Lan tỏa lòng nhân ái đến cộng đồng

Ngô Khiêm| 03/06/2019 14:54

“Việc làm của đồng chí tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất lớn, tiêu biểu cho hình ảnh, phẩm chất và tinh thần phục vụ nhân dân của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân”, đó là lời động viên trích từ thư khen của Bộ trưởng Bộ Công an tới đại úy Trần Anh Tuấn (cán bộ trường Đại học Phòng cháy chữa cháy) về những việc tốt mà anh đang làm để giúp đỡ những phận đời kém may mắn.

Lan tỏa lòng nhân ái đến cộng đồng
Trần Anh Tuấn (khi còn là Thượng úy) cùng các em nhỏ vùng cao
 Làm công an để giúp dân

Đại úy Trần Anh Tuấn sinh năm 1981, trong một gia đình nghèo ở ngoại thành Hà Nội. Từ bé anh đã phải chứng kiến bao mảnh đời khó khăn và cả những cảnh chướng tai gai mắt nơi bến xe, ga tàu. Do vậy, anh đã luôn ước ao được đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân để có điều kiện được giúp đỡ mọi người.

Thế nhưng, năng khiếu âm nhạc bộc phát mạnh đã đưa đẩy anh đến với nó say đắm hơn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương anh làm đơn xin vào ngành và được phân công vào vị trí trợ lý chính trị phụ trách văn hóa văn nghệ tại trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. 

Cách đây 3 năm, anh đã lên ý tưởng lập lớp học guitar miễn phí cho các em nhỏ khiếm thị ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Lớp học duy trì vào chiều thứ 6 hàng tuần. Nhờ có bàn tay dạy dỗ tận tình của anh mà đã có khoảng 20 em trưởng thành từ lớp học này. Gần đây, khi các em đã đàn và hát tốt, anh liền đưa các em học sinh của mình đến biểu diễn ở bệnh viện K (cơ sở 3 Tân Triều), Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - nơi có nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư.

Buổi biểu diễn rất giản dị chỉ có tiếng đàn guitar du dương hòa cùng giọng hát truyền cảm và tình người ấm áp nơi khoảng trống ngoài hành lang bệnh viện. “Trong viện buồn lắm, tiếng đàn hát của Anh Tuấn đã tiếp thêm niềm tin, động lực cho chúng tôi trong cuộc chiến với căn bệnh hiểm nghèo”, một bệnh nhân đang điều trị ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nói. 

Cùng với đó anh còn giúp vợ chồng anh chị khuyết tật Nhất, Thu cũng như các hội viên của Hợp tác xã Ánh sáng (Hội người mù quận Hà Đông) bán chổi. Do anh Nhất gặp khó khăn trong việc đi lại nên anh đã kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng mua chổi ủng hộ một thời gian tại địa điểm cố định cho trước.

Những hôm anh Nhất ốm đau mà gia đình cần đóng tiền thuê nhà, học phí cho con, anh sẵn sàng trở thành người giao chổi miễn phí. Trước kia mỗi ngày anh Nhất chỉ bán được 3 - 4 chiếc nhưng giờ đây anh đã bán được 10 - 15 chiếc. Và, không những thế trong đợt nghỉ phép vừa qua, anh đã giúp Hợp tác xã tiêu thụ được khoảng 500 chiếc. Trong suốt một năm, anh đã giúp họ bán ra khoảng 2 ngàn chiếc chổi và nâng thu nhập bình quân của hội viên lên 30%.

“Lũy thừa” lòng tốt

Những việc làm của anh có sức lan tỏa mạnh đến bạn bè, cơ quan và cộng đồng. Ban giám hiệu Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy đã phát động phong trào Công an tích cực giúp dân làm nhiều việc tốt trong toàn trường. Trung úy Phạm Hồng Thái (Cán bộ phòng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Hà Nam) cho biết “Khi thấy anh Tuấn bán chổi nên tôi cũng tham gia và bị cuốn vào sự say mê.

Trước khi có việc lên Hà Nội mình thường kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp xem ai có nhu cầu mua chổi rồi tập hợp lại để qua hợp tác xã lấy về và giao đến tận tay họ”.

Lan tỏa lòng nhân ái đến cộng đồng
Chị Hoàng Thị Hà (33 tuổi, quê Bắc Ninh) là người thường xuyên có những chuyến đi cứu rét, cứu đói ở khu vực vùng núi phía Bắc. May mắn qua truyền thông chị biết Anh Tuấn là người làm nhiều việc tốt và có thể gửi gắm niềm tin nên chị đã quyết định hợp tác để lập nhóm thiện nguyện “Vì cuộc sống bình yên”.

Trong đợt rét kỉ lục năm 2015, nhóm thiện nguyện đã tham gia ủng hộ, kêu gọi cộng đồng quyên góp được hơn 400 chiếc áo rét mới cùng 7 tấn quần áo, chăn ấm, lương thực, sách vở... và trực tiếp chuyển đến tận tay học sinh tại các trường thuộc xã Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang). 

Qua mỗi chuyến đi nhóm càng thương các em nhỏ không có điều kiện để tiếp thu kiến thức nên ý định xây trường học ra đời. Năm 2016, họ đã vận động mọi người chung tay quyên góp số tiền khoảng 400 triệu đồng để xây dựng hai điểm trường: Lũng Lầu B thuộc Trường PTDT bán trú Tiểu học Khau Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) và Sì Khà Lá thuộc Trường PTDT bán trú Tiểu học Pà Vầy Sủ (Xín Mần, Hà Giang).

Ngoài ra, nhóm đã hỗ trợ kinh phí cho con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn xuống Hà Nội khám chữa bệnh. Hiện nay họ đang nhờ các chiến sĩ Công an khảo sát, tìm hiểu vùng khó khăn nhất ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên) để xây dựng một điểm trường vào ngày 20/11 tới. 

Lan tỏa lòng nhân ái đến cộng đồng
Trần Anh Tuấn (khi còn là Thượng úy) dạy đàn cho các em trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu

Trên cuộc đời này còn nhiều số phận kém may mắn đang cần được sẻ chia, giúp đỡ. Chàng trai có trái tim nhân hậu Trần Anh Tuấn đã biến lòng trắc ẩn thành hành động thiết thực, đồng thời gieo niềm tin cho xã hội về lòng tốt và sự tử tế. Anh và nhóm thiện nguyện của mình đang rong ruổi trên cuộc hành trình đem tấm lòng nhân ái đến mọi nơi. Chắc chắn trong cuộc hành trình ấy, Đại úy Trần Anh Tuấn luôn cần nhận được sự đồng cảm, chung tay và góp sức của cả cộng đồng. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật sẽ khai mạc ngày 3/5
    Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) trên cơ sở là cây cầu đi bộ bắc ngang qua phố Trần Nhật Duật được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2014. Dưới sự chung tay của các nghệ sĩ, các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trên cầu đi bộ phố Trần Nhật Duật đã biến không gian công cộng thành một không gian nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc.
  • Tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá
    Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa, xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh lực: văn học, văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước của VHNT 3 thành phố, có thể thấy rõ những thành tựu và cả những mặt hạn chế tồn tại cần phải thay đổi để tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá.
  • Độc đáo “ngõ cổng vòm” giữa lòng Thủ đô
    Thời gian gần đây, ngách 5/1 phố Từ Hoa (Tây Hồ, Hà Nội) trở thành một địa điểm check-in, chụp hình quen thuộc của người dân Thủ đô. Với lối kiến trúc mộc mạc, con ngách đã trở thành một “góc xưa” giữa Thủ đô hiện đại.
  • Thông tin người phụ nữ bán 3 quả dứa 500 nghìn đồng ở phố cổ cho du khách là không chính xác
    Ngày 1/5, Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng.
  • Hà Nội mùa đông lịch sử
    Đêm Hà Nội những ngày tháng 12, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp nhất ở mức 7-8 độ C, tôi trằn trọc trở mình trong chăn đệm êm ấm, rưng rưng lắng nghe những ca từ xúc động trong bài hát “Cảm xúc tháng Mười” vang lên từ ngôi nhà kế bên. Ngoài kia gió rít từng cơn thổn thức, những cảm xúc nghẹn ngào thôi thúc tôi dậy mở máy tính, xem lại những thước phim tư liệu về 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô của Hà Nội năm 1946. Từ hiện tại bình yên, tôi đã được trở về với mùa đông lịch sử của thành Rồng - một mùa đông giá buốt nhưng rực lửa.
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa lòng nhân ái đến cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO