CLB Liên thế hệ Tự giúp nhau – Điểm sáng gắn kết cộng đồng bền vững tại quận Tây Hồ
Sau 5 năm triển khai Đề án 1336 của Chính phủ về xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTHTGN), quận Tây Hồ đã ghi nhận những thành tựu nổi bật, cho thấy sự kết hợp hiệu quả giữa định hướng chính sách và sự chủ động sáng tạo tại địa bàn.
Câu lạc bộ không chỉ dành cho người cao tuổi

Khác với nhiều mô hình chăm sóc NCT theo hướng thụ động, CLB Liên thế hệ Tự giúp nhau hướng đến sự chủ động, tương tác đa chiều giữa các thành viên trong cộng đồng. Đây là mô hình được xây dựng trên 6 hợp phần cơ bản: tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe tại nhà, hỗ trợ và tư vấn pháp lý, tham gia bảo vệ môi trường – xây dựng nếp sống văn minh, truyền thông nâng cao nhận thức và phát triển cộng đồng bền vững.
Tính đến hết quý I/2025, toàn bộ 8 phường của quận Tây Hồ đã thành lập được CLB Liên thế hệ Tự giúp nhau với tổng cộng 509 thành viên. Trong đó, có 355 người từ 55 tuổi trở lên (chiếm hơn 69%), còn lại là lực lượng trẻ, đóng vai trò hỗ trợ và kết nối liên thế hệ. Phụ nữ chiếm hơn 77% hội viên – điều này phản ánh một thực tế rằng phụ nữ lớn tuổi không chỉ là đối tượng cần được chăm sóc mà còn là lực lượng nòng cốt giữ gìn các giá trị văn hóa, đạo đức trong gia đình và xã hội.
Gieo mầm từ sự sẻ chia

Điểm nổi bật của mô hình CLB Liên thế hệ Tự giúp nhau tại Tây Hồ chính là khả năng vận hành linh hoạt theo nhu cầu thực tế của từng địa phương, từng nhóm đối tượng. Mỗi CLB đều xây dựng các tổ, nhóm chuyên trách như tổ tăng thu nhập, tổ chăm sóc sức khỏe, tổ vay vốn quay vòng...
Từ nguồn lực xã hội hóa, các CLB đã huy động được tổng quỹ hoạt động lên tới hơn 412 triệu đồng – một con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh phí công còn hạn chế. Có CLB gây quỹ thành công tới 159,1 triệu đồng nhờ sự ủng hộ của hội viên, mạnh thường quân và chính quyền địa phương. Đặc biệt, việc cho 28 hội viên vay vốn quay vòng để phát triển sinh kế không chỉ giúp họ tăng thu nhập mà còn nâng cao ý thức tự chủ, tự cường.
Bên cạnh đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe tại nhà – vốn là thế mạnh nổi bật của mô hình – được tổ chức định kỳ với sự tham gia của các y, bác sĩ tình nguyện. Các buổi tư vấn, đo huyết áp, hướng dẫn phòng bệnh thường gặp ở NCT không chỉ giúp nâng cao chất lượng sống mà còn góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế.
Gắn kết các thế hệ – xây dựng cộng đồng nhân văn

Đúng như tên gọi “Liên thế hệ Tự giúp nhau”, mô hình không chỉ giới hạn trong phạm vi hỗ trợ NCT mà còn hướng tới việc kết nối, chia sẻ giữa các nhóm tuổi trong cộng đồng. Các hoạt động truyền thông, sinh hoạt chuyên đề, giao lưu văn hóa – văn nghệ, dạy nghề thủ công... tạo ra không gian gắn bó, tôn trọng lẫn nhau giữa người già và người trẻ.
Từ sự tham gia tích cực của các thành viên trẻ tuổi, mô hình từng bước hình thành hệ sinh thái cộng đồng học tập – một môi trường mà người cao tuổi không bị cô lập, người trẻ thì được truyền dạy kinh nghiệm sống, ứng xử, và cả lòng nhân ái.
Để mô hình CLB Liên thế hệ Tự giúp nhau hoạt động hiệu quả, chính quyền quận Tây Hồ đã có vai trò định hướng và hỗ trợ không nhỏ. Hội Người cao tuổi quận là cơ quan nòng cốt trong việc triển khai, giám sát và hướng dẫn hoạt động của các CLB tại cơ sở.
Bà Trần Thị Thu Hường – Chủ tịch Hội NCT quận Tây Hồ, khẳng định: “Mô hình CLB Liên thế hệ Tự giúp nhau là một cách tiếp cận toàn diện, bền vững, lấy người cao tuổi làm trung tâm nhưng không tách biệt với cộng đồng. Qua hoạt động CLB, người cao tuổi có cơ hội được sống vui, sống khỏe và sống có ích”.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội NCT với UBND các phường, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể… là yếu tố quan trọng giúp các CLB vận hành hiệu quả, không bị hình thức hay chồng chéo chức năng.
Kỳ vọng nhân rộng và phát triển

Thành công từ mô hình tại Tây Hồ cho thấy: khi người cao tuổi được khơi dậy tiềm năng, hỗ trợ đúng cách và sống trong môi trường giàu tính nhân văn, họ hoàn toàn có thể tiếp tục đóng góp tích cực cho xã hội.
Trong thời gian tới, Hội NCT quận Tây Hồ đặt mục tiêu nâng số lượng hội viên tham gia mô hình, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hoạt động CLB và đa dạng hóa hình thức sinh hoạt nhằm phù hợp hơn với điều kiện sống đô thị.
CLB Liên thế hệ Tự giúp nhau tại Tây Hồ không chỉ là mô hình chăm sóc người cao tuổi đơn thuần mà đã và đang trở thành hạt nhân xây dựng cộng đồng bền vững, nơi mỗi người – bất kể tuổi tác – đều được trân trọng, lắng nghe và sẻ chia./.