Ông Hoàng Văn Thược chăm sóc cây đơn tướng quân hơn 70 tuổi trong vườn nhà.
Mấy năm nay, ông Thược bỗng nổi tiếng vì cái danh nhà "rộng nhất làng". Quả thật, chỉ cách ngõ Đội Cấn một quãng ngắn mà có thửa đất đến 2.000 m2 như ông Thược là của hiếm. Khu vườn không hổ danh là vườn cây "thập cẩm". Nhưng nếu biết về thuốc nam, thì cây nào cũng là vị thuốc. Cây khổ sâm chữa bệnh về đường ruột, cây lá lốt phối hợp chữa bệnh xương khớp, cây rau má hạ sốt, giải độc, làm lành vết thương, cây lá nếp (còn được gọi là trà sâm dứa) vừa tạo hương thơm cho các món xôi, chè, vừa thanh nhiệt, giải độc... Nhưng ông Thược quý nhất là cây đơn tướng quân. Năm nay ông 86 tuổi thì cây đơn tướng quân cũng hơn 70 tuổi, vì nó được chính tay ông trồng từ năm mới 13, 14 tuổi. Cây đơn tướng quân sau đó được nhân giống, cả vườn có đến mấy cây to. Ông Thược chia sẻ: "Cây đơn tướng quân có họ hàng gần với cây doi mà ta vẫn ăn quả, nhưng chữa ho, viêm họng rất tốt. Tuy nhiên, là cây thuốc nam, cho nên không phải ai cũng biết. Nhiều người bị ho đến đây mua về, phơi khô sao lên dùng dần rất hiệu nghiệm".
Tương truyền, nghề thuốc nam ở Đại Yên có từ thời Lý. Tổ nghề là công chúa Ngọc Hoa và theo thần tích, bà từng chữa bệnh cho quân sĩ của danh tướng Lý Thường Kiệt về sau, bà tới vùng đất này dạy dân nghề trồng thuốc nam. Thần tích này không phải không có cơ sở, bởi làng Đại Yên hình thành từ thời Lý, là vùng đất thập tam trại, do một nông dân người làng Lệ Mật (thuộc quận Long Biên) có công gây dựng. Cách đây hơn 40 năm, cũng giống như làng hoa Ngọc Hà ngay bên cạnh, hầu như nhà nào ở Đại Yên cũng có một vườn cây thuốc nam. Thuở ấy, người ta rất thích đến Đại Yên mua các loại lá thuốc, vì được chính người dân làng hướng dẫn cho cách chữa những loại bệnh đơn giản. Thuốc nam Đại Yên còn cung cấp cho nhiều cửa hàng thuốc, cho Viện Y học Cổ truyền, Trường đại học Dược...
Ông Thược thường nhớ lại ngày xưa, mẹ ông rất thành thạo các loại cây thuốc. Cụ học kinh nghiệm từ thế hệ trước và gia đình ông nhiều đời truyền nhau như thế. Gia đình ông không đem lá ra chợ bán, nhưng người quen thì vẫn đến tận nhà tìm. Riêng cây đơn tướng quân, có những người chuyên làm thuốc nam ở vùng xa cũng tìm đến mua để làm vị thuốc chữa ho, viêm họng. Giữa mảnh đất rộng mênh mông xanh um là mấy nếp nhà lụp xụp. Không ít người chê ông Thược gàn, bán đi, hoặc đơn giản hơn là xây mấy căn nhà cho thuê, còn hơn là thu hái mấy đồng bạc lẻ từ vườn thuốc. Nhưng ông Thược cứ thế. Chỉ mới nghĩ đến việc xẻ khu vườn ra để làm nhà, ông đã thấy tiếc...
Có lẽ, chỉ những người từng sinh ra, lớn lên, cả đời gắn bó với những mảnh vườn mới hiểu được nỗi lòng của một người như ông Thược. Đại Yên thay đổi đến chóng mặt nhưng vẫn còn có những người gắn bó với nghề truyền thống. Mặc dù không còn nhiều đất để trồng thuốc, bác Đỗ Thị Thủy lại là một trong những "kho bài thuốc". Người ta chuyển nghề này, nghề kia, bác vẫn gắn bó với những kiến thức học được từ mẹ, rồi tìm hiểu thêm. Thế nên, bên chân cột điện, gần cổng làng, gian hàng thuốc nam của bác luôn đông khách nhất. Hầu hết các loại bệnh đều được bác tư vấn cẩn thận, nhất là dịp này, trong tiết giao mùa, người già, trẻ em rất hay ho hắng, cảm lạnh. Vừa bán hàng, bác Thủy vừa căn dặn cách sử dụng các cây lá. Phần lớn chúng ít tác dụng phụ, cho nên khi mua và dùng thuốc nam, ai cũng thấy an tâm.
Với nhiều người ở làng Đại Yên, kiếm sống từ cái nghề các cụ để lại vận thành cái nghiệp khi đã gắn bó cả đời. Ông Nguyễn Văn Tín cũng là người như thế. Đô thị hóa khiến làng Đại Yên không còn đất, ông đi thuê đất ở ngoại thành trồng cây thuốc rồi đem về làng bán. Tiếng là người đô thị từ lâu, nhưng ông vẫn luôn mộc mạc, chân lấm tay bùn. Cái mùi thơm thơm, ngai ngái của hương nhu, cúc tần, ngải cứu... đã thân quen từ lúc mới sinh. Xa nó chỉ vài ngày là thấy nhớ không chịu được. Ở Đại Yên, không hiếm người dù người không còn đất trồng, nhưng lại bỏ cả chục triệu đồng ra cải tạo ban công, nóc nhà để trồng cây thuốc nam, không phải để bán, mà để cho gia đình mình dùng và giúp đỡ những người thân quen. Làng thuốc tuổi đời cả nghìn năm, bao nhiêu kiến thức tích cóp, dẫu không thành văn bản, thành những tổng kết khoa học, nhưng cũng rất đáng để bảo tồn.
Đô thị hóa là một chu trình tất yếu. Nhưng ở Đại Yên cũng như nhiều làng cổ khác, đôi khi, lại có những sự đảo ngược rất đáng suy nghĩ. Cái nếp cũ mà người ta muốn níu kéo, không phải cái lạc hậu, bảo thủ, mà là một nét văn hóa, một nếp sinh hoạt đã đi vào tiềm thức. Hẳn rằng cho đến khi không còn mảnh vườn nào nữa, khu chợ thuốc nam độc đáo ấy vẫn còn hoạt động. Bởi nhiều người đến mua, không chỉ vì lý do chữa bệnh, mà còn bởi cái tình yêu mến một nếp xưa...