Trời vừa tối sầm lại thì bốn chiến sĩ xuống cầu vào tới trong thành phố. Trong gió rét căm căm, dưới trời mù tối và xám lạnh, sương tỏa vào phố từ phía bờ sông, nên không nhìn rõ mặt mũi của bốn bóng người, hàng một, thấp thoáng bước theo nhau. Nhưng chỉ nhìn những bộ quần áo đen xám mỏng tanh, chẽn vào lưng, thắt vào bắp chân mỗi người, khẩu súng lớn đeo bên hông của người đi đầu, hình con dao quắm bên sườn một người đi sau cũng đủ biết đấy là bốn chiến sĩ mới từ chiến khu về.
Minh họa của Lê Huy Quang
Trời vừa tối sầm lại thì bốn chiến sĩ xuống cầu vào tới trong thành phố. Trong gió rét căm căm, dưới trời mù tối và xám lạnh, sương tỏa vào phố từ phía bờ sông, nên không nhìn rõ mặt mũi của bốn bóng người, hàng một, thấp thoáng bước theo nhau. Nhưng chỉ nhìn những bộ quần áo đen xám mỏng tanh, chẽn vào lưng, thắt vào bắp chân mỗi người, khẩu súng lớn đeo bên hông của người đi đầu, hình con dao quắm bên sườn một người đi sau cũng đủ biết đấy là bốn chiến sĩ mới từ chiến khu về.
Dân chúng Hà thành từ hai, ba tháng nay đã quen thuộc với những hình dạng ấy. Và những ngày chưa xa, chính những hình dạng ấy đã làm tất cả Hà Nội sôi nổi, hân hoan.
Nhưng hôm nay mới về thì hình như chiến sĩ đến chậm quá! Mà có bốn người thì ít quá! Hình ảnh khêu gợi và quyến rũ của chiến sĩ đều trở nên tầm thường rồi.
Vả lại những trẻ bán báo, những bác hàng rong, những phu phen, thợ thuyền… nghĩa là tất cả những người còn thích xem chiến sĩ nhất, sau một ngày vất vả làm ăn trong thành phố đã tản mát cả ra những ngoại ô, ngoài bãi, trở về nhà; hoặc đã chúi vào mấy xó cửa ngay trong phố tránh cái rét, càng về chiều càng buốt căm căm.
Nhưng mặc dầu, chỉ biết rằng chiều hôm nay, không có ai đi đón chiến sĩ mà cũng chẳng ai đi theo xem. Nhớ lại có ngày chân cầu, thành cầu đầy người bám, và phố ở dưới chân cầu, người xếp hàng hai bên dài tăm tắp.
Nhưng mà thực ra, chiến sĩ thản nhiên, im lặng bước, đi hàng một - lối đi rừng - người đi sau dẫm lên dấu chân của người đi trước, không hề chú ý gì đến chung quanh.
Cho tới đầu phố Hàng Ngang thì đèn thành phố bật sáng. Và cùng với đèn thành phố, một cảnh tượng tưng bừng cũng sáng bật lên. Lối đèn phòng thủ lù mù vừa bị bỏ đi. Nhiều cửa hiệu im lìm suốt mấy năm chiến tranh đã sáng rực hẳn lên. Những tủ kính hắt ra hè phố từng mảng ánh sáng vuông vắn - Ánh sáng rực rỡ, ấm cúng lạ thường, trong không khí lạnh dưới trời không trăng sao, và lòng người như phấn khởi hẳn lên. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đua nhau ra đường. Mỗi lúc một đông thêm, từ các ngả đường, người và xe dần dần như nêm như cối náo nhiệt đổ mãi vào những phố Hàng Ngang, Hàng Đào, mạch máu của Hà Nội.
Thực là đằng đẵng mấy năm trời sau bao nhiêu biến cố, hãi hùng và mong đợi, cảnh phồn thịnh, lộng lẫy, sáng sủa như vậy mới trở lại. Nhưng trở lại hơi vội quá chăng?
Nhiều thứ hàng thuộc về loại xa xỉ phẩm tưởng không bao giờ còn được trông thấy nữa, hay còn dùng làm gì được nữa, đã lại từ lúc nào hiện về, nằm im trong lần kính, quý giá và êm đềm như giấc ngủ của nàng công chúa trong truyện thần tiên.
Hà Nội vội vàng sống lại đêm nay những đêm nào của một thời đã qua để xứng với tên kinh thành hoa lệ và người của Hà Nội chiều nay cũng thực là những người của đất văn vật nghìn năm…
Rất nhiều kiều dân và võ quan ngoại quốc trong bộ đồ len ấm áp, sang trọng tỏa ra những hương thơm ngào ngạt của nước hoa và của yên hương. Những chiếc áo khoác trắng như tuyết trên vai những thiếu nữ Việt Nam hay những thiếu phụ mới từ miền Bắc xuống đây, thấp thoáng trong những chiếc xe hơi kiểu lạ, bóng loáng, xịch máy, từ từ đi trong phố. Mặc dầu tất cả những sự đã xảy ra, một võ quan Nhật Bản vẫn lẫm lượt ngồi trong một chiếc xe hơi buông mui với gươm và găng tay trắng, rẽ qua một cổng chào có hình thanh thiên bạch nhật và hàng chữ Hoan hô Đồng minh.
Thủ đô Việt Nam được tô điểm bằng bao nhiêu màu sắc quốc tế. Đời sống Việt Nam cũng phản chiếu được ngay cái ánh sáng phù hoa ấy. Phòng trà ở góc phố Hàng Bạc, một ánh sáng đều nhạt, dịu dàng. Những thanh niên tuấn tú ngồi bên những màu thêu hoa. Những tiếng đàn rền rĩ ở những cung trầm. Xa chút nữa, cánh cửa của một tiệm nhảy hé mở để một võ quan ngoại quốc cao lớn lách cặp thướt tha cũng như chợt thoát bay ra ngoài tiếng đàn lả lướt.
Tiếng đàn lả lướt vẳng đưa trên trời và trong đêm Hà Nội. Những ham muốn mạnh mẽ và hồi hộp nặng sa vào trong lòng mấy trang thanh niên bước vội trên vỉa hè. Nước hồ gươm rung làn ánh sáng như giục giã. Chút sương mờ trước mắt như đợi chờ.
“Ái tình trong giờ phút này đã phấn khởi hẳn lên trong mắt những ai ai”.
Nhưng trong ánh sáng ấy, giữa những luồng sinh khí ấy, bốn chiến sĩ vẫn thản nhiên bước theo hàng một lối đi rừng người đi sau dẫm lên dấu chân người đi trước. Nét mặt họ lúc này đã trông rõ được: bốn khuôn mặt to, đen sạm, hiền hậu vô cùng, nhưng yên lặng và thản nhiên vô cùng. Những đôi mắt ấy không sáng lên một chút nào trước những ánh sáng rực rỡ kia. Những đôi mắt chỉ nhìn thẳng để bước đều lên. Tiếng hát của một hộp vô tuyến điện có làm cho người đi đầu nhìn ngang một chút, nhưng mà vẫn như không nghe thấy. Vì tiếng hát đã hát rằng:
Buồn nhớ khóm trúc ngày xưa
Buồn trông tình xưa còn đó.
Người xưa còn nhớ ta chăng ?
Hay đã quên rồi?
Thực vậy, mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe, bốn chiến sĩ đều bước theo người đi đầu dẫn đường. Không có một chút tình ý gì, không có một dây liên lạc nào giữa những người ấy, với những cảnh tượng ấy. Kỷ niệm âm u và xa vắng của rừng núi không tan biến trước ánh sáng của kinh thành.
Bốn chiến sĩ cứ tiến dần mãi ra ngoại ô. Họ tìm tới một trường quân chính. Đây là mục đích của họ lần này về Thủ đô. Họ đến chậm rồi, nên có vẻ vội vã lắm.
Sáng mau, ở bãi cỏ nhà trường, họ sẽ chào lá cờ đỏ sao vàng. Những ngày ở lại đây, học còn được xem nữa cái ánh sáng của kinh thành. Nhưng xem mà vẫn không hề lưu luyến. Không bao giờ hai bên sẽ hiểu nhau. Một ngày mai, trở về rừng núi, hay xông pha nơi khói lửa, có lẽ kỷ niệm của họ ở Thủ đô chỉ là một lá cờ mỗi sáng kéo lên trên bãi cỏ ướt của nhà trường. Còn những cảnh khác vô tình họ đã nhìn thấy, thì lại sẽ vô tình lần lần phai mờ mà mất hẳn đi.
Và đấy là một kỷ niệm ấm áp độc nhất của một thành phố đầy ánh sáng và len dạ.
Tháng 1/1946