Kìa xuân gõ cửa đến muôn nhà
rạo rực trong lòng cũng nở hoa
Cặp bánh chưng xanh thờ tổ phụ
Đôi câu đối đỏ, nối ông cha
Tết đang đến rất gần với mọi người, mọi nhà, phố xá như được tô điểm rực rỡ hơn bởi sắc xuân của hoa đào, hoa mai. Người người tấp nập sắm xanh cho ngày Tết, nào mâm ngũ quả, nào bánh, kẹo, mứt, nhưng trong mỗi ngôi nhà trên khắp mọi miền tổ quốc, Tết đến không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh. Bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt, là ẩm thực truyền thống của người dân đất Việt. Chẳng thế, mà ở Việt Nam đã có biết bao ngôi làng, chuyên làm bánh chưng, trong số đó những chiếc bánh chưng được làm từ đôi bàn tay khéo léo của những người dân thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì mang một hương vị thơm ngon riêng biệt.
Tết đã đến gần, tôi mời gọi bánh chưng ơi! để gọi lại những xuân xa thuở trước, nơi cuối năm khắp chiều dài đất nước, ngõ phố nào cũng thấy lá dong xanh, vòi nước nào cũng gạo, đỗ vây quanh, tay thoăn thoắt tiếng râm ran trò chuyện, mặt tươi vui, những nụ cười thân thiện, xóa sạch đi của năm cũ, những ưu phiền!
Bánh chưng là biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Từ xa xưa đến nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại chuẩn bị những nồi bánh chưng rất to để đón tết, bởi trong tâm thức của mỗi người thì bánh chưng là món ăn mang ý nghĩa sum vầy ý nghĩa đoàn viên bình dị nhưng ấm áp. Hình ảnh nhộn nhịp trong bài thơ bánh chưng ơi của tác giả Thụy Anh như phản chiếu chân thực không khí hối hả gói bánh chưng của những người thợ làm bánh làng Tranh Khúc.
Về làng Tranh Khúc những ngày cuối năm này, như thấy Tết đã đến thật rồi, mùi thơm của gạo của đỗ thoang thoảng đâu đây, mùi xanh của lá dong trải dài, khắp đầu làng cuối ngõ, râm ran tiếng cười nói của những người thợ đang gói bánh chưng. Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc có chính xác từ bao giờ, không ai nhớ rõ. Cũng đến cả trăm năm tuổi rồi, làng nghề duy trì đến hôm nay, bởi được truyền từ đời này qua đời khác, bởi ý thức giữ gìn và phát triển làng nghề của người làng thôn Tranh Khúc.
Làng Tranh Khúc có đến hơn một trăm nhà làm nghề gói bánh chưng. Ông Nguyễn Văn Bảy năm nay đã sáu mươi tuổi, nhưng đôi bàn tay vẫn mềm dẻo, thoăn thoắt, đưa tay gói bánh, ông là thương binh hạng ba trên bốn, mang trong bình những vết thương từ chiến trường khói lửa ác liệt miền nam, trở về quê hương khi chiến tranh kết thúc. Ông không muốn nghỉ ngơi, người chiến sĩ năm ấy muốn tiếp tục lao động để tự lo cho bản thân, cho gia đình và không là gánh nặng của xã hội,
Ông nghĩ đến nghề truyền thống của làng mình và quyết tâm theo đuổi. Đã có tuổi, nhưng những ngày lễ Tết, ông vẫn say sưa gói từng chiếc bánh chưng bằng đôi bàn tay chai sạn vì cầm súng. Ông chia sẻ, sẽ làm đến khi không còn sức và sẽ tiếp tục truyền nghề lại cho con cháu, tiếp tục giúp thế hệ sau, gìn giữ lấy tinh hoa ẩm thực của dân tộc.
Cũng như ông Bảy, ông Nguyễn Duy Điệp là người gói bánh chưng ngon có tiếng trong nàng. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề. Ngày còn nhỏ như bao bạn trẻ khác trong làng, ngoài giờ học. Ông được cha ông dạy cho cách chọn lá dong, chọn gạo, chọn đỗ, chọn thịt, sao cho thơm ngon, gói bánh sao cho khéo.
Ông Nguyễn Duy Điệp luôn quán xuyến và trực tiếp làm mọi khâu, từ việc tỉ mỉ chọn gạo, ngâm đỗ, kiểm tra đỗ, thịt, đến miệt mài gói từng chiếc bánh chưng, bánh của gia đình ông luôn thơm ngậy vị đỗ
béo của thịt, mười cái như nhau cả mười, bởi nhân thịt và đỗ, được người thợ đong đo cẩn thận. Những ngày cận Tết như thế này, ông và gia đình phải làm từ sáng sớm tới tối muộn để kịp trả những đơn hàng từ khắp nơi.
Bên ngoài xanh lá dong xanh, bên trong nếp đỗ mỡ hành hạt tiêu, gói nghĩa tình, gói yêu thương, dẻo thơm từ thuở lang Liêu tới giờ.
Bánh chưng làng Tranh Khúc dẻo thơm, đậm đà, bất kì ai từng thưởng thức đều nhớ mãi hương vị ngon ngọt những chiếc bánh được gói bằng đôi bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây.
Quy trình gói bánh ở đây không khác cách gói bánh truyền thống là mấy, có khác chỉ khác bởi người thợ lựa chọn tỉ mỉ, kỹ càng những nguyên liệu đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu để những chiếc bánh đến tay người tiêu dùng, đảm bảo ngon và an toàn. Lá dong chọn là lá bánh tẻ, lá không non cũng không già quá. Lá dong cần có màu xanh đậm, có gân chắc, không bị héo và rách nát. Người thợ phải rửa thật kỹ, lau khô rồi xếp lá vuông vức với nhau, gấp nếp vừa đủ để người gói thuận tiện lấy lá. Đồng thời, nguyên liệu chủ yếu là gạo nếp, lá dong, thịt, đậu xanh, mỗi nguyên liệu đều được chọn lọc thật kỹ để có thể tạo nên món ăn ngon và đậm đà nhất. Đó phải là gạo nếp ngon được đặt từ Nam Định, Điện Biên chuyển về, có khi là gạo nếp cái hoa vàng quý hiếm, đậu xanh cũng vậy, có màu vàng đẹp, nấu lên nhừ và thơm lừng vị đỗ. Người thợ, chọn thịt ba chỉ, hoặc thịt nạc, trộn với tiêu xay và chút muối tinh để thịt thêm đậm đà.
Gói bánh chưng cần sự tẩn mẩn, tỉ mỉ, khéo léo để tạo nên những chiếc bánh vuông vắn, vừa ngon, vừa đẹp mắt. Trong cách gói, nơi khác gói bằng khuôn, thì đặc biệt người làng Tranh Khúc gói hoàn toàn bằng tay, cứ một lớp gạo là một lớp đậu thịt tùy theo sở thích mà cho nhiều hay ít. Những đôi bàn tay khi khéo léo, lúc khỏe mạnh để gấp để nhấn, lựa sao cho gạo dàn đều, chiếc bánh vuông vức, đẹp mắt, để bánh chưng ngon ngoài gạo nếp dẻo nhân bánh ngon khâu luộc bánh cũng rất quan trọng, ngày xưa các nhà nấu bánh bằng củi khô, ngày nay ở làng Tranh Khúc người ta nấu bằng nồi điện hoặc nồi hơi, nhưng thời gian nấu vẫn phải đảm bảo tầm mười tiếng vì thời gian chưng lâu nên các hạt gạo mềm nhừ quyện lấy nhau đem lại hương vị thơm ngon độc đáo.
Những chiếc bánh chưng từ bàn tay khéo léo của người thợ làng Tranh Khúc đã theo chân người con Việt Nam đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bánh chưng của làng cũng có những loại hút chân không để xuất khẩu đi nước ngoài để đem ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, các trường học, siêu thị cũng tin tưởng bánh chưng Tranh Khúc mà đặt hàng và mời những người thợ về truyền dạy cách làm bánh cho học sinh. Mỗi chiếc bánh ở làng Tranh Khúc đều thơm ngon, bởi nêm nếm trong đó là cả gia vị tình yêu với nghề truyền thống mà cha ông đã để lại cho người con của mảnh đất này. Cứ ông truyền cho cha, cha truyền cho con, không khó để bắt gặp hình ảnh những cụ già tuổi đã thất thập, làn da nhăn nheo, mái đầu bạc trắng nhưng vẫn cần mẫn giúp đỡ con cháu làm bánh. Khắp làng, các bạn thanh niên thoăn thoắt gói, buộc bánh chưng, những em bé đang còn tuổi ăn tuổi lớn cũng quanh quẩn bên bố mẹ, ông bà để xem, câu chuyện bên chiếc bánh chưng thấm vào tuổi thơ và lớn lên cùng các em. Nhìn những hình ảnh đó, chúng tôi tin rằng dù xã hội có phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại, nghề của làng có lúc thăng trầm. Nhưng bánh chưng truyền thống sẽ được người làng Tranh Khúc mãi giữ gìn. Chính quyền thành phố và xã thôn cũng có những kế hoạch để phát triển làng nghề hơn nữa.
Mỗi dịp Tết đến xuân về! những làn khói trắng từ những nồi bánh chưng của làng Tranh Khúc dần dần cùng xuất hiện. Tỏa lên cao quyện nhập với nhau. Trước khi tan loãng vào bầu trời trong xanh dịu mát. Những chiếc bánh chưng của làng Tranh Khúc với vị ngon truyền thống sẽ đem lại cảm giác ấm áp, sự chúc phúc tròn đầy cho mâm cơm ngày Tết.