Văn hóa – Di sản

Lễ hội xuân miền di sản

PGS. TS Trần Thị An 08:06 03/02/2025

Địa linh, tự bản thân nó đã là nơi chung đúc nên linh khí và kiến tạo các giá trị vật thể của vùng đất. Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, “nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây” (Chiếu dời đô), là một địa linh từ ngàn xưa. Ở nơi này, người người tụ họp, do cố kết với nhau, cộng mệnh cộng cảm mà thành ra những lễ hội của cộng đồng.

hoi-lang-anh-vu-duc-hai.jpg
Hội làng. Ảnh Vũ Đức Hải

Trong cả nước, Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội lớn nhất, tính số lượng đã ngót nghét 1.500 lễ hội. Ở những thời khắc thiêng, trong các không gian thiêng, thông qua thực hành di sản lễ hội, người Hà Nội biểu thị niềm tin, sự linh thiêng của vùng đất, sự tôn kính với tổ tiên và khát vọng hòa hợp cộng đồng.

Trong các di sản lễ hội đặc sắc của Hà Nội, nổi lên với những sắc màu trong không gian và đậm nét với những dấu ấn trong dòng thời gian là các lễ hội lịch sử, lễ hội tổ nghề hay hội làng, hội chùa.
Các lễ hội lịch sử như lễ hội đền Cổ Loa, lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội Đống Đa, hội Gióng… bừng bừng khí thế của sức xuân. Vẫn còn đây câu chuyện nỏ thần và bài học cảnh giác; vẫn còn kia khí thế ngất trời của hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh đuổi giặc ngoại xâm; vẫn còn đó hào khí sấm rền và chiến công thần tốc của vua Quang Trung, và còn mãi hình Thánh Gióng, từ một cậu bé đã vụt lớn thành người anh hùng cưỡi ngựa sắt đánh tan giặc Ân rồi bay lên trời... Những câu chuyện lịch sử, những lễ hội lịch sử là di sản vô giá, truyền những âm hưởng hào hùng của khí thế dựng nước và giữ nước, những bài học lịch sử thâm sâu và lắng đọng cho thế hệ mai sau.

Các lễ hội nghề nghiệp ở Hà Nội chẳng những mang nét của đất trăm nghề mà còn gắn liền với sự hình thành và phát triển của đô thị Thăng Long, cũng như mối quan hệ nông thôn - thành thị điển hình của các đô thị Việt Nam. Bên cạnh các ngôi đình chợ, các lễ hội tôn vinh tổ nghề vẫn được tổ chức hằng năm như lễ hội đình Kim Ngân (Hàng Bạc, thờ tổ nghề Kim Hoàn), đình Phả Trúc Lâm (Hàng Hành, thờ tổ nghề da), đình Tú Thị (phố Yên Thái, thờ tổ nghề thêu), đình Hàng Quạt (phố Hàng Quạt, thờ ông tổ nghề làm quạt), đình Đồng Lạc (Hàng Đào, thờ tổ nghề làm yếm), hay ngôi đền Ngũ Xá (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thờ ông tổ nghề đúc đồng)… Các làng ven đô với rất nhiều lễ hội phô diễn tài khéo của người dân chốn Kinh kỳ chăm chỉ, tinh tế và sáng tạo như lễ hội làng Bát Tràng (quận Gia Lâm, nghề làm gốm), lễ hội làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, nghề dệt), lễ hội làng Chuông (huyện Thanh Oai, nghề làm nón), lễ hội làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai, nghề làm giò chả), lễ hội làng Hạ Thái (huyện Thường Tín, nghề làm sơn mài)…

mua-trong-bong-trong-hoi-lang-trieu-khuc.jpg
Múa trống bồng trong hội làng Triều khúc

Lễ hội chùa trên đất Hà Nội là những không gian nhiệm màu có sức hấp dẫn thu hút người muôn nơi. Vào những ngày xuân, người người đến với suối Yến, núi Hương Sơn, chùa Giải Oan, động Hương Tích để gửi lời cầu bình an tới đức Quán Âm Bồ Tát ở chùa Hương (Mỹ Đức). Cũng vào những ngày xuân, khi những cây gạo nở đỏ rực không gian là mùa của lễ hội chùa Thầy (Quốc Oai) mà ai chưa đến hang Cắc Cớ một lần là như còn mắc nợ. Và những hang đá, động đá trong ngôi chùa Trầm (Chương Mỹ) nhìn ra sông Đáy là một nơi không chỉ mang vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa hơn 500 năm mà còn mang vẻ lãng mạn phiêu diêu thoát tục. Điểm cuối của vòng cung này là chùa Tây Phương (Thạch Thất), nơi có 18 vị La Hán mang sự trăn trở với nhân thế với “Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”.

Một nét đặc sắc của lễ hội xuân Hà Nội là các hội làng. Đó là những làng có các nhân vật văn hóa được thêu dệt qua thần thoại, truyền thuyết và cổ tích. Lễ hội Bà Tấm thờ người nguyên phi Ỷ Lan, tương truyền vốn là cô gái hái dâu sau trở thành một nhân vật quyền lực trong triều Lý, người để lại nhiều dấu ấn về chùa chiền và lễ hội vùng Kinh Bắc. Hay lễ hội về vị thần núi Tản Viên, tương truyền là con rể vua Hùng thứ 18, người có công trị thủy, “nước dâng cao bao nhiêu, núi dâng cao bấy nhiêu”, giúp người dân chống chọi với nạn thủy tai để yên ổn cuộc sống khi họ dời núi cao xuống định cư ven các dòng sông. Đó còn là hội làng Triều Khúc tưởng nhớ anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương đặc trưng với màn múa bồng vui nhộn và lơi lả, là hội làng Lệ Mật với các trò diễn “đả ngư”, “diệt giảo long” tri ân Đức Thánh có công khai phá vùng đất Thập Tam trại phía Tây kinh thành Thăng Long xưa… Đó còn là một loạt lễ hội ven hồ Tây như lễ hội đình Thuỵ Khuê (phường Thụy Khuê); đình An Thái, đình Võng Thị (phường Bưởi), đình Phú Xá (phường Phú Thượng); đình Nhật Tân (phường Nhật Tân); đình Yên Phụ (phường Yên Phụ); đình Quảng Bá, làng Nghi Tàm, phủ Tây Hồ (phường Quảng An)… Đó còn là lễ hội các làng Đăm, làng Giá, làng La mà trai gái đi hội xuân dường như quên cả lối về khiến ca dao có câu: “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy/ Vui thì vui vậy, chẳng tày Giã La”. Đó còn là các lễ hội gắn với các làn điệu dân ca như hội Dô (Quốc Oai) tưởng nhớ đức Tản Viên 36 năm mới mở một lần hay hội Chèo Tàu (Đan Phượng) tưởng nhớ tướng Văn Dĩ Thành xưa kia cũng 3 thập kỷ mới một lần mở hội.

Trong các lễ hội chốn kinh đô, một lễ hội gắn với sự hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long xưa là lễ hội Thăng Long tứ trấn gồm đền Bạch Mã (trấn Đông), đền Quán Thánh (trấn Bắc), đền Voi Phục (trấn Tây), đền Kim Liên (trấn Nam). Sự định hình không gian 4 hướng với các mốc thời gian khác nhau, với các câu chuyện về dựng đô, giúp dân định cư, dạy dân phong tục, giúp nước giữ yên hòa bình là những câu chuyện đặc biệt quy hoạch không gian thực tế, không gian tâm linh, không gian chính trị cho vùng đất “xứng đáng nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (Chiếu dời đô).
Những lễ hội với cờ hoa rực rỡ, trống chiêng rộn ràng càng điểm tô cho sắc xuân Hà Nội. Nhiều trong số đó đã được ghi danh di sản cấp Quốc gia và cấp Quốc gia đặc biệt thể hiện sự tôn vinh, tri ân truyền thống của thế hệ hôm nay.

image-1-.jpg
Đánh đu - trò chơi dân gian phổ biến trong các lễ hội xưa.

Vậy “di sản và di sản lễ hội là gì? Đó là hình ảnh của vùng đất, con người, sự kỳ vĩ của thiên nhiên, sự dài lâu của lịch sử và văn hiến, sự tài khéo của con người, sự đa dạng và khác biệt trong sáng tạo của các cộng đồng. Chính vì thế, di sản lễ hội không chỉ riêng của Hà Nội mà là di sản của cả nước, và không chỉ riêng của Việt Nam mà là của thế giới.

Là tiếng nói của cá nhân với cộng đồng, của thiểu số với đa số, của ngoại vi và trung tâm, của cộng đồng với các định chế di sản, di sản lễ hội Hà Nội là một loại tiếng nói đôi khi là vô ngôn nhưng đa thanh bởi được kiến tạo qua nhiều lớp thời gian, mang những ý nghĩa sâu lắng của tâm thức cộng đồng. Di sản lễ hội Hà Nội cũng là câu chuyện của quá khứ - hiện tại và tương lai, là các thông điệp của tiền nhân gửi tặng cho hậu thế. Thông điệp này tiềm ẩn, chan chứa trong thanh âm và sắc màu của lễ hội, thể hiện tâm tư, khát vọng về tính nhân văn được bồi đắp sâu dày. Mùa xuân đang về với nhân gian. Sắc xuân đang tưng bừng trên những mái ngói thâm nâu hòa cùng sắc hoa tươi thắm của đất trời Hà Nội. Lễ hội xuân Hà Nội, những di sản tiềm tàng ở chốn địa linh, được kiến tạo bởi bao lớp nhân kiệt đang được tiếp thêm sức mạnh bởi một kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Hào hùng chương trình nghệ thuật đặc sắc bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại ngày khai hội Gò Đống Đa
    Tối ngày 2/2/2025 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, quận Đống Đa long trọng tổ chức “Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa” (Lễ hội Gò Đống Đa), để tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ quân Tây Sơn đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, chống giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập dân tộc.
  • Tết Việt dưới góc nhìn di sản
    Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết Cả. Đã có nhiều huyền thoại, truyền thuyết, truyện cổ dân gian xưa phản ánh nguồn gốc của Tết Cả mang tính thuần Việt như “Truyện Lang Liêu” (hay còn gọi là “Sự tích bánh chưng, bánh dày”), “Sự tích Táo Quân”, “Sự tích cây nêu”,… Và trong lịch sử hàng nghìn năm qua, Tết Cả không ngừng duy trì và củng cố mối liên kết tình cảm giữa các cá nhân, gia đình và đất nước, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự tiếp nối của nền văn minh nông nghiệp.
  • Rắn trong nghệ thuật tạo hình
    Chuyện cổ tích Việt Nam kể rằng Thạch Sanh giết được mãng xà trong miếu thờ trừ họa cho dân làng, lại bị Lý Thông hãm hại và tranh công. Câu chuyện đã được hình tượng hóa bằng nghệ thuật tranh khắc gỗ và in trên giấy bản để nhiều người có dịp treo trong dịp Tết. Hình tượng rắn dữ dằn, rõ là một con rắn hổ mang bành, thân uốn khúc miệng phun lửa, đại diện cho Thần Ác. Cách chọn gam màu nóng đã thể hiện cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác gay go, đẫm máu.
  • Đền Hai Bà Trưng: Di tích quốc gia đặc biệt, điểm du lịch văn hóa tâm linh
    Đền Hai Bà Trưng là di tích lịch sử lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam, thờ hai nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị - hai vị anh hùng đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 - 43 (sau Công nguyên) giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc. Ngày nay, nơi đây còn là điểm đến tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch khắp nơi đến tham quan, chiêm bái.
  • Rắn trong kho tàng văn chương truyền miệng của người Việt
    Theo chu kỳ Thiên can Địa chi của văn hóa phương Đông, năm 2025 là năm Ất Tỵ - năm con rắn. Người xưa xếp rắn đứng thứ ba trong bốn con vật: chim, cá, rắn, voi (“nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng”). Trong con mắt của người xưa, rắn ẩn chứa nhiều huyền bí, ma thuật, bởi thế rắn được coi là linh vật để thờ cúng ở một số nơi. Hình ảnh, đặc điểm con rắn từ xa xưa đã đi vào tâm thức của người Việt qua lời ăn tiếng nói, ca dao tục ngữ, truyền thuyết và những câu chuyện cổ... Nhân dịp đón xuân Ất Tỵ, xin kể đôi lời về loài rắn trong kho tàng văn chương truyền miệng đầy chất liên tưởng và hóm hỉnh của người Việt.
  • Lễ hội Cổ Loa - Hà Nội: Nhân lên truyền thống yêu nước của dân tộc ngày xuân
    Trong rất nhiều lễ hội đầu xuân của Hà Nội thì Lễ hội Cổ Loa (còn gọi là lễ hội “Bát xã hộ nhi”) tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh vẫn giữ được các nghi thức văn hóa truyền thống. Lễ hội này diễn ra trong ngày mùng 5 và 6 tháng Giêng, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” năm 2021.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người
    “Lương tri” và “phẩm giá” con người, cùng sự kết tinh và thăng hoa của nó, - hai tiêu chí thiêng liêng và cao quý này, không dễ gì mà bạn bè quốc tế đã từng trân trọng dành cho chúng ta, coi đó là biểu tượng khí phách của Thủ đô Hà Nội và toàn dân tộc.
  • Tết Việt dưới góc nhìn di sản
    Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết Cả. Đã có nhiều huyền thoại, truyền thuyết, truyện cổ dân gian xưa phản ánh nguồn gốc của Tết Cả mang tính thuần Việt như “Truyện Lang Liêu” (hay còn gọi là “Sự tích bánh chưng, bánh dày”), “Sự tích Táo Quân”, “Sự tích cây nêu”,… Và trong lịch sử hàng nghìn năm qua, Tết Cả không ngừng duy trì và củng cố mối liên kết tình cảm giữa các cá nhân, gia đình và đất nước, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự tiếp nối của nền văn minh nông nghiệp.
  • Rắn trong nghệ thuật tạo hình
    Chuyện cổ tích Việt Nam kể rằng Thạch Sanh giết được mãng xà trong miếu thờ trừ họa cho dân làng, lại bị Lý Thông hãm hại và tranh công. Câu chuyện đã được hình tượng hóa bằng nghệ thuật tranh khắc gỗ và in trên giấy bản để nhiều người có dịp treo trong dịp Tết. Hình tượng rắn dữ dằn, rõ là một con rắn hổ mang bành, thân uốn khúc miệng phun lửa, đại diện cho Thần Ác. Cách chọn gam màu nóng đã thể hiện cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác gay go, đẫm máu.
  • Hào hùng chương trình nghệ thuật đặc sắc bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại ngày khai hội Gò Đống Đa
    Tối ngày 2/2/2025 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, quận Đống Đa long trọng tổ chức “Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa” (Lễ hội Gò Đống Đa), để tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ quân Tây Sơn đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, chống giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập dân tộc.
  • Tây Hồ chăm lo người cao tuổi dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
    Trong không khí ấm áp của mùa xuân Thủ đô, Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm để thực hiện các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chúc thọ và tổ chức các chương trình vui Xuân dành cho người cao tuổi.
Đừng bỏ lỡ
  • Mùa xuân và tục khai bút của người Việt
    Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có rất nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong mỹ tục. Trong đó, tục khai bút được xem như là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần trọng học, trọng cái đẹp của người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về. Tương truyền, tục khai bút xuất hiện ở Việt Nam gắn với việc tưởng niệm nhà giáo Chu Văn An - một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học và dược lưu danh là “Ông tổ của đạo Nho ở Việt Nam”.
  • Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Đón hơn 65.000 lượt khách trong 3 ngày đầu năm mới
    Thông tin từ Trung tâm Hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tính riêng trong 3 ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đón trên 65.000 lượt du khách. Dự kiến, trong cả 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm tại di tích sẽ còn tăng cao.
  • Dâng hương kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi
    Sáng 1/2 (mùng 4 Tết Ất Tỵ), tại Khu di tích chiến thắng Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu đã dâng hương tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn nhân kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789).
  • Đền Sóc nhộn nhịp trước ngày khai hội
    Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) năm 2025 sẽ khai hội vào ngày 3/2 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đây được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Nội cũng như khu vực phía Bắc. Những ngày đầu năm mới, trước thời điểm khai hội đã có rất đông người dân và du khách đến với Khu di tích đền Sóc để du xuân, vãn cảnh và cầu bình an.
  • Trang trọng Lễ rước kiệu đền Hai Bà Trưng
    Sáng 1/2 (tức mùng 4 tháng Giêng năm Ất Tỵ), nghi thức rước kiệu Hai Bà Trưng năm 2025 mở đầu cho lễ kỷ niệm 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã trang trọng diễn ra tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
  • Ban mai
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Ban mai của tác giả Nguyễn Bình Phương.
  • 9 lễ hội đặc sắc của Hà Nội
    Là một địa danh ngàn năm văn hiến, những lễ hội truyền thống ở Hà Nội cũng được lưu giữ và truyền lại từ đời này qua đời khác. Như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người dân Thủ đô, chứa đựng những giá trị văn hóa tiêu biểu tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • Ra mắt phần 2 phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước"
    Với độ dài 2 tập (20 phút/tập), bộ phim tái hiện 1 giai đoạn lịch sử khi Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô với giấy thông hành mang tên người thợ ảnh “Chen Vang”.
  • Đền Hai Bà Trưng: Di tích quốc gia đặc biệt, điểm du lịch văn hóa tâm linh
    Đền Hai Bà Trưng là di tích lịch sử lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam, thờ hai nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị - hai vị anh hùng đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 - 43 (sau Công nguyên) giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc. Ngày nay, nơi đây còn là điểm đến tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch khắp nơi đến tham quan, chiêm bái.
  • Tết truyền thống cùng sắc thái văn hóa Mường tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
    Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức chuỗi hoạt động đặc sắc “Vui xuân Ất Tỵ: Sắc thái văn hóa Mường, Hòa Bình” vào hai ngày mùng 4-5 Tết (tức ngày 1 và ngày 2/2 dương lịch).
Lễ hội xuân miền di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO