Ngành văn hóa - du lịch triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định kèm Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Kế hoạch của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để tập trung phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Đồng thời phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong triển khai thi hành Chỉ thị số 08/CT-TTg bảo đảm thống nhất, hiệu quả.
Ngoài ra, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân để du lịch phát triển toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”.
Theo đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thời gian tới sẽ chủ trì thực hiện các Hội nghị, Hội thảo, Diễn đàn, Chương trình tập huấn... tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg; tham mưu Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt; tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đánh giá kết quả thực hiện Luật Du lịch 2017; rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong tổ chức triển khai các kế hoạch xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức Diễn đàn thường niên du lịch xanh quốc gia; đánh giá và cấp chứng chỉ du lịch bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu cho các cơ sở du lịch, khách sạn; nghiên cứu xây dựng hệ thống chứng nhận du lịch xanh đạt chuẩn quốc tế về sản phẩm và thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam; đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mà Việt Nam có thế mạnh.
Xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài; phát huy vai trò của các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người và du lịch Việt Nam; tham mưu Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền Kế hoạch đẩy mạnh khai thác du lịch bằng đường biển, đường bộ; phát triển cơ sở dữ liệu về quản trị và kinh doanh du lịch trên nền tảng số dùng chung; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch gắn với chuyển đổi số.
Ngành văn hóa - du lịch cũng sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch (về thuế, đất đai, cơ chế phối hợp) để xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp; hướng dẫn các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng, liên địa phương để thu hút và giữ chân du khách; phát triển đồng bộ cả du lịch bình dân, cao cấp và đặc biệt cao cấp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy du lịch.
Cùng đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan thực hiện nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh, thị thực; tăng cường quảng bá du lịch, chương trình du lịch trên các chuyến bay; quảng bá hình ảnh điểm đến, dịch vụ, sản phẩm du lịch tại nhà ga, bến cảng, phương tiện giao thông công cộng. Rà soát thống nhất, hoàn thiện các chỉ tiêu, phương pháp thống kê du lịch đảm bảo đầy đủ, khoa học, chính xác, phù hợp với thông lệ quốc tế; đẩy nhanh việc áp dụng và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành để triển khai hiệu quả, toàn diện phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam.
Ngành văn hóa phối hợp với các Bộ, Ngành nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển các mô hình trung tâm mua sắm outlet, tổ hợp du lịch về đêm, cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố, tổ hợp trường quay kết hợp công viên giải trí... Nghiên cứu, ban hành chính sách tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng có sẵn trang trại, vườn trồng cây lâu năm kết hợp làm du lịch. Phối hợp lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam và các chương trình xúc tiến thương mại khác.
Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động du lịch nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; xây dựng chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch theo cách làm mới, góp phần phát triển du lịch Việt Nam nhanh, toàn diện và bền vững.
Quảng bá, xúc tiến, hợp tác đầu tư phát triển du lịch thông qua các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường các tuyến tin dự báo tình hình, xu hướng phát triển du lịch, chú trọng tuyên truyền về hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường quốc tế; phản ánh hoạt động đối ngoại, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam với các nước. Kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để phát triển du lịch, xây dựng môi trường du lịch, phát triển sản phẩm... ./.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu cầu các Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai Kế hoạch trên địa bàn. Trong quá trình triển khai Kế hoạch, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.