Mùa mật mía

Chung Tiến Lực| 16/04/2020 09:04

Vào những ngày tháng Chạp, tụi trẻ con thau tháu chúng tôi rất thích khi cả làng thơm sực mùi mật mía. Buổi sáng đi học, buổi chiều rủ nhau sang nhà hàng xóm xem ép mía, nấu mật.

Mùa mật mía

Vào những ngày tháng Chạp, tụi trẻ con thau tháu chúng tôi rất thích khi cả làng thơm sực mùi mật mía. Buổi sáng đi học, buổi chiều rủ nhau sang nhà hàng xóm xem ép mía, nấu mật. Những cây mía màu vàng cốm được các bà, các chị tếp vào trục ép vỡ đôm đốp, nước chảy xuống chậu tuôn trào như suối nghe thật thích, nhưng thích nhất là đứng bên bếp lò, than cháy đỏ rực, chảo mật đang sôi sùng sục trong cái lạnh buốt cuối Đông.

Làng tôi bên bờ sông Ninh Cơ, quanh năm đỏ quạch phù sa. Hai bên bờ sông những đồng bãi tươi tốt trồng mía trắng và dâu nuôi tằm. Cây mía được trồng bằng ngọn từ tháng Giêng. Mầm mía mập mạp vươn lên trong mưa phùn gió bấc. “Mía tháng Bảy nước chảy lên ngọn”, cây mía tháng bảy như một chàng trai cường tráng, trưởng thành với lóng dài, thân mập, chắc óng ả. Cây mía vào độ này ăn ngọt lịm, nước mía nhiều tứa ra hai mép nước rớt cả xuống áo. Hai tháng cuối năm mía vào vụ thu hoạch. Nhà nhà luân phiên làm đổi công ngả mía mang về kéo mật. Vườn mía rậm rịt như rừng, mía được ngả theo từng luống. Những người đàn ông săn chắc dùng chiếc mai sắc lẻm lao ngọt vào gốc mía. Cây mía ngả ra được phát ngọn và bó thành từng bó bằng chính lá mía và được kìn kìn trên vai người vác về nhà trên đường làng gặp nhau vui như hội. Tụi trẻ trâu chúng tôi phụ làm những công việc nhẹ như vơ búp mía để làm thức ăn cho trâu, bò. Nhà nào cũng có một đống mía xếp cao ngoài sân như đống rơm vụ mùa. Mía mang về nhà cần phải khẩn trương ép nước nấu mật, để lâu sẽ giảm lượng mật trong cây.

Cây mía được dao sắc phát chéo nhọn thành ba đến bốn đoạn để dễ tếp vào trục máy ép mía. Gọi là máy ép nhưng kết cấu máy rất đơn giản, gồm hai thân gỗ nhãn đỏ au gá lên giá đỡ có hai cần cho người đẩy quay vòng tròn. Người tếp mía phải khéo tay, tếp mía vào sao cho liên tục mà trục ép không bị nghẹn và ép kiệt để bỏ bã. Bã mía sau khi đã phơi khô, dùng làm chất đốt nấu bếp rất thích do đượm lửa và ít bụi, người nấu lại nhàn, không phải vơ vào bếp như đun bằng rơm rạ.

Nước mía màu vàng tươi được đong bằng thùng gánh nước để đổ vào chảo. Chảo nước mía được nấu bằng than cám trộn bùn, nắm từng nắm vỗ lên tường, hong khô. Nhà nào mua được than cám tốt thì nhóm lò nhanh và không phải tiếp thêm than. Nhà nào mua phải than kém riêng việc nhóm lò đã nhoèn cả mắt vì khói và phải vất vả chăm lo liên tục, khi bếp có dấu hiệu lửa ngàn thì phải tiếp thêm than. Chảo nước mía nấu trong khoảng ba tiếng đồng hồ mới thành mật. Hết giai đoạn sôi, chảo nước mía chuyển sang giai đoạn bùng, kêu bùng bục ánh nên màu vàng rộm, thơm lừng. Người nấu mật giỏi chỉ cần nhìn màu mật đang bùng là biết mật già hay non. Người chưa có kinh nghiệm thì dùng chiếc que nhỏ, giọt mật vào bát nước nguội, đáy bát giọt mật tròn như chiếc cúc áo là mật đã được. Luồn đòn gánh vào hai quai chảo nhấc chảo ra khỏi lò than và rót vào chum đựng. Tụi trẻ trâu chúng tôi mong ngóng nhất là lúc này, khi mật đã rót hết vào chum thì thi nhau dùng vỏ mía tước dầy vét mật còn dính trên chảo, mật vét bao giờ cũng ngon nhất vì dai dẻo như kẹo kéo.

Mùa mật mía bước chân vào làng thơm sực. Mùa đông khi gió mùa về nhiều người thích mùi ngô nướng, mùi khoai nướng nhưng tụi trẻ  làng tôi thích nhất mùi mật mía ấm sực lửa than, ngọt lịm mật, chả thế mà sau vụ mía đứa nào má cũng đầy phinh phính.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Mùa mật mía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO