Xuống cấp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Chỉ trong tháng 5-2022, cầu Long Biên đã 2 lần xuất hiện các lỗ thủng lớn gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Mới đây nhất vào ngày 28-5, một xe ba gác chở hàng nặng đã gây ra một lỗ thủng có kích thước khoảng 1,2x0,6m trên cầu. Trước đó, vào ngày 4-5, một tấm đan trên phần đường dành cho người đi bộ đã bị gãy, rơi xuống sông. Chỗ tấm đan bị rơi tạo thành một lỗ thủng lớn. Cả hai vụ việc đều được đơn vị quản lý sửa chữa, gia cố ngay.
Lý giải nguyên nhân, đại diện Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị đảm trách quản lý, bảo trì cầu Long Biên) cho biết, sau hơn 120 năm khai thác, cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù hai bên đầu cầu đã có biển cấm ô tô, biển cấm xe thồ lưu thông trên cầu từ 5h đến 20h và biển cảnh báo cầu yếu, các phương tiện hạn chế qua lại nhưng lượng phương tiện lên cầu vẫn rất đông, nhất là vào giờ cao điểm; trong đó, có cả xe thồ hàng và xe ba gác, xe ba bánh chở nặng.
“Chúng tôi đã thử đếm trong thời gian từ 14h đến 20h ngày 30-5 vừa qua, trong giờ cấm xe máy thồ, xe đạp thồ nhưng có đến 150 xe máy thồ, xe ba gác chở nặng qua cầu”, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải Nguyễn Quốc Vượng thông tin.
Không chỉ “cõng” lượng phương tiện lớn, trên cầu Long Biên từ lâu còn tồn tại chợ tự phát bán các loại rau, củ, quả; nhiều xe máy đi lên lối đi bộ để lên, xuống bãi giữa…
Thiếu vốn sửa chữa
Theo thống kê, năm 2021, nguồn vốn bảo trì dành cho cầu Long Biên được ngân sách cấp hơn 7 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu. Năm 2022, kinh phí bảo trì cho cầu Long Biên khoảng 8 tỷ đồng, đáp ứng khoảng gần 50% nhu cầu. Trong đó, quý I-2022, đơn vị quản lý đã sơn 2.000m2, thay gần 100 tà vẹt gỗ, duy tu tổng hợp 250m, còn lại là bảo quản, vá mặt đường những chỗ bị bong bật.
“Sau liên tục hai vụ việc mới xảy ra, công ty đã kiểm tra sơ bộ, đánh dấu các vị trí nguy cơ để có giải pháp tiếp theo. Trước mắt, đơn vị sẽ cho lắp ngay thanh chặn, biển cấm xe máy đi lên lối đi dành cho người đi bộ. Trong khi chờ giải pháp kỹ thuật, vốn cho sửa chữa các vị trí xung yếu, đơn vị sẽ mua vật tư kê tạm thời lên các khe hở rộng, để bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông” - ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải cho biết.
Cũng để bảo đảm an toàn, bớt rung lắc khi tàu qua, năm 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã phải giảm tốc độ chạy tàu qua cầu từ 25km/giờ xuống còn 15km/giờ. VNR đang kiểm định tổng thể cầu trước khi đề xuất giải pháp lâu dài, trong đó lập dự án sửa chữa đồng bộ từ nguồn vốn đầu tư phát triển.
Đề cập đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho biết, trước mắt Cục đã yêu cầu Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải bố trí thêm các biển cấm tập trung đông người, phương tiện trên mặt cầu, lối đi bộ hành; điều tra, khảo sát hệ thống giằng đỡ bằng thép phía dưới phần đường bộ để có kế hoạch sửa chữa thay thế. Đồng thời, đề xuất loại phương tiện được phép lưu thông qua cầu để Cục làm việc với các cơ quan chức năng cắm biển cấm.
Cũng theo ông Vũ Quang Khôi, theo quy hoạch, tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ được đầu tư, trong đó làm cầu đường sắt mới qua sông Hồng. Tuyến đường sắt quốc gia sẽ không qua cầu Long Biên mà theo tuyến vành đai phía Đông Hà Nội theo hướng Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng. Kết nối giữa hai ga này sẽ có cầu đường sắt gần vị trí cầu Thanh Trì. Cầu Long Biên sẽ khai thác thế nào vẫn đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông vừa yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cầu Long Biên sau hai vụ sập tấm đan trên cầu trong tháng 5-2022. Cùng với đó, Bộ đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc ngăn ngừa xe ba bánh chở hàng nặng đi qua cầu, tụ tập buôn bán trên cầu...