Vai trò của kiến trúc trong phát triển công nghiệp văn hóa
Khái niệm “Công nghiệp văn hóa” trong những năm gần đây đã được nhiều quốc gia nói chung và các địa phương nói riêng quan tâm và chú trọng. Với nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa đã trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và là trọng điểm trong chiến lược phát triển đất nước. Sản phẩm công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần nâng cao vị thế của các quốc gia trên trường quốc tế mà còn tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Tại Việt Nam, Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã xác định mục tiêu chung: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 13 nhóm ngành nghề, trong đó có ngành kiến trúc. Như vậy, kiến trúc đã được xác định là một trong các nhóm ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả trong tổng thể sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. Đặc biệt gần đây nhất, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã được làm rõ hơn và có một số điểm mới, xác định tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có sự liên hệ mật thiết với ngành nghề kiến trúc.
Trong sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, công nghiệp văn hóa thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Bài học thành công của các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển trên thế giới đã chứng minh rõ điều đó. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình toàn cầu hóa của nhân loại, trong đó có lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, đã tạo nên sự thay đổi rất lớn trên nhiều lĩnh vực trong đó có công nghiệp văn hóa.
Hiện nay, khi chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, khái niệm công nghiệp văn hóa đã được người dân hiểu rõ, quan tâm và thường xuyên đề cập hơn, trong đó có vai trò của kiến trúc. Có thể đưa ra một vài ví dụ liên quan đến kiến trúc góp phần thu hút khách du lịch, tạo cho sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương như: Công trình Thư viện - Bảo tàng Quảng Ninh tại thành phố Hạ Long, tháp Bitexco tại thành phố Hồ Chí Minh, cầu Vàng tại thành phố Đà Nẵng hay các khu vực như: Phố cổ, phố bích họa tại Thành phố Hà Nội, phố cổ Hội An tại thành phố Quảng Nam, cố đô tại thành phố Huế… Khó có thể kể hết các công trình kiến trúc, các không gian văn hóa kiến trúc có giá trị trên đất nước Việt Nam đã góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước muốn đến để ngắm, để nhìn, để khám phá, để tìm hiểu tận mắt. Và, những công trình, không gian ấy còn có thể tạo ra các ký ức khó quên cho mỗi con người, mỗi thành phố, mỗi đất nước.
Tiếp tục lan tỏa giá trị
Nhận thấy được vai trò của kiến trúc trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, các kiến trúc sư, nhà quy hoạch luôn phải là người tiên phong, dám đương đầu với các khó khăn, thách thức, những lời khen chê xen lẫn khi mỗi tác phẩm được ra đời và đi vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt trong quá trình phát triển với nền kinh tế thị trường ngày càng thể hiện rõ. Người làm kiến trúc đòi hỏi có trình độ chuyên môn ngày càng cao, phải có thời gian tích lũy, trau dồi, trải nghiệm nhưng luôn phải có bản lĩnh vững vàng, tâm huyết, trăn trở với nghề; phải luôn tìm tòi những điểm mới, làm mới bản thân, là người tiên phong, góp phần lan tỏa đến cộng đồng trong lĩnh vực chuyên môn.
Để phát huy mạnh mẽ các lợi thế vốn có sẵn tại các địa phương trên cả nước, cần quan tâm và tập trung vào nhiều giải pháp trên cơ sở các mục tiêu tổng quát và cụ thể từng địa phương. Chúng ta có thể nghiên cứu trên một số định hướng, giải pháp liên quan đến lĩnh vực kiến trúc như: Các cấp, các ngành, đặc biệt các nhà quản lý, nhà lãnh đạo chính quyền cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về nội hàm, vai trò quan trọng của lĩnh vực kiến trúc trong tổng thể ngành công nghiệp văn hóa để từ đó phát huy các giá trị kiến trúc hiện có trên cơ sở hoàn chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan phù hợp cho từng địa phương; có cơ chế khuyến khích các kiến trúc sư phát huy khả năng sáng tạo, thiết kế các công trình kiến trúc, các giá trị văn hóa gắn với tính lịch sử; tập trung vào các công trình điểm nhấn có giá trị thẩm mỹ, các không gian văn hóa kiến trúc… với quan điểm hài hòa với không gian từng khu vực, không phá vỡ cảnh quan chung tạo sự ghi nhận về lĩnh vực kiến trúc trong sự phát triển chung của mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các nhà khoa học, nhà văn hóa, các hội nghề nghiệp như: Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch trong quá trình tham gia các ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tại các khu vực có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện Luật Kiến trúc 2019 và các văn bản cụ thể hóa luật liên quan đến lĩnh vực kiến trúc; Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài nước, tăng cường các cuộc hội thảo chuyên đề, tọa đàm, triển lãm, các đề tài khoa học… trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa liên quan đến kiến trúc; Tích cực tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân về các giá trị kiến trúc, các không gian văn hóa cộng đồng liên quan đến kiến trúc để các giá trị đó ngày càng được phát huy, phát triển; góp phần thu hút khách du lịch; Tăng cường tiếp thu, áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ để vận hành trong quá trình khai thác các giá trị kiến trúc, đặc biệt các công trình có tính lịch sử, trải qua nhiều giai đoạn phát triển của xã hội.
Đối với Thủ đô Hà Nội, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII; về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án đã định hướng các ngành lĩnh vực, tại phần định hướng quy hoạch mạng lưới công trình văn hóa đã xác định các trung tâm văn hóa cấp khu vực, các khu vực tập trung những công trình văn hóa lớn, trục phát triển không gian văn hóa. Cụ thể, các khu vực nêu trên đều hiện diện phần lớn lĩnh vực liên quan đến kiến trúc (các công trình kiến trúc như: Triển lãm, nhà hát, bảo tàng, cung văn hóa, tượng đài, các không gian, trục cảnh quan…), với quan điểm: Phát triển mạng lưới công trình văn hóa đa dạng, lồng ghép và phát huy giá trị văn hóa lịch sử tiêu biểu nhất của Hà Nội và cả nước, tương xứng với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đưa Hà Nội trở thành một đô thị văn hóa đẳng cấp quốc tế với những biểu tượng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Tiếp tục tạo nên hình ảnh văn hóa mới cho Hà Nội trên nền không gian cảnh quan đặc trưng của Thủ đô, thông qua mạng lưới các công trình văn hóa gắn với các khu cụm dân cư, các khu trung tâm đô thị (thuộc đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh).
Năm 2019, Thủ đô Hà Nội đã được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”. Chúng ta đang nỗ lực thực hiện cam kết trong việc xây dựng Hà Nội “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực thiết kế, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô. Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực liên quan đến kiến trúc Hà Nội với gần 6.000 di tích lịch sử - văn hóa, gần 1.400 làng nghề, làng có nghề, nhiều công trình kiến trúc có giá trị có tính đương đại, nhiều không gian văn hóa có giá trị liên quan đến kiến trúc…Với bề dày hơn 1.000 năm lịch sử phát triển, Hà Nội không thiếu nguồn lực để tạo thương hiệu riêng. Bản thân các kiến trúc sư, nhà quản lý, các hội nghề nghiệp cũng như mỗi người dân Thủ đô cần thấu hiểu và luôn sẵn sàng chung tay, đồng lòng để phát huy các giá trị kiến trúc vốn có kết hợp sự sáng tạo mới mẻ, góp phần làm cho Hà Nội luôn hấp dẫn với một cách riêng, đặc trưng riêng đảm bảo quá trình phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững, hiệu quả, cụ thể hóa mục tiêu: Xây dựng Thủ đô Hà Nội thành đô thị “Thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh an toàn” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Cùng với đó, ngoài những giải pháp nêu trên, Hà Nội cần tiếp tục hoàn chỉnh các quy hoạch có liên quan đến việc cụ thể hóa định hướng lĩnh vực Quy hoạch văn hóa đã được xác định trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt; đặc biệt cần phát huy, khai thác các giá tiềm năng tại khu vực hai bên sông Hồng, sông Đuống; cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố liên quan đến công nghiệp văn hóa, trong đó có lĩnh vực kiến trúc.
Phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có lĩnh vực kiến trúc sẽ góp phần đạt mục tiêu đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân....,
góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, từ đó giúp chúng ta xây dựng được một nền kinh tế linh động, hài hòa, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình toàn cầu hóa của nhân loại.