Ngày xuân, thưởng thức thơ vịnh Kiều của cụ đồ làng Ngái
Truyện - Ngày đăng : 14:59, 27/02/2020
Truyện Kiều là viên ngọc sáng chói, kiệt tác số một trong kho tàng văn học Việt Nam. Sau khi ra đời, tác phẩm đã có biết bao công trình nghiên cứu khoa học, biết bao thế hệ bạn đọc cả trong và ngoài nước tìm hiểu, đánh giá, hội thảo, phẩm bình… Ngày Xuân, nhiều người thích bói Kiều và thưởng thức Kiều theo cách riêng. Do thấu hiểu tường tận, sâu sắc về tác phẩm và các hình tượng nhân vật, cụ đồ làng Ngái - Nguyễn Hữu Khanh đã làm thơ vịnh tất cả các nhân vật trong Truyện Kiều. Đây quả là nét độc đáo và tài
Cụ đồ làng Ngái - Nguyễn Hữu Khanh
Cụ là Nguyễn Hữu Khanh (1875 - 1946), tên hiệu Hương Sơn Cư Sĩ, người xã Hương Ngải, (còn gọi là làng Ngái) huyện Thạch Thất, Hà Nội, được ghi nhận là “bậc túc nho thời cận đại”, một “nhà nho tài hoa, lãng mạn”. Hồi cụ Nghè Tập Xuyên Ngô Đức Kế mở hội đối trướng ở Hà Nội, cụ là một “đại bút” được cụ Ngô Đức Kế rất mến trọng. Cụ có sở trường về thi ca bằng quốc âm, giọng thơ điêu luyện, tình tứ, pha chút hóm hỉnh. Tuy có tài “thông kim, bác cổ” nhưng cụ không màng chốn quan trường đầy nhiễu nhương đương thời. Cụ sống bằng nghề dạy học đạm bạc mà thanh cao, vui thú cùng điền viên, sơn thủy, với sách vở, bầu rượu, túi thơ. Tuy cụ đã qui tiên tới gần một thế kỷ nay nhưng cháu nội cụ là nhà giáo Nguyễn Xuân Điềm và NGƯT Nguyễn Tam Sơn vẫn rất tự hào, trân trọng lưu giữ và sưu tầm được không ít những bức thư họa, đại tự, câu đối và nhiều sáng tác văn thơ của cụ. Người sưu tầm tư liệu này được tặng một số văn bản của cụ, đọc và cảm nhận thấy thật thú vị.
Chỉ riêng tập “Hương Sơn tạp chí” đã có tới hơn 70 bài thơ thể đường luật tứ tuyệt hoặc bát cú chữ Nôm - do chính cụ viết tay - để vịnh và hợp vịnh tất cả các nhân vật trong Truyện Kiều. Chỗ tài tình rất được ngưỡng mộ ở tác phẩm này là: Cụ vận dụng ngay ngôn từ, câu chữ trong Truyện Kiều, lấy ngay ý tứ của tác giả Nguyễn Du mà không hề gượng ép để tái hiện lại chân dung, tính cách và phẩm bình về tất cả các nhân vật - cả chính và phụ, những nhân vật có tên và không tên - theo sự cảm nhận riêng của cụ và cũng là quan điểm chung của đông đảo bạn đọc. Có những nhân vật cụ vịnh tới 2 - 3 - 4 bài tứ tuyệt hoặc thất ngôn, vậy mà lời và ý thơ vẫn không trùng lặp. Đây quả là một cách thưởng thức, cảm nhận kiệt tác Truyện Kiều vô cùng sáng tạo, của danh nho Hương Sơn Cư Sĩ. Có những nhân vật xuất hiện thoáng qua, cụ vẫn có thơ vịnh. Đây là bài vịnh “Vương viên ngoại”:
Gia tư nghĩ cũng bậc trung thường
Tai biến xui nên sự lạ thường
Trời muốn lưu danh người hiếu nữ
Oan khiên giắt lại mối tơ vương.
Còn với mẹ của Thúy Kiều, thấu hiểu quan điểm dân gian “Phúc đức tại mẫu”, cụ vịnh Vương Bà như sau:
Giấc mộng đào hoa đã rõ ràng
Điềm lành nên ứng vẻ phong quang
Một nhà phúc lộc bia muôn kiếp
Gái hiếu, trai hiền, rể cũng sang.
Với Thúy Kiều, nhân vật trung tâm, tác giả Nguyễn Du đã dành nhiều ưu ái nhất, cụ có hai bài vịnh như sau:
Bài 1
Cũng đừng trách lẫn mệnh ghen tài
Vì mối tư tình buộc lại thôi
Mồ cỏ thương hoài con đĩ đượi
Bóng hoa mê tít cậu đồ choai
Duyên đâu dắt lại lòng dan díu
Oan nọ xui nên bước lạc loài
Giữ ngọc gìn vàng ai dặn đó
Mảnh tình đã sẻ khắp cho ai!
Bài 2
Như Kiều nên trọng lại nên thương
Nợ trước, duyên sau cũng nhẹ nhàng
Chữ “mệnh”, chữ “tài” thôi xóa tuốt
Nghìn thu chữ “hiếu” đủ làm gương.
Vịnh Kiều - một cách cảm nhận Kiều độc đáo của cụ đồ làng Ngái
Chỉ riêng câu thơ cuối này quả là thần tình, tỏ rõ cụ Đồ đã đánh giá cao Thúy Kiều. Tấm lòng hiếu nghĩa của Thúy Kiều đủ để xóa hết những sai lầm khác ở cô.
Rất đáng chú ý là những bài vịnh Thúy Vân, chỉ với rất ít câu chữ, cụ đã thâu tóm được cả thần thái và số phận của nhân vật. Sau đây là Bài số 1:
Mây thua nước tóc, tuyết nhường da
Cười nói đoan trang thế mới là
Tài sắc mặn mà đành kém chị
Nhân duyên phúc lộc chị nhường ta.
Bài số 2
Đoan trang ngọc nói vẻ hoa cười
Đầy đặn khuôn trăng nở nét ngài
Duyên chị vâng lời xin chắp nối
Ngọc đường, Kim mã ấy duyên ai!
Bài số 3
Tình chị thôi em đã hiểu rồi
Giả vờ mà hỏi thử nhau chơi
Tơ duyên chắp mối người hôm nọ
Không lạy thì em cũng nhận lời.
Với chàng thư sinh “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” Kim Trọng, tác giả có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm khắc theo quan điểm của một nhà Nho chính thống:
Dáng mạo thiên tư thế thế mà
Văn nhân sao học tính trăng hoa
Vẫn quen phong nhã ve vòi gái
Chẳng giữ trâm anh thói phép nhà
Án bút phòng văn thì lạnh ngắt
Túi đàn cặp sách khéo lân la
Trong hiên Lãm Thúy tròn hai tháng
Bẻ được trên đào một chiếc thoa
Riêng với thằng bán tơ, nhân vật không có tên, chỉ xuất hiện thoáng qua trong truyện, kẻ gây nên bao nhiêu bi kịch cho Kiều và cả gia đình nàng, cụ vịnh “Thằng bán tơ” như sau:
Dắt mối oan khiên thật ỡm ờ
Lôi thôi chi thế chú hàng tơ
Giật giàm buộc lại nên vương vít
Thêu chuyện quần thoa mãi đến giờ.
Đối với Mã Giám Sinh, cụ Hương Sơn đã không che giấu thái độ phê phán kẻ học trò giả hiệu qua bài bát cú sau:
Mày râu đã khác vẻ thanh tao
Cậu Mã Sinh đây ngỡ cậu nào
Buôn khách vẫn nhờ lưng chị Tú
Mua tiên được thấy mặt em Kiều
Thức ngon gần miệng nào ngơ được
Cờ thế vào tay cứ phất liều
Vốn liếng kể chi lờ lãi đó
Ong già cho tỏ đóa đào yêu.
Khi vịnh nhân vật Tú Bà, tác giả vừa mỉa mai vừa lên án, bóc trần bản chất buôn người bất lương của mụ, cụ đã rất khéo chơi chữ ở cấu kết của bài:
Nhác trông nhờn nhợt cái màu da
Trùm áng lầu xanh đấy hỡi bà
Mày trắng một thần thờ trước án
Môi son dăm chị nghiệp trong nhà
Kiếm ăn no đủ nghề hương phấn
Buôn bán rành quen sự nguyệt hoa
Sao cũng đeo danh là mụ Tú
Khéo làm ô uế tiếng nho khoa!
Đặc biệt hơn là với Sở Khanh, cụ có cả một chùm thơ tứ tuyệt mỉa mai kẻ bạc tình lọc lõi “nổi tiếng lầu xanh” này:
1. Sở Khanh kia thật lõi nghề
Chơi hoa chơi lại được tiền thuê
Mảnh tiên “tích việt” ba mươi lạng
Ngán kẻ tiền hoài mắc bả mê.
2. Nghe tiếng thơ ngâm thoắt họa vần
Tài này cũng đáng bậc văn nhân
Chỉ vì bất nghĩa làm danh lụy
Giảm giá thư hương mất mấy phần.
3. Khoác lác thực rành tay xỏ lá
Rêu rao không thẹn mặt đeo mo
Lầu xanh còn giở nghề chơi chữ
Nỡ để làm dơ tiếng học trò.
Hy vọng rằng một số tư liệu trên đây giúp bạn đọc hiểu thêm được một phần giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ - sức sống mãnh liệt của tác phẩm trong lòng bạn đọc và sự thưởng thức kiệt tác Truyện Kiều vô cùng tài hoa của cụ đồ làng Ngái xứ Đoài.