Làng nghề Hà Nội qua góc nhìn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thủ đô
52 tác phẩm về đề tài “Làng nghề Hà Nội” vừa được giới thiệu trong Triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 53 diễn ra vào dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã mang đến cho công chúng những góc nhìn đa chiều về làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội. Không chỉ góp phần tái hiện không gian các làng nghề Hà Nội, những bức ảnh này còn cho thấy sự phong phú, đa dạng và đầy dấu ấn của nghề thủ công truyền thống – một yếu tố nền tảng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa.
Bức tranh đa sắc về làng nghề Thủ đô
Trong số 1702 tác phẩm của 227 tác giả dự thi ở hai đề tài “Làng nghề Hà Nội” và “Vẻ đẹp mọi miền Tổ quốc” thì có tới 778 tác phẩm tham gia cuộc thi ở đề tài "Làng nghề Hà Nội", điều đó cho thấy sức hấp dẫn không nhỏ của làng nghề Thủ đô với các nhiếp ảnh gia.
Tác giả Lê Hoàn Diệu chủ nhân của tác phẩm “Vườn xuân – làng nghề trồng đào truyền thống Nhật Tân” (giải Nhì đề tài Làng nghề Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị hiện sống trên địa bàn quận Tây Hồ, nơi đây nổi tiếng với nghề trồng đào (Nhật Tân), ngoài ra còn có nghề trồng quất ở Tứ Liên, xôi ở Phú Thượng cũng đặc sắc không kém. Cũng bởi thế góc máy của chị đã chớp lại không biết bao nhiêu khoảnh khắc về nghề truyền thống ở địa phương mình.
Khoảnh khắc trong tác phẩm "Vườn xuân – làng nghề trồng đào truyền thống Nhật Tân" chị Diệu tình cờ nhận ra trong lần trở lại vườn đào cuối năm 2021, khi ấy chị đã vội vàng bấm máy. Tác phẩm ghi lại hình ảnh vườn đào thắm sắc, phía xa xa là bóng dáng của cây cầu Nhật Tân mới được xây dựng như một sự giao thoa của truyền thống và hiện đại.
Không chỉ riêng tác giả Lê Hoàn Diệu, rất nhiều các nghệ sĩ nhiếp ảnh Thủ đô đã lưu giữ những hình ảnh của làng nghề Thủ đô bằng những tác phẩm chân thật và sống động. Đó là những khoảnh khắc về những người nghệ nhân đang say sưa với công việc của mình; hay nhịp sống của những phố nghề trong khu phố cổ và những làng nghề ngoại ô thành phố.
Với sự lăn lộn, tìm tòi, sáng tạo cùng những những xúc cảm của người nghệ sĩ, các nhiếp ảnh gia đã mang tới cho công chúng một bức tranh đa sắc về làng nghề của mảnh đất Hà thành. Bức tranh ấy có sự phong phú đa dạng của các làng nghề Thủ đô, nào nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên), nghề làm tương ở Đường Lâm (Sơn Tây)…; rồi cả những phố nghề nổi tiếng một thời trong khu phố cổ như tranh dân gian Hàng Trống, nghề kim hoàn trên phố Hàng Bạc…
Trong bức tranh đa sắc của làng nghề Thủ đô, không thể không nhắc tới những nghệ nhân – những “báu vật sống” của làng nghề. Nhiều tác giả đã giả lặn lội tìm đến với các nghệ nhân để lưu giữ những “báu vật sống” ấy trong ống kính của mình như thể sợ rằng mai này họ không còn thì nghề truyền thống cũng mờ phai. Có thể kể tới tác giả Đỗ Thị Thược với tác phẩm “Nét thăng hoa cho tác phẩm sơn mài” (nghệ nhân Vũ Huy Mến); tác giả Phan Huy Thiệp với tác phẩm “Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền và tình yêu với đèn kéo quân”; tác giả Phạm Thị Lan Anh với tác phẩm “Thẩm đàn ở làng nghề làng nghề làm đàn dân tộc Đào Xá” (nghệ nhân Đào Anh Tuấn) và tác phẩm “Linh hồn của làng nghề mây tre đan Phú Vinh” (nghệ nhân Nguyễn Văn Trung); tác giả Trần Thị Kiều Vân với tác phẩm “Nghệ nhân nhân dân thêu Nguyễn Quốc Sự”...
Tác giả Vũ Bảo Ngọc – người đã giành giải Nhất với tác phẩm “Người lưu giữ hồn tranh dân gian Hàng Trống” cho hay, sở dĩ anh chọn nghệ nhân Lê Đình Nghiên để ghi lại trong tác phẩm của mình bởi anh muốn lưu lại hình ảnh của nghệ nhân là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống – một dòng tranh dân gian tồn tại từ xa xưa nhưng bây giờ không còn nhiều người biết tới.
Bên cạnh đó, những khoảnh khắc bình yên của làng nghề cùng nét đẹp trong lao động của những người thợ thủ công cũng đã là những điểm nhấn đáng chú ý trong bức tranh đa sắc của làng nghề màng đã được các nghệ sĩ nhiếp ảnh Thủ đô ghi lại.
Góp phần phát huy giá trị di sản làng nghề
Làng nghề Hà Nội ra đời và phát triển gắn bó chặt chẽ với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Sự phong phú đa dạng của làng nghề cùng những tinh hoa của các nghệ nhân của làng nghề, phố nghề đã làm nên những nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô. Trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay, đặc biệt là khi thành phố tập trung phát triển công nghiệp văn hóa thì nghề thủ công mỹ nghệ vẫn giữ một vị trí rất quan trọng.
Xưa cũng đã có nhiều những bức ảnh chụp phố nghề trong khu 36 phố phường, vùng nội đô của Thành phố. Từ năm 2008 khi địa giới hành chính của Thủ đô được mở rộng thì kho báu di sản làng nghề truyền thống của Hà Nội càng trở nên phong phú hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các nhà nhiếp ảnh khai thác sâu hơn vẻ đẹp của các làng nghề.
Thực tế cho thấy, đề tài về làng nghề cũng đã được nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh Thủ đô theo đuổi. Điều này đã được minh chứng rất rõ trong các triển lãm riêng, chung được tổ chức nhiều năm qua. Cách đây 5 năm, triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi 2018” tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã giới thiệu với công chúng 80 tác phẩm đề tài “Làng nghề, phố nghề” của các hội viên CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội. Tại các triển lãm thường niên do Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức, đề tài này cũng đã xuất hiện rải rác. Tuy nhiên, ở triển lãm ảnh nghệ thuật lần thứ 53 thì đây là lần đầu tiên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội dành riêng chuyên đề về “Làng nghề Hà Nội” để các nghệ sĩ nhiếp ảnh giới thiệu những tác phẩm chụp làng nghề Thủ đô của mình.
NSNA Nguyễn Văn Toản – Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội khẳng định: “Các tác phẩm về đề tài “Làng nghề Hà Nội” tham gia triển lãm thể hiện bản sắc văn hóa của Thủ đô, đồng thời góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của các nghề thủ công ở Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế, quảng bá du lịch”.
Là người từng rong ruổi chụp ảnh ở không ít các làng nghề của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, NSNA Vũ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội cho rằng, làng nghề Thủ đô hiện nay cũng đã mai một đi rất nhiều, nhiều làng nghề chỉ còn lại tên làng, trong ký ức của những người cao tuổi, và đặc biệt những nghệ nhân lưu giữ nghề xưa cũ cũng không còn nhiều nữa. “Việc mở ra một triển lãm riêng biệt về làng nghề Hà Nội, không chỉ tạo điều kiện sân chơi cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh mà còn giúp Hà Nội lưu giữ được những hình ảnh đẹp, quý của làng nghề Hà Nội - là hồn cốt của Hà Nội. Triển lãm vừa là sự động viên, vinh danh với những người đang giữ nghề truyền thống, đồng thời cũng góp phần quảng bá văn hóa truyền thống, vẻ đẹp làng nghề Thủ đô”, NSNA Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh./.