Màu của mùa đông Hà Nội

NSHN| 24/01/2021 15:56

Đông Hà Nội đa sắc, đa tình. Đó là màu xam xám của sương mù, màu rêu phong của tháng năm, màu phớt hồng trên gò má thẹn thùng của cô thiếu nữ, nhưng nổi hơn tất cả vẫn là “cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy” của lá bàng, của nàng thơ “áo đỏ” giữa phố đông và của “như chưa hề có cuộc chia ly”...

Màu của mùa đông Hà Nội

Đông về, cả Hà Nội đắm chìm vào trong gam màu xám bạc huyền ảo như bức tranh sơn thủy hữu tình. Trong “Em ơi Hà Nội phố”, nhà thơ Phan Vũ đã nói đến màn sương như một tấm sa mỏng màu xám trùm lên mùa đông Hà Nội:

“Một màu xanh thời gian và màu xám hư vô chợt nhòe chợt hiện”…

Có những hôm sương mù dày đặc khiến Hà Nội mờ ảo. Mặt nước Hồ Gươm phẳng lặng soi bóng Tháp Rùa cổ kính và những cành cây khẳng khiu, trụi lá. Hồ Tây cũng mịt mờ sương khói…

Màu của mùa đông Hà Nội

Lời bài hát “Hà Nội mùa sương” của cố nhạc sĩ An Thuyên có đoạn:

"Hà Nội mùa sương

La đà ngọn sóng bồn chồn Tây Hồ

Run run ngọn gió mấy cổ rêu phong

Sương đọng trên mi mắt ươn ướt nỗi buồn thơ

Người đi trong sương như mơ

Cây bàng thắp lửa ngẩn ngơ

Rằng mắt trong sương mờ

Hơi ấm Hà Nội êm"

Màu của mùa đông Hà Nội

Vào đỉnh điểm của mùa đông, giữa tiết đại hàn xám xịt, những cây bàng rực lên sắc lá đỏ như giành lại chút cân bằng ấm áp cho thành phố đang ẩm ướt. Màu đỏ đã tôn lên vẻ đẹp u hoài của mùa đông Hà Nội, nổi bật giữa phố phường như cô gái trong bài thơ "Áo đỏ" của Vũ Quần Phương.

“Áo đỏ em đi giữa phố đông

Cây xanh như cũng ánh theo hồng

Em đi lửa cháy trong bao mắt

Anh đứng thành tro em biết không?”… 

Màu của mùa đông Hà Nội

Có lần tôi được nghe nhà thơ chia sẻ: “Bài thơ này vụt đến trong một lần tôi đang ngồi đợi cắt tóc ở phố Khâm Thiên đầu năm 1973, khi Hà Nội vừa trải qua 12 ngày đêm khói lửa. Bấy giờ, sau trận bom rải thảm của B.52 Mỹ ném xuống, cả phố tan hoang đổ nát. Từ nơi sơ tán, dân phố về sửa lại nhà để ở, mái nhà toàn lợp tạm bằng “giấy dầu” trông ảm đạm lắm! Ngày ấy chiến tranh nên quần áo mọi người chỉ có màu xanh công nhân và màu cỏ úa bộ đội, bỗng từ xa, có một cô gái mặc áo đỏ đạp xe đi qua. Sự xuất hiện “bất ngờ” của cô gái với sắc đỏ ấm áp trong tiết trời lạnh giá những ngày đầu hòa bình như một khát khao về cuộc sống yên bình và no đủ đã làm cả một góc phố phải chú ý, ai cũng phải ngoái lại nhìn”.

Bài thơ chỉ có 4 câu thôi nhưng ý nghĩa của nó lại dài hơn thế: Niềm vui về một sự đổi thay của cuộc sống sau chiến tranh và một tình yêu cháy bỏng! Và tất cả đều cháy lên mãnh liệt.

Chợt nhớ trước đó, Hà Nội cũng là nơi ra đời một bài thơ màu đỏ lừng lẫy của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ.

Năm 1964, khi giặc Mỹ đem máy bay ném bom đánh phá miền Bắc, chiến trường miền Nam kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường vào mặt trận. Đã có không ít chàng trai phải xa người yêu, xa gia đình đi chiến đấu. Giữa những ngày đạn bom đó, trên gác xép ngôi nhà số 19 phố Nguyễn Bỉnh Khiêm khuất sau công viên Thống Nhất, bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” ra đời.

Màu của mùa đông Hà Nội

Đó là một cuộc chia ly giữa chồng với vợ nhưng không não nề mà đầy bịn rịn và lưu luyến bởi “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.

 “... Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy

Cái màu đỏ như màu đỏ ấy

Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi

Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người

Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp

Một làng xa giữa đêm gió rét...

Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi

Như không hề có cuộc chia ly”...

Cái màu đỏ của thì hiện tại ấy không chỉ là màu đỏ trực diện của chiếc áo đỏ người vợ mặc mà còn phối hợp với màu đỏ trong tưởng tượng, một cảm xúc mang hơi thở thời đại, lung linh, ngời sáng. Các câu thơ chuyển từ tả thực sang ẩn dụ. Nhờ thế, cuộc chia ly không mảy may một sắc màu u ám mà ấm áp, tin cậy, hy vọng. Chia ly để làm nên chiến thắng, làm nên sự trở về.

Màu của mùa đông Hà Nội

Những ngày này, đi qua con phố nhỏ duyên dáng Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhìn cây bàng đỏ rực bỗng nhớ nhiều hơn đến tác giả “Cuộc chia ly màu đỏ” đã anh dũng ngã xuống nơi chiến trường lửa đạn nhưng những vần thơ của ông như ngọn lửa hồng vẫn hừng lên, đỏ thắm.

Hà Nội mùa đông, một màu trầm lắng, một màu hoài niệm.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Màu của mùa đông Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO