Ký ức đẹp về hồ Gươm xưa
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:27, 15/11/2021
Triển lãm Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức, đang được “mở cửa” trực tuyến trên website: archives.org.vn và fanpage: facebook.com/luutruquocgia1. Vì vậy, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet là công chúng có thể ngồi nhà thưởng lãm và cùng trở về với những ký ức đẹp về hồ Gươm xưa...
Nhiều ký ức đẹp được kể tại triển lãm trực tuyến Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây.
Ảnh chụp màn hình.
Triển lãm Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây giới thiệu đến công chúng hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ thiết kế, bản đồ quy hoạch - một phần trong số rất nhiều tài liệu, tư liệu về Hà Nội trong lịch sử hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Những tư liệu này được bố cục với 3 chủ đề chính: Quá trình thay đổi diện mạo hồ Gươm, Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử hồ Gươm và hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.
Thật thú vị khi những hình ảnh tư liệu quý giá này không nằm im lìm trên trang giấy ố màu thời gian mà đã được tiếp thêm một đời sống mới bằng sự hỗ trợ của công nghệ như quay 3600, kính thực tế ảo (VR), xoay màn hình... Vì thế, công chúng có thể tiếp cận chúng một cách sống động để cảm nhận từ nhịp cầu hồ Gươm là cả sự thay đổi diện mạo của một Hà Nội xưa giai đoạn cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20 trong sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây.
Đó là một hồ Gươm trước khi được người Pháp chọn là trung tâm của quá trình quy hoạch vẫn có dáng dấp của những ao hồ nông thôn. “Xung quanh hồ, các túp lều của dân bản xứ san sát nhau đến nỗi để xuống hồ người ta phải len lỏi qua những ngõ ngách chật hẹp”- (theo ghi chép của Jules Boissiere).
Từ năm 1884 trở đi, chính quyền Pháp cho mở một con phố nối khu nhượng địa với Trường Thi và Hoàng thành cũ. Trong quá trình xây dựng, Tổng trú sứ Trung - Bắc Kì yêu cầu giữ lại khu vực quanh hồ với chiều rộng ít nhất là 20 mét, không một công trình nào được phép xây dựng dọc theo khu vực này và phải dỡ bỏ tất cả nhà tranh trên phố Paul Bert.
Hệ thống phố đầu tiên của Hà Nội được hình thành, bắt đầu từ tuyến phố Paul Bert - des Inscruteurs (Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi), tiếp theo là phố Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng) và Beauchamps (phố Lê Thái Tổ), cùng các dãy phố song song tạo ra một hệ thống bao quanh hồ Gươm. Hệ thống cung cấp điện nước, xây cống ngầm và một số cơ sở sản xuất như: nhà máy Điện bờ Hồ, công ty Tàu điện Hà Nội được chính quyền Pháp hoàn thành vào cuối những năm 1890 và đầu những năm 1900. Cùng với đó, chính quyền Pháp còn tiến hành việc rải đá mặt đường, làm vỉa hè, mở rộng một số chợ, nhà ga, quảng trường, công viên, rạp chiếu phim… Ngoài ra, để có đất làm đường và xây dựng khu phố Pháp ở phía Đông hồ Gươm và phía Bắc trục đường Paul Bert, chính quyền Pháp đã phá hủy một số ngôi chùa xung quanh hồ Gươm, bất chấp sự phản đối của dân chúng…
Những câu chuyện này được kể qua lời thuyết minh truyền cảm cùng những trang tư liệu năm Hàm Nghi (1884) được trưng bày trên trang đồ họa đẹp mắt và ấn tượng. Nổi bật là các tờ sức của nha huyện Thọ Xương về việc cấm các hộ dân mua bán đất làng ven hồ Hoàn Kiếm (ngày 16 tháng Giêng); về việc nộp tre gỗ làm hàng rào để đắp bờ quanh hồ Hoàn Kiếm (ngày 18 tháng 2); tờ sức ngày 27 tháng Giêng gửi các tổng Thuận Mỹ, Đông Thọ, Đồng Xuân về việc đốc thúc dân phu thu dọn vệ sinh quanh hồ Hoàn Kiếm; tờ bẩm ngày 17 tháng 4 về công việc đắp đường từ Hàng Bài đến Hàng Gà. Hoặc như bản vẽ mặt đứng trước cửa Sở Bưu điện do kiến trúc sư Henri Vildieu lập năm 1893; công văn ngày 15/7/1886, Chánh sở Công chính gửi Thông sứ Bắc Kỳ về việc chỉnh sửa bản vẽ 4 công trình đang thi công quanh hồ Gươm, từ nhà một tầng xây cao thành nhà hai tầng…
Về việc người dân ở phố Brodeurs (Hàng Trống) và phố Paul Bert phố Tràng Tiền - Hàng Khay bị lấy đất đai để làm vườn hoa và đường quanh hồ Gươm có thư số 88 ngày 6/12/1887 của Kinh lược Bắc Kỳ gửi Tổng trú sứ Trung - Bắc Kỳ; quyết định ngày 22/8/1886 của Phó công sứ Pháp ở Hà Nội về việc xây dựng một con đường rộng 10 mét xung quanh hồ Gươm với mục tiêu: “Trong vài ngày nữa, tất cả những nhà lá ở Paul Bert và phố Brodeurs sẽ hoàn toàn biến mất... khắp nơi là nhà gạch sang trọng các cửa hàng đẹp đẽ mọc lên”.
Còn việc tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao ở hồ Gươm thì có bản phúc trình của Phó Tổng trấn Bắc thành ngày 15 tháng 5 năm Minh Mệnh 10 (1829) về việc cho đấu giá các hồ của Hà Nội trong đó có hồ Tả Vọng; trích biên bản cuộc họp bất thường ngày 22/12/1895 của Hội đồng Thành phố Hà Nội về việc hủy bỏ hợp đồng thầu đánh bắt cá trên hồ Gươm; công văn số 2888- A của Đốc lý Hà Nội gửi Chủ tịch câu lạc bộ đua Bắc -Trung Kỳ - Lào cho phép tổ chức một cuộc đua xe quanh bờ hồ vào chiều 11/11/1935; bài báo với nhan đề Hồ Gươm đăng trên báo Đông Pháp, số ra ngày 28/9/1934 về việc cho phép đua thuyền trên hồ Gươm…
Thông qua các tư liệu này, công chúng hôm nay được thấy công cuộc chỉnh trang Thành phố Hà Nội của người Pháp bắt đầu từ hồ Gươm rồi lan tỏa dần ra các khu vực xung quanh. Công việc này được thực hiện rất khẩn trương và theo hình thái đô thị phương Tây, lấy con người sống ở đô thị làm trung tâm nên quy hoạch phải phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đi lại và không gian sống, đường phố được chỉnh trang, các di tích được chọn lọc bảo tồn, nhiều công trình văn hóa, trụ sở hành chính mới mọc lên.
Có thể thấy, dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, hồ Gươm như một giao lộ - điểm nối, sự cộng hưởng hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây, đem đến cho lối sống của người dân Hà Nội nhiều điều mới mẻ. Chẳng thế mà André Masson đã từng nhận xét: “Hồ Gươm ngày nay là một vòng trang sức của Hà Nội, là gạch nối vui tươi giữa khu phố người bản xứ với khu phố Pháp…”.