách khéo lân la
Trong hiên Lãm Thúy tròn hai tháng
Bẻ được trên đào một chiếc thoa
Riêng với thằng bán tơ, nhân vật không có tên, chỉ xuất hiện thoáng qua trong truyện, kẻ gây nên bao nhiêu bi kịch cho Kiều và cả gia đình nàng, cụ vịnh “Thằng bán tơ” như sau:

Dắt mối oan khiên thật ỡm ờ
Lôi thôi chi thế chú hàng tơ
Giật giàm buộc lại nên vương vít
Thêu chuyện quần thoa mãi đến giờ.                                                                                                                                          
Đối với Mã Giám Sinh, cụ Hương Sơn đã không che giấu thái độ phê phán kẻ học trò giả hiệu qua bài bát cú sau: 

Mày râu đã khác vẻ thanh tao 
Cậu Mã Sinh đây ngỡ cậu nào 
Buôn khách vẫn nhờ lưng chị Tú 
Mua tiên được thấy mặt em Kiều 
Thức ngon gần miệng nào ngơ được
Cờ thế vào tay cứ phất liều 
Vốn liếng kể chi lờ lãi đó
Ong già cho tỏ đóa đào yêu.

Khi vịnh nhân vật Tú Bà, tác giả vừa mỉa mai vừa lên án, bóc trần bản chất buôn người bất lương của mụ, cụ đã rất khéo chơi chữ ở cấu kết của bài:

Nhác trông nhờn nhợt cái màu da
Trùm áng lầu xanh đấy hỡi bà 
Mày trắng một thần thờ trước án 
Môi son dăm chị nghiệp trong nhà 
 Kiếm ăn no đủ nghề hương phấn 
Buôn bán rành quen sự nguyệt hoa
Sao cũng đeo danh là mụ Tú
Khéo làm ô uế tiếng nho khoa! 
Đặc biệt hơn là với Sở Khanh, cụ có cả một chùm thơ tứ tuyệt mỉa mai kẻ bạc tình lọc lõi “nổi tiếng lầu xanh” này:

1. Sở Khanh kia thật lõi nghề 
Chơi hoa chơi lại được tiền thuê 
Mảnh tiên “tích việt” ba mươi lạng 
Ngán kẻ tiền hoài mắc bả mê.

2. Nghe tiếng thơ ngâm thoắt họa vần 
Tài này cũng đáng bậc văn nhân 
Chỉ vì bất nghĩa làm danh lụy 
Giảm giá thư hương mất mấy phần.

3. Khoác lác thực rành tay xỏ lá
Rêu rao không thẹn mặt đeo mo 
Lầu xanh còn giở nghề chơi chữ 
Nỡ để làm dơ tiếng học trò.

Hy vọng rằng một số tư liệu trên đây giúp bạn đọc hiểu thêm được một phần giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ - sức sống mãnh liệt của tác phẩm trong lòng bạn đọc và sự thưởng thức kiệt tác Truyện Kiều vô cùng tài hoa của cụ đồ làng Ngái xứ Đoài.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Ngày xuân, thưởng thức thơ vịnh Kiều của cụ đồ làng Ngái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO