Ký ức đẹp về hồ Gươm xưa

Miên Thảo| 15/11/2021 08:27

Triển lãm Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức, đang được “mở cửa” trực tuyến trên website: archives.org.vn và fanpage: facebook.com/luutruquocgia1. Vì vậy, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet là công chúng có thể ngồi nhà thưởng lãm và cùng trở về với những ký ức đẹp về hồ Gươm xưa...

Ký ức đẹp về hồ Gươm xưa
Nhiều ký ức đẹp được kể tại triển lãm trực tuyến Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây. 
Ảnh chụp màn hình.
Triển lãm Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây giới thiệu đến công chúng hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ thiết kế, bản đồ quy hoạch - một phần trong số rất nhiều tài liệu, tư liệu về Hà Nội trong lịch sử hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Những tư liệu này được bố cục với 3 chủ đề chính: Quá trình thay đổi diện mạo hồ Gươm, Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử hồ Gươm và hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.

Ký ức đẹp về hồ Gươm xưa
Thật thú vị khi những hình ảnh tư liệu quý giá này không nằm im lìm trên trang giấy ố màu thời gian mà đã được tiếp thêm một đời sống mới bằng sự hỗ trợ của công nghệ như quay 3600, kính thực tế ảo (VR), xoay màn hình... Vì thế, công chúng có thể tiếp cận chúng một cách sống động để cảm nhận từ nhịp cầu hồ Gươm là cả sự thay đổi diện mạo của một Hà Nội xưa giai đoạn cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20 trong sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây. 

Đó là một hồ Gươm trước khi được người Pháp chọn là trung tâm của quá trình quy hoạch vẫn có dáng dấp của những ao hồ nông thôn. “Xung quanh hồ, các túp lều của dân bản xứ san sát nhau đến nỗi để xuống hồ người ta phải len lỏi qua những ngõ ngách chật hẹp”- (theo ghi chép của Jules Boissiere).

Từ năm 1884 trở đi, chính quyền Pháp cho mở một con phố nối khu nhượng địa với Trường Thi và Hoàng thành cũ. Trong quá trình xây dựng, Tổng trú sứ Trung - Bắc Kì yêu cầu giữ lại khu vực quanh hồ với chiều rộng ít nhất là 20 mét, không một công trình nào được phép xây dựng dọc theo khu vực này và phải dỡ bỏ tất cả nhà tranh trên phố Paul Bert. 

Hệ thống phố đầu tiên của Hà Nội được hình thành, bắt đầu từ tuyến phố Paul Bert - des Inscruteurs (Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi), tiếp theo là phố Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng) và Beauchamps (phố Lê Thái Tổ), cùng các dãy phố song song tạo ra một hệ thống bao quanh hồ Gươm. Hệ thống cung cấp điện nước, xây cống ngầm và một số cơ sở sản xuất như: nhà máy Điện bờ Hồ, công ty Tàu điện Hà Nội được chính quyền Pháp hoàn thành vào cuối những năm 1890 và đầu những năm 1900. Cùng với đó, chính quyền Pháp còn tiến hành việc rải đá mặt đường, làm vỉa hè, mở rộng một số chợ, nhà ga, quảng trường, công viên, rạp chiếu phim… Ngoài ra, để có đất làm đường và xây dựng khu phố Pháp ở phía Đông hồ Gươm và phía Bắc trục đường Paul Bert, chính quyền Pháp đã phá hủy một số ngôi chùa xung quanh hồ Gươm, bất chấp sự phản đối của dân chúng…

Những câu chuyện này được kể qua lời thuyết minh truyền cảm cùng những trang tư liệu năm Hàm Nghi (1884) được trưng bày trên trang đồ họa đẹp mắt và ấn tượng. Nổi bật là các tờ sức của nha huyện Thọ Xương về việc cấm các hộ dân mua bán đất làng ven hồ Hoàn Kiếm (ngày 16 tháng Giêng); về việc nộp tre gỗ làm hàng rào để đắp bờ quanh hồ Hoàn Kiếm (ngày 18 tháng 2); tờ sức ngày 27 tháng Giêng gửi các tổng Thuận Mỹ, Đông Thọ, Đồng Xuân về việc đốc thúc dân phu thu dọn vệ sinh quanh hồ Hoàn Kiếm; tờ bẩm ngày 17 tháng 4 về công việc đắp đường từ Hàng Bài đến Hàng Gà. Hoặc như bản vẽ mặt đứng trước cửa Sở Bưu điện do kiến trúc sư Henri Vildieu lập năm 1893; công văn ngày 15/7/1886, Chánh sở Công chính gửi Thông sứ Bắc Kỳ về việc chỉnh sửa bản vẽ 4 công trình đang thi công quanh hồ Gươm, từ nhà một tầng xây cao thành nhà hai tầng… 

Về việc người dân ở phố Brodeurs (Hàng Trống) và phố Paul Bert phố Tràng Tiền - Hàng Khay bị lấy đất đai để làm vườn hoa và đường quanh hồ Gươm có thư số 88 ngày 6/12/1887 của Kinh lược Bắc Kỳ gửi Tổng trú sứ Trung - Bắc Kỳ; quyết định ngày 22/8/1886 của Phó công sứ Pháp ở Hà Nội về việc xây dựng một con đường rộng 10 mét xung quanh hồ Gươm với mục tiêu: “Trong vài ngày nữa, tất cả những nhà lá ở Paul Bert và phố Brodeurs sẽ hoàn toàn biến mất... khắp nơi là nhà gạch sang trọng các cửa hàng đẹp đẽ mọc lên”.

Còn việc tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao ở hồ Gươm thì có bản phúc trình của Phó Tổng trấn Bắc thành ngày 15 tháng 5 năm Minh Mệnh 10 (1829) về việc cho đấu giá các hồ của Hà Nội trong đó có hồ Tả Vọng; trích biên bản cuộc họp bất thường ngày 22/12/1895 của Hội đồng Thành phố Hà Nội về việc hủy bỏ hợp đồng thầu đánh bắt cá trên hồ Gươm; công văn số 2888- A của Đốc lý Hà Nội gửi Chủ tịch câu lạc bộ đua Bắc -Trung Kỳ - Lào cho phép tổ chức một cuộc đua xe quanh bờ hồ vào chiều 11/11/1935; bài báo với nhan đề Hồ Gươm đăng trên báo Đông Pháp, số ra ngày 28/9/1934 về việc cho phép đua thuyền trên hồ Gươm…

Thông qua các tư liệu này, công chúng hôm nay được thấy công cuộc chỉnh trang Thành phố Hà Nội của người Pháp bắt đầu từ hồ Gươm rồi lan tỏa dần ra các khu vực xung quanh. Công việc này được thực hiện rất khẩn trương và theo hình thái đô thị phương Tây, lấy con người sống ở đô thị làm trung tâm nên quy hoạch phải phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đi lại và không gian sống, đường phố được chỉnh trang, các di tích được chọn lọc bảo tồn, nhiều công trình văn hóa, trụ sở hành chính mới mọc lên.

Có thể thấy, dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, hồ Gươm như một giao lộ - điểm nối, sự cộng hưởng hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây, đem đến cho lối sống của người dân Hà Nội nhiều điều mới mẻ. Chẳng thế mà André Masson đã từng nhận xét: “Hồ Gươm ngày nay là một vòng trang sức của Hà Nội, là gạch nối vui tươi giữa khu phố người bản xứ với khu phố Pháp…”. 
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ký ức đẹp về hồ Gươm xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO