Chính sách & Quản lý

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): “Phá băng” quy định "chung chung" để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Quỳnh Phạm 20/05/2024 08:52

Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ VH-TT&DL chủ trì xây dựng, dự kiến được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sắp tới. Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa được kỳ vọng sẽ “phá băng” các quy định chung chung của Luật hiện hành để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Bộ VH-TT&DL khẳng định, kể từ khi có Luật Di sản văn hóa (Quốc hội khóa X thông qua ngày 29/6/2001; sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quốc hội khóa XII, ngày 18/6/2009), tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

hoang-thanh-thang-long.jpg
Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) - Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO ghi danh năm 2009. (Ảnh minh họa).

Song, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực.

Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần quy định rõ hơn

Bộ VH-TT&DL cho rằng, là Luật về lĩnh vực chuyên ngành nhưng nhiều điều khoản, quy định của luật hiện hành còn mang tính nguyên tắc chung chung hoặc chưa có các điều khoản giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể, chưa thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn.

Cụ thể là quy định chi tiết về những hành vi bị cấm; về trình tự, thủ tục hủy bỏ xếp hạng, ghi danh di sản, hủy bỏ công nhận bảo vật quốc gia; thủ tục điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích; quy trình tiếp nhận giao nộp, phân chia, quản lý hiện vật, di vật, cổ vật sau khi khai quật khảo cổ. Ngoài ra còn có quy trình thẩm quyền cấp Bằng chứng nhận Bảo vật quốc gia, chế độ đặc biệt đối với việc bảo vệ và bảo quản Bảo vật quốc gia; Quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương (Bộ, ngành, UBND các cấp).

Thêm nữa, vấn đề quản lý các di sản, mô hình quản lý di tích của các địa phương hiện nay rất đa dạng, chưa thống nhất nên khó quản lý, khó xác định trách nhiệm khi có sai phạm trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do di sản nước ta đa dạng về loại hình, chủ sở hữu, trong khi các tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích là đơn vị sự nghiệp công lập, không có chức năng quản lý nhà nước, nên bị hạn chế về nhiệm vụ thi hành pháp luật tại địa điểm bảo vệ di sản, chỉ có thể báo cáo và chuyển giao cho các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước để xử lý những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa, dẫn tới sự chậm trễ, ảnh hưởng tới hoạt động bảo vệ di sản.

Một số quy định của Luật có tính khả thi chưa cao, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi hoặc bãi bỏ

Cùng với hạn chế kể trên, Bộ VH-TT&DL đánh giá, các quy định trong Luật Di sản văn hóa hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn và cần sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, trong lĩnh vực di tích, quy định về thăm dò khai quật khảo cổ và thẩm quyền hướng dẫn, thủ tục thăm dò, khai quật khảo cổ; quy định về khu vực bảo vệ II của di tích; đối tượng kiểm kê di tích; quy định trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo vệ đối tượng kiểm kê di tích và bổ sung vào quy định bảo quản, tu bổ, phục hồi đối tượng này; Quy định bổ sung đối tượng các dự án khác không thuộc dự án bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, thực hiện trong và ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích; Quy định rõ thẩm quyền hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích.

Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, quy định rõ 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể; quy định cấm đối với hành vi vi phạm các tập tục và can thiệp vào di sản văn hóa của cộng đồng; quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động, quản lý, thực hành và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, xã hội trong bối cảnh bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển bền vững và hội nhập.

Bên cạnh đó còn là quy định rõ về phân cấp ban hành và thực hiện Chương trình hành động quốc gia, Kế hoạch hành động, các báo cáo, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào các danh sách; quy định về vai trò, sự tham gia của của cộng đồng chủ thể trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; quy định rõ hơn về chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân nắm giữ di sản, tránh tình trạng cụ thể hóa Luật, khi xây dựng chính sách chỉ tập trung cho một nhóm đối tượng nghệ nhân có danh hiệu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên việc triển khai trong thực tiễn không khả thi, khó áp dụng.

rong-da.jpg
Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Di tích thành Cổ Loa, TP. Hà Nội), thời Lê Trung Hưng, niên đại: Năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732) đã được Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 12).

Tại lĩnh vực quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và bảo tàng, quy định phân cấp trách nhiệm cho địa phương tiếp nhận và quản lý di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ; quy định hướng dẫn về “chế độ đặc biệt” đối với việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia; quy định rõ quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quy định mua, bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Ngoài ra, quy định về điều kiện đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, nghiên cứu, bảo quản (điều kiện bảo hiểm và thỏa thuận bằng văn bản từ phía tiếp nhận); quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập; quy định về thẩm quyền xác nhận điều kiện thành lập bảo tàng cấp tỉnh của Luật Di sản hiện hành tính khả thi chưa cao, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi hoặc bãi bỏ./.

Liên quan đến việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng vừa cho biết, Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) đã quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản, chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quỵ định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài.

Đồng thời, lần sửa đổi này cũng quy định các biện pháp quản lý hiệu quả như: Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp. Chính sách mới khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm và trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định hoạt động kinh doanh giám định di vật, cổ vật nhằm ngăn chặn kinh doanh, mua bán trái phép di vật, cổ vật và làm mất mát di sản văn hóa…

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): “Phá băng” quy định "chung chung" để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO