Truyện tranh: Khi văn hóa - lịch sử “kết duyên” cùng hội họa
Sáng 11/5, tọa đàm "Truyện tranh: Khi văn hóa – lịch sử “kết duyên” cùng hội họa" do NXB Kim Đồng phối hợp với Viện Pháp tổ chức đã diễn trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của dự án phát triển truyện tranh tại Việt Nam và Những ngày văn học châu Âu 2025. Sự kiện được tổ chức nhân dịp ra mắt hai cuốn truyện tranh "Ký ức kiều bào: Lính thợ – Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II" và "Ký ức kiều bào: Chân đăng – Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới". Hai tác phẩm như lát cắt lịch sử sinh động, tái hiện bằng hình họa và màu sắc số phận những người Việt tha hương giữa thế kỷ XX đầy biến động.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng nhấn mạnh, hiện nay bạn đọc, đặc biệt là độc giả trẻ rất quan tâm đến hình thức kể chuyện bằng hình ảnh. Những lát cắt lịch sử từng bị lãng quên khi được kể lại bằng truyện tranh không chỉ trở nên gần gũi, dễ tiếp cận hơn mà còn góp phần nhắc nhở chúng ta sống ý nghĩa hơn trong hiện tại.
Hai cuốn sách ra mắt dịp này đặc biệt có ý nghĩa trong năm 2025 - năm đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử lớn của đất nước. Sự xuất hiện của những câu chuyện về kiều bào - những người lính thợ, phu mỏ từng sống và làm việc ở Pháp và New Caledonia không chỉ làm phong phú thêm lịch sử dân tộc mà còn góp phần ghi lại hành trình hội nhập, vượt qua nghịch cảnh nơi đất khách quê người.
Tác giả hai tập truyện tranh, họa sĩ Clément Baloup là người mang hai dòng máu Pháp – Việt. Với lối vẽ mang màu sắc trầm lắng, trừu tượng và đầy gợi mở, anh đã tái hiện quá khứ không chỉ bằng sự chính xác của tư liệu mà còn bằng cảm xúc sâu lắng từ ký ức cá nhân và cộng đồng.

“Tôi không muốn kể chuyện lịch sử bằng con số hay sự kiện khô khan mà chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng để người đọc tự suy ngẫm”, Clément chia sẻ. Trước khi sáng tác truyện tranh lịch sử, Clément Baloup đã luôn đau đáu với câu hỏi “Mình là ai? Mình đến từ đâu?”. Chính điều đó đã thôi thúc anh tìm hiểu về cha mình - một Việt kiều Pháp và từ đó bắt đầu hành trình sáng tác về thân phận người nhập cư Việt Nam tại Pháp.
Với Clément, việc sử dụng hình họa là một thế mạnh để tái hiện không gian và tâm thế của con người. Anh không theo đuổi lối vẽ tả thực mà chọn phong cách gợi mở kết hợp thủ pháp trừu tượng nhằm khơi gợi suy tưởng nơi độc giả.
Qua "Ký ức kiều bào: Lính thợ – Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II", người đọc được đưa trở lại giai đoạn Thế chiến II, khi khoảng 20.000 lao động Việt Nam bị đưa sang Pháp làm việc trong các nhà máy, nông trại, công xưởng. Họ – những ONS (Ouvriers Non Spécialisés) sống âm thầm, đóng góp không nhỏ cho nền sản xuất Pháp và âm thầm ủng hộ cách mạng Việt Nam, nhưng lại gần như bị lãng quên trong sử sách.
Trong "Chân đăng – Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới", Clément dẫn dắt bạn đọc đến những hòn đảo xa xôi thuộc châu Đại Dương, nơi người Việt bị tuyển mộ làm phu mỏ qua các hợp đồng lao động . Họ ra đi với ước vọng đổi đời nhưng lại phải đối mặt với điều kiện làm việc tồi tệ và đương đầu với nhiều biến cố.

Hai cuốn truyện tranh tái hiện sinh động cuộc đời của những người Việt sống xa quê hương trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Đó là những mảnh ghép quá khứ phức tạp của một cộng đồng người Việt Nam dường như bị lãng quên trong lịch sử. Nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn bộc lộ những phẩm chất đáng quý: cần cù, dũng cảm, lạc quan, không khuất phục trước nghịch cảnh và luôn đau đáu hướng về cội nguồn dân tộc.
Qua hành trình tìm hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam, Clément nhận ra rằng những phẩm chất đáng quý ấy đều bắt nguồn từ cội rễ văn hóa người Việt. Chính nền văn hóa ấy đã nuôi dưỡng tình yêu thương, sự gắn bó và tinh thần đoàn kết nơi cộng đồng kiều bào - những giá trị tạo nên sức bền trong hành trình hội nhập và vượt lên nghịch cảnh của họ.
Theo Clément Baloup, những trang truyện tranh mang đến cơ hội để anh chia sẻ những cảm xúc của mình, vì vẽ là khao khát bày tỏ suy nghĩ cá nhân, là sự đối thoại với quan điểm của người khác, là thể hiện với thế giới góc nhìn của riêng mình. “Kí ức sẽ dần phai nhạt trong tâm trí mỗi người, bởi vậy, tôi muốn dùng truyện tranh để gắn kết những kí ức mong manh ấy với các mốc thời gian giá trị, nhằm hé lộ những lẽ tất yếu của số phận con người”, Clément Baloup chia sẻ.
Nhà nghiên cứu văn học Lê Nguyên Long – Giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội đánh giá cao truyện tranh như một hình thức mới để thể hiện ký ức di dân. Theo ông, thể loại graphic novel, đặc biệt trong dòng văn học di dân ngày càng được các tác giả trẻ lựa chọn để kể lại lịch sử dưới lăng kính đa chiều. Hình thức hình họa phát huy sức mạnh của màu sắc và hình ảnh giúp những câu chuyện khó nói, khó kể trở nên gần gũi hơn với nhiều đối tượng độc giả.
Ông Lê Nguyên Long nhấn mạnh truyện tranh không chỉ là phương tiện kể chuyện mà còn là hình thức biểu đạt giàu sức gợi, kết hợp giữa nghiên cứu và nghệ thuật. Theo ông, ký ức khi được chuyển tải bằng hình ảnh sẽ trở nên sống động, dễ chạm tới cảm xúc người đọc, đồng thời mở ra một lối tiếp cận mới để hiểu về lịch sử và thân phận con người. Trong dòng văn học di dân, truyện tranh đặc biệt có giá trị khi khắc họa quá khứ không chỉ qua lời kể mà còn qua hình họa trực quan, vượt ra khỏi khung tiếp cận quen thuộc về chiến tranh hay lưu vong.
.png)
Câu chuyện về những người lính thợ và chân đăng không chỉ là hồi ức cá nhân mà còn là minh chứng cho sự kiên cường, tinh thần bất khuất và bản lĩnh của người Việt trong hoàn cảnh tha hương. Họ có thể không lập chiến công, không xuất hiện trong các trang sử lớn, nhưng chính họ với cuộc đời bình dị đã tạo nên những nền tảng kết nối văn hóa, lịch sử và bản sắc dân tộc.
Tại tọa đàm, độc giả còn được thưởng lãm nhiều hình ảnh trích từ hai tác phẩm, được trình bày dưới dạng triển lãm trực quan, sinh động. Đây là dịp để công chúng không chỉ đọc mà còn “nhìn thấy” và “cảm nhận” không gian lịch sử đã được Clément khéo léo tái hiện. Bằng đường nét, ánh sáng và biểu cảm nhân vật, anh tạo nên một dòng chảy ký ức nhẹ nhàng nhưng day dứt, thấm đẫm nhân văn./.