Bộ kim phẩm đền Nghè được công nhận là bảo vật quốc gia
Bộ kim phẩm đền Nghè ở Hải Phòng gồm nhiều hiện vật là trang sức như bông tai, lá trầu quả cau, vòng tay, chuỗi 999 hạt... có từ đầu thế kỷ XX được công nhận bảo vật quốc gia.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1712, về việc công nhận 33 bảo vật quốc gia, đợt 13 năm 2024. Trong số 33 cổ vật mới được công nhận, có bộ kim phẩm đền Nghè, đầu thế kỷ XX, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng.
Bộ kim phẩm gồm 16 hiện vật gồm: 1 đôi vòng; 1 lá vàng; 1 thẻ lá trầu, 3 quả cau; 1 chuỗi hạt; 1 quạt; 2 sáp môi; 3 cái cúc; 1 đôi hoàn to; 2 đôi hoàn nhỏ… Tất cả đều được chế tạo từ vàng, được chọn lọc có tỷ lệ thành phần vàng từ 92 đến 98%. Trong số 16 hiện vật, có nhiều hiện vật còn nguyên vẹn, một số hiện vật đã bị hỏng nhẹ.
Theo thông tin từ Bảo tàng Hải Phòng, căn cứ ký tự trên các hiện vật, các nhà nghiên cứu nhận định nhóm cổ vật này có từ thời nhà Nguyễn, được một người tên Phan Trần Trúc cung tiến đền Nghè, nơi thờ tự nữ tướng Lê Chân.
Căn cứ vào các tài liệu lưu trữ, nghiên cứu về lịch sử hình thành, tồn tại của đền Nghè và đặc trưng về phong cách nghệ thuật, trang trí mỹ thuật trên hiện vật, Bảo tàng Hải Phòng xác định Bộ kim phẩm Đền Nghè được chế tác vào thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX, với các đặc trưng: Hoa văn rồng uốn khúc thân dài, hoa văn tứ quý được chạm khắc tinh xảo trên thân hiện vật hộp sáp môi vàng, cũng là hình tượng phổ biến trong mỹ thuật thời Nguyễn…
Bộ kim phẩm đền Nghè là hiện vật gốc, độc bản, có giá trị đặc sắc, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam.
Bộ kim phẩm đền Nghè còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa tinh thần, có giá trị lịch sử - văn hóa, là đại diện tiêu biểu cho phong cách tạo tác đồ trang sức tượng thờ thời Nguyễn, thể hiện sự phát triển đỉnh cao của kỹ thuật chế tác kim hoàn xưa.
Trong tâm thức người dân Hải Phòng, nữ tướng Lê Chân đã được tôn vinh là bậc Thánh mẫu. Đền Nghè là di tích tín ngưỡng linh thiêng của TP Hải Phòng. Bởi vậy, bộ kim phẩm đền Nghè là đại diện cho tín ngưỡng dân gian - tín ngưỡng thờ Thánh mẫu Lê Chân tại Hải Phòng và nghệ thuật chế tác kim hoàn đỉnh cao đầu thế kỷ XX.
Phó Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, các đơn vị liên quan, tổ chức được giao quản lý bảo vật trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn thực hiện việc quản lý với bảo vật theo quy định về di sản văn hóa./.