Tác giả - tác phẩm

Một sự tri ân dành cho nền giáo dục nghệ thuật Việt đầu thế kỷ XX

Phạm Minh Quân 15/04/2024 07:53

Với nhiệt huyết tri ân dành cho một thời kỳ vàng son của mỹ thuật Đông Dương, cũng như dấu ấn giáo dục nghệ thuật khai phóng của Trường Mỹ thuật Đông Dương nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường (1924 -2024), tập thể các tác giả đã cho ra đời cuốn sách Mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - Từ góc nhìn giáo dục nghệ thuật (Phạm Long và Trần Hậu Yên Thế đồng chủ biên, Nxb Đại học Sư phạm, 2023).

bia-sach-2.jpg

Cuốn sách trước hết là một công trình nghiên cứu khôi phục và đánh giá đúng vị thế những trí thức Pháp có đóng góp lớn vào chặng đường phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XX. Họ đã để lại những di sản vật thể cho tới ngày nay vẫn còn tồn tại và phát huy giá trị sử dụng. Nhưng thứ di sản lớn lao không kém, tức di sản tinh thần, về tri thức, học thuật, nghệ thuật và tư tưởng, đã trở thành một mạch nguồn được người Việt kế thừa và sản sinh ra những giá trị mới.

Chỉ cần nhìn nhan đề thôi là người đọc đã đủ mường tượng lĩnh vực được nhóm tác giả tâm huyết chọn lựa. Cuốn sách được chia thành hai phần chính - phần 1 Nghị định và Báo cáo tập hợp những văn bản quan trọng liên quan đến Trường Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1886 cho đến 1944 và phần 2 Báo chí và Bình luận bao gồm nhiều bài báo đương thời phản ánh về nền mỹ thuật thời Pháp thuộc, xen kẽ với các bài viết phân tích và bình luận của các tác giả ngày nay.
Một điều thú vị nhất ở cuốn sách, đó là sự tham gia của các tác giả rất “nặng lòng” với nền mỹ thuật cũng như giáo dục nghệ thuật Đông Dương, bằng một thái độ trân quý và công tâm đúng mực. Phạm Long và Trần Hậu Yên Thế, đồng chủ biên của cuốn sách, đã có rất nhiều những sưu tầm và khảo cứu tư liệu mang tính hệ thống, để mở ra một hướng tiếp cận mới tới nền mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng Việt Nam đầu thế kỷ XX từ giáo dục nghệ thuật. Đặc biệt hơn cả, có những tác giả hiện là giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQGHN), những người đang được truyền cảm hứng và kế thừa di sản tinh thần giáo dục nghệ thuật khai phóng từ Trường Mỹ thuật Đông Dương.

unnamedj-mhu-h-k.jpg

Trường Mỹ thuật Đông Dương (l’École des Beaux-Arts de l’Indochine), cùng những nhân tố xoay quanh ngôi trường giàu truyền thống này, như Victor Tardieu, Nguyễn Nam Sơn, Évariste Jonchère là đề tài trung tâm của cuốn sách – có thể được nhận diện ngay từ trích dẫn của học giả Đào Duy Anh trong “Việt Nam văn hóa sử cương” (1938) trên bìa sau: “Có cái địa vị rất trọng yếu là làm trung tâm cho một cuộc cải tạo lớn”. Sự khai sinh của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l’École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), với công lao lớn của Victor Tardieu, đã đánh dấu một khởi đầu mới cho nền mỹ thuật cũng như khởi vận giáo dục nghệ thuật Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Trường Mỹ thuật Đông Dương và những thế hệ giảng viên, sinh viên của nó, đã đóng vai trò trạm trung chuyển quan yếu nối tiếp giữa truyền thống và hiện đại. Hay đúng hơn, đưa mỹ thuật Việt đến với hiện đại.

Người Pháp khi qua An Nam đã sớm có những nhận thức sơ khởi về nền mỹ thuật xứ bản địa này. Cũng nhờ hiểu về nghệ thuật bản địa từ những nhà giáo dục, mối hài hòa giữa vốn cổ truyền thống và tiếp nhận kỹ thuật mới hiện đại luôn được duy trì, tiêu biểu qua việc Victor Tardieu quyết định triển khai giảng dạy tranh lụa và sơn mài. Sơn mài, từ một nghề thủ công, đã thoát thai trở thành nghệ thuật. Sơn ta trở thành một chất liệu cho tinh túy “quốc họa” Việt. Công không nhỏ trong đó phải kể đến Alix Aymé và Joseph Inguimberty, cùng lớp học trò hậu bối của họ, những bậc thầy sơn mài Việt như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm,… Không thể phủ nhận, thầy Pháp và trò ta, tưởng như hai vế không tương thích của một song đề nghịch lý nếu nhìn từ quan điểm biện biệt, lại kiến tạo nên cả một truyền thống nghệ thuật mới cho Việt Nam cho tới tận ngày nay.

Một vấn đề đáng suy ngẫm từ cuốn sách, đó là khi truyền thống được tạo ra, thì truyền thống cũng có thể đứt gãy, và làm cách nào để chúng ta có thể nối liền hay duy trì tính liên tục của nó?
Những nghị định và báo cáo được cung cấp trong cuốn sách, đặc biệt là “Chương trình giảng dạy tổng quát” từ năm 1924, Nghị định ngày 24 tháng 5 năm 1938 về việc tổ chức lại Trường Mỹ thuật Đông Dương, đã phản ánh mô hình giáo dục tân tiến của Trường Mỹ thuật Đông Dương tương đồng với một trường nghệ thuật liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực. Mặc dù hướng đến đào tạo nghệ thuật hàn lâm như hội họa, điêu khắc, nhưng trường không hề bỏ quên mảng đào tạo khối mỹ thuật ứng dụng như gốm, chế tác đồ dùng, kim hoàn và chạm trổ, vốn chính là thổ nhưỡng ươm mầm ban đầu của nghệ thuật Việt. Trường Mỹ thuật Đông Dương cho thấy cả sự linh động cởi mở về quy chế cần có đối với một trường nghệ thuật, vốn khác với trường đào tạo chính quy. Ví dụ, thay vì đòi hỏi về bằng cấp học vị, các chuyên gia hay thợ thủ công bên ngoài vẫn có thể được mời để giảng dạy hoặc tham gia làm ủy viên Hội đồng Giám khảo chấm thi cuối khóa. Ngoài hệ chính quy, trường còn có hệ bàng thính (Libre) dành cho tất cả những ai muốn học, không phải thi đầu vào. Có những tên tuổi tài hoa bất ngờ đã từng theo học các lớp dự thính này, như Thế Lữ, Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Đình Phúc, Đặng Thế Phong, Võ An Ninh, Quang Dũng…

bia-sach-3.jpg

Song, giá trị lớn nhất mà Trường Mỹ thuật Đông Dương để lại, là những chỉ báo về một tinh thần giáo dục nghệ thuật khai phóng, khuynh hướng giáo dục nghệ thuật phổ quát toàn nhân loại hiện thời. Nó ứng với điều Victor Tardieu viết trong Đệ trình lên Toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin, tháng 4/1924 về việc cần thiết thành lập Trường vẽ Tổng quát ở Đông Dương, rằng: “Chỉ khi nào học sinh chắc chắn có được niềm tin vững vàng (trong cái nhìn của mình) thì chúng ta mới có thể nói đến việc sáng tạo. Sáng tạo phải chăng tùy thuộc vào từng cá nhân? Để đơm hoa kết trái, bất kỳ công việc giảng dạy nào cũng nhằm vào mục đích phát triển nhân cách của mỗi học sinh, đây chính là lúc sự liêm chính trung thực của người thầy được đánh giá” (tr. 30). Hay mục tiêu của môn Mỹ học và lịch sử nghệ thuật “là làm sao không chỉ đào tạo các sinh viên trở thành những nghệ sĩ xuất sắc và nhà thực hành có học thức, mà còn phải nâng cao tâm hồn của họ, để đánh thức ở họ các ý tưởng; để kích thích sự nhiệt tình của họ bằng cách làm cho họ hiểu được sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ trong xã hội” (tr. 57).
Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng từng là một “hệ sinh thái” gieo trồng năng khiếu như vậy, và nhóm tác giả đã chỉ ra những ánh xạ và cộng hưởng của Trường tới nhiều hiện tượng, tổ chức, phong trào xã hội nửa đầu thế kỷ XX, mang lại hiệu quả thực đích: từ áo dài Cát Tường, hay những sản phẩm đồ mộc nội thất của Trịnh Hữu Ngọc, rồi song hành với các tổ chức văn hóa xã hội dân lập như Hội Khai Trí Tiến Đức, Hội Trí Tri, phong trào Nhà ánh sáng và phong trào Cải cách y phục của Tự Lực văn đoàn trong thập niên 1930-1940, hay sự liên hợp nhuần nhuyễn với Khu Đấu xảo Hà Nội/ Bảo tàng Maurice Long (được tác giả Trần Hậu Yên Thế nhấn mạnh với vai trò không gian văn hóa - kinh tế - thương mại quan trọng, một tiền thân của loại hình không gian sáng tạo mà ngày nay thành phố sáng tạo Hà Nội đang hướng đến). Một mô hình “trường vượt ra ngoài nhà trường” và mang sứ mệnh đích đến là tạo ra những nghệ sĩ sáng tạo, hiếu học và hiếu tri, như Trường Mỹ thuật Đông Dương vẫn còn là một tham chiếu lý tưởng dành cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành nghệ thuật hôm nay.

Mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - Từ góc nhìn giáo dục nghệ thuật, bên cạnh cung cấp những tư liệu tham khảo quý giá, còn gợi mở một hướng tiếp cận mới về lịch sử nghệ thuật Việt Nam hiện đại, cũng như nhìn nhận một di sản giáo dục đã hiện diện ngay nửa đầu thế kỷ XX và vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho tới tận ngày nay./.

Bài liên quan
  • Men của mùa xuân đã rót về
    Nhà thơ Vũ Quần Phương sinh năm 1940 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1965 và chuyển sang viết văn chuyên nghiệp từ năm 1972. Đến nay ông đã xuất bản 13 tập thơ, 5 tập phê bình văn học và 1 tập văn xuôi. Ở tuổi 85 ông vẫn bền bỉ và giàu sức chiêm nghiệm trên cánh đồng thơ, cánh đồng chữ nghĩa. Mùa thu năm 2023 ông ra mắt bạn đọc tập thơ “Ngỗng trời kêu xa xứ” (NXB Hội Nhà văn).
(0) Bình luận
  • 17 ấn phẩm nhắc nhớ về một thời hoa lửa Điện Biên
    Nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 ấn phẩm thuộc nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kí, nhật kí, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
  • Ra mắt truyện ký về cuộc đời Tổng Bí thư Trần Phú
    Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc truyện ký đặc sắc Trần Phú của nhà văn Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).
  • Ra mắt tập nhật ký "Con đường văn sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
    Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 – 2024, sáng ngày 24/4, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách "Con đường văn sĩ" – nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
  • Thơ Nguyễn Đức Tùng - một buổi sáng chín
    Tôi muốn đánh thức “buổi sáng chín” của Nguyễn Đức Tùng để mở ra những trang thơ giàu tính sáng tạo của ông: Sau cái chết, nếu trở lại/ Anh sẽ trở lại vì một buổi sáng/ Một buổi sáng chín trên cành/ Như trái ổi xanh/ Bỗng chín/ Nhưng không rụng xuống/ Vì hãy còn xanh (Thời gian).
  • Ra mắt bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”
    Bộ sách ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - một bản anh hùng ca bất hủ gắn liền với tên tuổi và tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như một lời tri ân sâu sắc những công lao và cống hiến đặc biệt xuất sắc của ông đối với sự nghiệp cách mạng.
  • Thưởng thức triết học - Mỗi đứa trẻ là một triết gia
    Chiều ngày 20/4, tại Phố Sách Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Giao lưu giới thiệu bộ sách "Thưởng thức triết học – Mỗi đứa trẻ là một triết gia" do Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp Hà Nội phối hợp tổ chức nhân dịp ra mắt bộ sách với chủ đề “Mỗi đứa trẻ là một triết gia”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Một sự tri ân dành cho nền giáo dục nghệ thuật Việt đầu thế kỷ XX
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO