Mở lối để Luật Thủ đô 2024 thực sự đi vào cuộc sống
Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động (Bộ Nội vụ) cho rằng, để Luật Thủ đô 2024 thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được tác dụng tích cực phụ thuộc rất lớn sự vào cuộc sớm, từ đầu của các bộ, ngành và đặc biệt là các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sẽ phải đồng hành theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và kịp thời chỉ đạo để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà Hà Nội gặp phải khi triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024. Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động cho rằng, trước hết cần thực hiện nghiêm túc Quyết định số 762/QĐ-TTg ngày 2/8/2024 về kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024, do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cùng đó, cần đảm bảo nguồn lực cho việc thi hành Luật Thủ đô 2024 trong thực tế. Về nhân lực vận hành chính quyền có chất lượng tốt: Yêu cầu này được đặt ra đối với mọi cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền Thành phố Hà Nội nói riêng, đối với bộ máy hành chính nhà nước ta nói chung. Khi thực hiện tinh giản biên chế thì bất cứ công việc nào, khâu nào trong tổ chức và hoạt động của chính quyền cũng đều phải tốt. Nhưng yêu cầu này đặt ra trước hết với đòi hỏi cao đối với những người lãnh đạo, quản lý chính quyền Thành phố Hà Nội và những người có trách nhiệm tham mưu.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý là một đột phá có tính chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định. Đây cũng là hướng đặc biệt quan trọng cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó có tổ chức và hoạt động của chính quyền Thành phố Hà Nội. Nguồn nhân lực tùy theo vị trí công tác lãnh đạo, đại biểu, chuyên môn… mà cần đến các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, chính trị, tầm nhìn, lối tư duy, kỹ năng thực hành, kinh nghiệm, khả năng quan hệ công chúng… Nhìn chung, nguồn nhân lực như vậy là kết quả của một chuỗi các yếu tố khác nhau: đào tạo, tự đào tạo, bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, giám sát cán bộ… và nhiều yếu tố khác.
Đảm bảo nguồn lực tài chính: Đòi hỏi các cơ quan, ban ngành ở Trung ương liên quan quan tâm, phối hợp với Hà Nội. Đối với Thành phố, đặc biệt là Sở Tài chính Hà Nội phát huy tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Thành phố để xây dựng các chính sách triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 do Sở Tài chính chủ trì; tham mưu về cân đối nguồn lực ngân sách; phối hợp với các sở, ngành xây dựng các chính sách… đảm bảo tiến độ, chất lượng theo kế hoạch Thành phố đề ra.
Đồng thời cần tạo cơ chế mới trong chi ngân sách để tổ chức thi hành Luật Thủ đô. Luật Thủ đô 2024 là văn bản pháp lý quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt với Thành phố Hà Nội, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố trên các lĩnh vực. Trong đó, Luật Thủ đô 2024 đặt ra yêu cầu phải xây dựng một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết và quy định theo thẩm quyền nhiều nội dung được giao; đồng thời, cần ban hành các văn bản cá biệt (danh mục, đề án…) về nhiều vấn đề quan trọng để tổ chức thi hành Luật. Vì vậy việc xây dựng, ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ chế mới trong chi ngân sách, bố trí đầy đủ, phù hợp nguồn kinh phí để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô là quan trọng và cần thiết.

Thứ ba, bảo đảm sự tham gia thật sự của nhân dân, của các tổ chức chính trị xã hội, xã hội vào công việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền, tham gia triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024. Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện đã được khẳng định tại điều 6 của Hiến pháp năm 2013. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền xét cho cùng không thể tách rời nền tảng dân chủ. Người dân tổ chức ra chính quyền và giám sát đối với hoạt động của chính quyền. Có thể nói, chính quyền không thể tự tốt nếu không dựa trên quyền lực nhân dân. Đối với việc triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 nói riêng, hoạt động nói chung của các cấp chính quyền, vấn đề dân chủ cần phải được cải thiện hơn.
Bảo đảm và khuyến khích các hình thức dân chủ của người dân trong tương tác với chính quyền. Hai vấn đề cần coi trọng là một mặt phải hoàn thiện pháp luật về dân chủ và phát huy tính tự giác chính trị, dân chủ của người dân và mặt khác, kiểm tra, giám sát và xử lý thật sự, hiệu quả đối với hoạt động của chính quyền, hành vi của cán bộ, công chức trong vấn đề thực hành dân chủ. Và mặt khác, kiểm soát chính quyền trong việc thực hành và bảo đảm dân chủ.
Bởi vậy, trong thi hành Luật Thủ đô 2024, cần sự chung tay, đồng tình ủng hộ và đóng góp của nhân dân, của các tổ chức chính trị xã hội cho công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, coi việc thực hiện Luật Thủ đô 2024 không chỉ là nhiệm vụ chung của thành phố, mà là nghĩa vụ của từng người để góp phần nâng phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.
Thứ tư, ứng dụng ưu điểm của chính quyền số và đô thị thông minh vào triển khai Luật Thủ đô. Việc triển khai chuyển đổi số của Hà Nội bước đầu đạt một số kết quả, Chính quyền số từng bước được triển khai. Việc xây dựng hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác. Kinh tế số, xã hội số của Thủ đô phát triển khá mạnh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Hà Nội đã có bước đột phá căn bản về công nghệ thông tin, bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã thể hiện rõ quyết tâm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững.
Việc sửa đổi Luật Thủ đô 2024 là để tạo ra cơ chế đặc thù, tạo sự đột phá cho phát triển nguồn lực, giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đồng thời, việc triển khai có hiệu quả Luật Thủ đô 2024 cũng nên ứng dụng ưu điểm của chính quyền số và đô thị thông minh vào triển khai những cách làm mới, hiệu lực, hiệu quả. Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo nên các thành tố để xây dựng thành phố thông minh, trong đó dành ưu tiên cho xây dựng các hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực “nóng” như giao thông, du lịch, y tế, môi trường…/.
Để triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 6/12/2024 về triển khai thi hành Luật, HĐND Thành phố ban hành Kế hoạch số 11/KH-HĐND, UBND Thành phố đã ban hành 5 kế hoạch, 1 quyết định để tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cụ thể và thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024.
Thời gian vừa qua, HĐND Thành phố đã thông qua 17 nghị quyết quy phạm pháp luật, 1 nghị quyết cá biệt; UBND Thành phố đã ban hành 2 Quyết định để triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024; triển khai rà soát, xác định cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới 114 văn bản trong tổng số 475 văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thi hành của Thành phố.