Hôm nay 28/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 28/6, trước khi tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua: Luật Thủ đô (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá có rất nhiều đột phá ở các khía cạnh khác nhau về quy mô, nội dung, đầu tư, chính sách thu hút, nâng cấp, phát triển Hà Nội... Đặc biệt, dự án luật còn mang tính lan tỏa cho cả vùng xung quanh Thủ đô.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được các chuyên gia đánh giá đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô nói riêng và sự phát triển chung của cả nước, nhờ việc đưa ra nhiều khuôn khổ pháp lý đặc thù, vượt trội cho Thủ đô so với các quy định chung trên toàn quốc.
Đặc biệt, cơ chế trao quyền, đặc thù vượt trội là mấu chốt để giúp Thủ đô quản lý, khai thác, huy động được nguồn lực tạo đà cho phát triển. Dự án Luật thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ; lĩnh vực phân quyền toàn diện nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã có 26 lượt ý kiến phát biểu và 5 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia bằng văn bản góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng với ý kiến góp ý của ĐBQH về dự thảo Luật này, trước đó, ngày 23/5/2024, Chính phủ đã có văn bản số 269/BC-CP về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và đề xuất chỉnh lý một số nội dung cụ thể.
Ngày 11/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương và 54 điều, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật tại 36/54 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu Kỳ họp thứ 7.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 5 vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm: Về việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê (các điều 17, 18, 21, 32); Về hình thức giao đất, cho thuê đất và vai trò của Ban quản lý trong quản lý đất đai trong khu công nghệ cao Hòa Lạc (Điều 24); Về việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng (Điều 24 và Điều 41); Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Điều 25); Về thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Điều 40).
Qua thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)./.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Sau đó, Quốc hội họp riêng, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.