Mùa mật mía
Truyện - Ngày đăng : 09:04, 16/04/2020
Vào những ngày tháng Chạp, tụi trẻ con thau tháu chúng tôi rất thích khi cả làng thơm sực mùi mật mía. Buổi sáng đi học, buổi chiều rủ nhau sang nhà hàng xóm xem ép mía, nấu mật.
Vào những ngày tháng Chạp, tụi trẻ con thau tháu chúng tôi rất thích khi cả làng thơm sực mùi mật mía. Buổi sáng đi học, buổi chiều rủ nhau sang nhà hàng xóm xem ép mía, nấu mật. Những cây mía màu vàng cốm được các bà, các chị tếp vào trục ép vỡ đôm đốp, nước chảy xuống chậu tuôn trào như suối nghe thật thích, nhưng thích nhất là đứng bên bếp lò, than cháy đỏ rực, chảo mật đang sôi sùng sục trong cái lạnh buốt cuối Đông.
Làng tôi bên bờ sông Ninh Cơ, quanh năm đỏ quạch phù sa. Hai bên bờ sông những đồng bãi tươi tốt trồng mía trắng và dâu nuôi tằm. Cây mía được trồng bằng ngọn từ tháng Giêng. Mầm mía mập mạp vươn lên trong mưa phùn gió bấc. “Mía tháng Bảy nước chảy lên ngọn”, cây mía tháng bảy như một chàng trai cường tráng, trưởng thành với lóng dài, thân mập, chắc óng ả. Cây mía vào độ này ăn ngọt lịm, nước mía nhiều tứa ra hai mép nước rớt cả xuống áo. Hai tháng cuối năm mía vào vụ thu hoạch. Nhà nhà luân phiên làm đổi công ngả mía mang về kéo mật. Vườn mía rậm rịt như rừng, mía được ngả theo từng luống. Những người đàn ông săn chắc dùng chiếc mai sắc lẻm lao ngọt vào gốc mía. Cây mía ngả ra được phát ngọn và bó thành từng bó bằng chính lá mía và được kìn kìn trên vai người vác về nhà trên đường làng gặp nhau vui như hội. Tụi trẻ trâu chúng tôi phụ làm những công việc nhẹ như vơ búp mía để làm thức ăn cho trâu, bò. Nhà nào cũng có một đống mía xếp cao ngoài sân như đống rơm vụ mùa. Mía mang về nhà cần phải khẩn trương ép nước nấu mật, để lâu sẽ giảm lượng mật trong cây.
Cây mía được dao sắc phát chéo nhọn thành ba đến bốn đoạn để dễ tếp vào trục máy ép mía. Gọi là máy ép nhưng kết cấu máy rất đơn giản, gồm hai thân gỗ nhãn đỏ au gá lên giá đỡ có hai cần cho người đẩy quay vòng tròn. Người tếp mía phải khéo tay, tếp mía vào sao cho liên tục mà trục ép không bị nghẹn và ép kiệt để bỏ bã. Bã mía sau khi đã phơi khô, dùng làm chất đốt nấu bếp rất thích do đượm lửa và ít bụi, người nấu lại nhàn, không phải vơ vào bếp như đun bằng rơm rạ.
Nước mía màu vàng tươi được đong bằng thùng gánh nước để đổ vào chảo. Chảo nước mía được nấu bằng than cám trộn bùn, nắm từng nắm vỗ lên tường, hong khô. Nhà nào mua được than cám tốt thì nhóm lò nhanh và không phải tiếp thêm than. Nhà nào mua phải than kém riêng việc nhóm lò đã nhoèn cả mắt vì khói và phải vất vả chăm lo liên tục, khi bếp có dấu hiệu lửa ngàn thì phải tiếp thêm than. Chảo nước mía nấu trong khoảng ba tiếng đồng hồ mới thành mật. Hết giai đoạn sôi, chảo nước mía chuyển sang giai đoạn bùng, kêu bùng bục ánh nên màu vàng rộm, thơm lừng. Người nấu mật giỏi chỉ cần nhìn màu mật đang bùng là biết mật già hay non. Người chưa có kinh nghiệm thì dùng chiếc que nhỏ, giọt mật vào bát nước nguội, đáy bát giọt mật tròn như chiếc cúc áo là mật đã được. Luồn đòn gánh vào hai quai chảo nhấc chảo ra khỏi lò than và rót vào chum đựng. Tụi trẻ trâu chúng tôi mong ngóng nhất là lúc này, khi mật đã rót hết vào chum thì thi nhau dùng vỏ mía tước dầy vét mật còn dính trên chảo, mật vét bao giờ cũng ngon nhất vì dai dẻo như kẹo kéo.
Mùa mật mía bước chân vào làng thơm sực. Mùa đông khi gió mùa về nhiều người thích mùi ngô nướng, mùi khoai nướng nhưng tụi trẻ làng tôi thích nhất mùi mật mía ấm sực lửa than, ngọt lịm mật, chả thế mà sau vụ mía đứa nào má cũng đầy phinh phính.