Học để làm người

Văn nghệ quân đội| 26/05/2022 22:24

Việc giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Thêm nêu ý kiến loại bỏ câu châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường tại hội thảo về văn hóa học đường vừa mới diễn ra trong tháng 11/2021 đã gây phản ứng nhiều chiều trong dư luận.

Ông Thêm hiểu đó là một câu khẩu hiệu đang được viết lên ở nhiều trường học hiện nay trên cả nước nhưng tác dụng của nó là dạy cho học sinh thái độ thụ động, khuôn mình trong các quy định đạo đức cứng nhắc, do đó kìm hãm sự sáng tạo của người học. Dư luận đồng tình có, phản đối có, khá là gay gắt. Tựu trung lại, trong hai vế của câu châm ngôn, người ta như dễ thống nhất sự hiểu về “văn”, còn về “lễ” thì sự hiểu có vẻ khác xa, thậm chí trái ngược. Nhiều ý kiến phản đối giáo sư Thêm cũng cho là ông đã hiểu không đầy đủ, còn có khi sai lệch, về nội hàm khái niệm “lễ” của người xưa nên mới đề xuất bỏ nó.
Học để làm người

Thực ra câu châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” nói lên một quan niệm, một định hướng giáo dục theo tinh thần nho giáo từ xa xưa. Hiểu một cách ngắn gọn là người đến trường đi học trước hết phải được bồi đắp, rèn luyện về đạo đức, tư cách (Lễ), sau mới đến tiếp thu kiến thức, chuyên môn (Văn). Hai trạng từ “Tiên” và “Hậu” không phải hiểu máy móc là học Lễ trước rồi mới đến học Văn, học Lễ xong mới học Văn, mà cốt để nhấn mạnh cả hai việc phải diễn ra song song, đồng thời, tuy có ý đề cao Lễ hơn. Lễ đây được hiểu là các quy tắc, phép tắc ứng xử của con người và con người, những quy định điều chỉnh hành vi của con người trong cuộc sống, những phẩm chất đạo đức cần có để con người được coi là có nhân cách, tư cách trong cộng đồng người. “Từ điển Hán Việt” của Thiều Chửu định nghĩa “Lễ” là “theo cái khuôn mẫu của người đã qua định ra các phép tắc từ quan, hôn, tang, tế cho đến đi đứng nói năng đều có cái phép nhất định”. Dân gian vẫn thường hay nói câu cửa miệng “phép tắc lễ nghĩa” với ý là những khuôn phép ràng buộc, bắt buộc con người phải theo. Có lẽ hiểu như vậy nên giáo sư Trần Ngọc Thêm mới thấy cần phải bỏ nó để giải phóng sức sáng tạo của người đi học trong nhà trường.

Tôi cho rằng mọi câu châm ngôn, phương châm đều chỉ nhấn mạnh vào một ý cần nói của người phát ngôn, và do đó chúng thường phiến diện, dẫn đến nhiều khi hiểu lệch. Chưa kể trong trường hợp câu “Tiên học lễ, hậu học văn” thì còn thêm cả một không khí, ngữ cảnh văn hóa của thời xưa tác động đến tâm thức tiếp nhận của người nay. Nghe đọc câu đó là thấy hiện lên cả một truyền thống văn hóa kéo dài hàng nghìn năm mà thường gắn liền với mối quan hệ trên dưới theo tôn ti thứ bậc. Khi người ta chọn một châm ngôn, khẩu hiệu nào để ghi lên ở nhà trường, và rộng ra để trưng ra ở nơi công cộng, thì đều nhằm muốn người đọc người nghe chú ý và thực hành theo nội dung được nhấn mạnh bằng câu đó. Chẳng hạn, tại đền thờ Delphes ở Hy Lạp cổ có ghi câu châm ngôn “Hãy tự biết mình (“Connais-toi toi-même”, “Know thyself”). Nhà triết học Socrates đã dùng nó làm phương châm dạy học của mình và phương châm đó đã thúc giục, khơi gợi người học phải tự mình khám phá mình trong quá trình học.

Lâu nay trong các trường học ở ta ngoài châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” được kẻ vẽ thành khẩu hiệu trên cổng trên tường, thì trong lớp học còn có những khẩu hiệu khác. Trong các khẩu hiệu đó tôi thấy có câu “Học để làm người” và thấy câu khẩu hiệu đó là hoàn toàn phù hợp. Con người sinh ra mới chỉ là người, tức được cha mẹ cho một nhân dạng. Nhưng từ là người thành làm người là cả một quá trình suốt đời học tập và rèn luyện. Học để làm người là quá trình đào luyện mình từ con người tự nhiên sinh học thành con người xã hội nhân văn. Làm người phải có đạo đức, nhân cách, tư cách con người. Làm người phải có kiến thức, học vấn, chuyên môn. Làm người phải biết vun xới, bồi đắp tính người cho mình và cho người khác. Làm người phải biết sống tôn trọng tự nhiên. Có rất nhiều phương diện để sống làm người. Và học là để biết mình làm người thực sự. Không cần phải nói lễ ra trước vì tự khắc lễ là phải có trong khi học và trong cả cuộc đời. Một người biết thực hiện và hoàn thành tốt công việc trong khả năng chuyên môn và phận sự xã hội của mình đã là một người có lễ, thực hành lễ đúng nhất theo cách hiểu về lễ rộng ra như một phương thức làm người chứ không chỉ là bộ những quy định chung chung, trừu tượng.

Làm người như thế là cả quá trình tương tác của thầy và trò, của người dạy và người học. “Khi một người dạy là hai người học.” (When one teaches, two learn. - Robert Heinlein). Thầy dạy trò nhưng cũng học ở trò. Điều này nằm ngoài khái niệm “Lễ” thời xưa. Bởi bản chất giáo dục không phải là một chiều. Ngạn ngữ Do Thái có câu: “Đứa trẻ không phải là cái bình để rót đầy, mà là ngọn đèn để thắp sáng” (A child is not a vessel to be filled, but a lamp to be lit). Điều quan trọng là nhận thức được rằng đứa trẻ đến trường là một sinh linh người, một bản thể người đi học để làm người sống ở đời, giữa nhân gian. Người dạy không thể nghĩ thay và sống thay cho người học. Socrates bảo học trò “Phải tự biết mình” và ông biết nhiệm vụ người thầy của mình không phải là dạy cho ai cái gì cả mà chỉ khiến họ phải tự mình suy nghĩ. Người thầy là người đánh thức người học. (I am not a teacher, but an awakener - Robert Frost). Người thầy là người tự khiến mình ngày càng trở nên không cần thiết (A teacher is one who makes himself progressively unnecessary - Thomas Carruthers). Cái Lễ cao nhất ở nhà trường là trò hơn thầy, trò vượt thầy. Câu chuyện thầy trò của hai nhà triết học vĩ đại thời Hy Lạp cổ, Plato và Aristotle, vẫn còn rất ý nghĩa ngày nay. Trong một lần thầy trò tranh luận cùng nhau, Aristotle đã nói một câu nổi tiếng: “Thầy là quý nhưng chân lí còn quý hơn”. Đó là cái Lễ đích thực, chân chính trong quan hệ thầy trò. Đạo đức lớn nhất của nhà trường là dạy học trò nghĩ thế nào chứ không phải nghĩ cái gì. Tức người học phải được dạy cách dám tư duy và biết tư duy bằng cái đầu của mình. Một người học trò luôn cung kính, lễ phép, nhưng bảo sao nghe vậy, không chủ động, sáng tạo trong học và hành, đó là người học trò chưa trọn đạo làm trò. Trong tiếng Tây cái từ “Giáo dục” là “Education”, từ này có gốc “e” từ chữ “ex” nghĩa là “ra ngoài” và “duco” nghĩa là “tôi dẫn dắt”. Cả từ “Education” có nghĩa “dẫn dắt ra ngoài”. Như vậy, người đi giáo dục, người thầy, là người dẫn đưa ra bên ngoài cái đã có sẵn trong tâm hồn học trò.

Tôi nghĩ, để hay bỏ câu châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” không quan trọng, vì có kẻ vẽ nó ra ngoài hay không, có nói đến nó hay không, thì nó vẫn có đó trong nhà trường và ngoài xã hội. Quan trọng là hiểu đúng câu đó và thực hành đúng nó, không bị bó hẹp bởi nó trong những quan niệm cứng nhắc thời xưa. Và quan trọng nhất hiện nay là phải ý thức được rằng trường học là nơi đào tạo học sinh làm người đích thực, chân chính, nghĩa là thành những con người có phẩm chất người và năng lực người.

(0) Bình luận
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
  • Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim - nhìn từ "Đất rừng phương Nam"
    Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Học để làm người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO