Đời sống văn hóa

Hình tượng rồng Việt

Đặng Thiêm 26/02/2024 07:55

Người Việt ta, ai chẳng nghĩ và tự hào mình là con Rồng, cháu Tiên. Lạc Long Quân Quốc tổ, theo nghĩa chữ là chàng (hoặc vua rồng) nòi Lạc (Việt). Đâu phải tên riêng? Các nhân vật trong truyền thuyết phần lớn là danh từ chung được riêng hóa, ví như Âu Cơ là người con gái quý tộc nòi Âu (Việt), Chử Đồng Tử là chú bé mò cá mà thôi…

untitled-11.jpg

Thời đại vua Hùng có lẽ chưa có hình tượng rồng biểu trưng vương quyền. Nhà nước buổi sơ khai ấy, giữa vua và dân còn gần gũi lắm.
Rồng là linh vật tưởng tượng, biểu trưng của sức mạnh to lớn, kỳ diệu, thiêng liêng, cao quý, gắn với uy quyền của vua chúa, thần thánh.

Rồng có đầu to, mắt sáng, có sừng, râu, tóc...; thân dài uốn lượn, có vẩy, đuôi xòe tua; bốn chân to khỏe. Rồng không cánh nhưng bay được trên trời trong mây, rồng vươn trên biển, rồng lặn đáy sâu vực thẳm, nghĩa là, rồng tung hoành khắp nơi, khắp chốn mà con người không thể tới được. Rồng đứng đầu trong tứ linh (Long - Ly - Quy - Phượng).

Vậy con rồng tưởng tượng ấy bắt nguồn từ hình ảnh thực tế nào? Có người lý giải rồng bắt nguồn từ hình ảnh cá sấu. Cá sấu có hàm rộng, nanh sắc, mình vẩy, bốn chân, đuôi khỏe, vẫy vùng sông nước, chạy nhanh trên bãi…

Có người cho rằng, rồng là con rắn, con trăn được cách điệu. Rắn, trăn chân dài, mình vẩy, di chuyển uốn lượn, sống lâu, bất tử (rắn già rắn lột). Nhất là khi rắn, trăn đã thành tinh (như chằn tinh trong truyện cổ tích Thạch Sanh).

Có người nghĩ rồng là hình ảnh những dòng sông trong tự nhiên. Sông nào chẳng có khúc uốn? Sông nuôi sống người, sông tốt tươi đồng ruộng, sông có sức mạnh ghê gớm, tràn ngập mênh mông.
Có người nói, rồng là hình ảnh những con sóng biển. Sóng biển lừng lững vươn xa, nhô cao, tung bờm trắng xóa, ào ào xô bờ, hùng vĩ Long vương! Rồng ở trên trời là từ những cơn lốc, vòi rồng thả xuống…

Tất cả đều có cơ sở. Con người vốn giàu trí tưởng tượng, nhất là khi xưa chỉ thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên. Và khi rồng đã xuất hiện thì mỗi dân tộc, mỗi đất nước, mỗi thời đại lại tô điểm cho vật thiêng của mình một khác, mang ngụ ý riêng.

Con rồng mà chúng ta thường gặp ngày nay ở các trang trí cung đình, đền đài, miếu mạo, trên các tranh vẽ, gấm thêu... đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Người Trung Hoa mang con rồng của họ vào Việt Nam từ rất lâu, bằng nhiều con đường, nhiều cách khác nhau. Và, rồng đã trường tồn với non sông nước Việt.

Tuy nhiên khi vào Việt Nam, rồng đã có nhiều biến đổi theo tư duy của người Việt trong tiến trình lịch sử. Các nhà nghiên cứu đều ghi nhận, ở Việt Nam hiện có ba hình tượng rồng tiêu biểu. Đó là rồng thời Lý, rồng thời Lê và rồng thời Nguyễn.

Rồng thời Lý, đầu ngẩng cao, miệng rộng, có mào to, râu dài, tóc dài tung bay như niềm tự hào về thế nước già dặn, hiên ngang như ta đã dời đô từ Tràng An nhỏ hẹp, nặng về phòng thủ để ra giữa đất trời bằng phẳng, thênh thang cho bốn phương hội tụ. Thân rồng dài, da trơn, vảy đẹp, mềm mại, uốn nhiều khúc như dòng sông nơi đồng bằng hiền hòa, cuồn cuộn như dải lụa cuốn bay trước gió. Rồng có bốn chân cao, nâng mình khỏi mặt đất khiến người ta nghĩ tới hình ảnh đám mây vàng long lên trước thuyền ngự khi vua Lý Thái Tổ tới bến mà Đại La có tên mới Thăng Long!

Rồng thời Lý, đẹp mà đôn hậu, từ bi. Phải chăng đó là hồi quang của mẫu sắc Phật giáo. Hình ảnh đôi rồng xếp uốn trên phiến đá bồ đề là vật trang trí phổ biến thời đó, lại càng đinh ninh.

Sang thời Lê, rồng đã khác. Rồng lực lưỡng, sừng thay cho mào, mắt to sáng, râu tóc vây vẩy cứng, thân rồng vạm vỡ, khúc uốn ít và doãng bốn chân to khỏe. Tất cả như lao về phía trước. Đôi rồng đá trước điện Kính Thiên là tiêu biểu nhất, tượng trưng cho uy quyền của hoàng đế trên đất nước hùng mạnh.

Rồng thời Nguyễn, có thể coi là sự kết hợp hài hòa giữa hai con rồng thời trước. Rồng thời Nguyễn “vóc mai mình liễu”, mảnh mai hơn thời Lê, khúc uốn ít nhưng to và doãng hơn thời Lý. Râu tóc rồng thời Nguyễn dài hơn thời Lê, cứng hơn thời Lý, trông đầy vẻ mực thước, nghiêm mà không xa lạ…

Có thể nói, rồng Việt là linh vật cao quý, đáng kính, đáng tôn, là hoài bão tài năng, là khát vọng thành đạt,...

Đất nước ta có bao nhiêu tên gọi rồng: kinh đô Thăng Long, vịnh biển Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, đảo Bạch Long Vĩ, sông Cửu Long, bến Nhà Rồng, đền Long Đỗ, tỉnh Long An,... cây long não, quả thanh long… Điều đó phần nào cho thấy hình tượng rồng trong tâm thức người Việt rất phổ biến.

Trong lời ăn tiếng nói thì không biết bao nhiêu mà kể. “Rồng mây gặp hội” là vận may; “Rồng bay phượng múa” là chữ đẹp; “Gái có chồng như rồng có vẩy” là vẻ vang; “Rồng vàng vàng tắm nước ao tù” là khổ thân; “Ăn như rồng cuộn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” là chê kẻ ăn khỏe nói tài nhưng làm thì bậy bạ, bẩn thỉu…; “Rồng đen lấy nước được mùa/ Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày” là chiêm nghiệm thời tiết; “Trứng rồng lại nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu” là khẳng định dòng giống (gen tốt, gen xấu), cha nào con nấy… Người Việt ta là giống rồng.

Chúng ta đang bước vào năm Giáp Thìn với biết bao khát vọng. Giáp đứng đầu hàng “can” Thìn là rồng hào hùng nhất, 12 con giáp hàng “Chi”. Hi vọng Việt Nam sớm trở thành “con rồng châu Á” trong những năm tới, hiện thực mục tiêu “dân giàu - nước mạnh - xã hội văn minh”./.

Bài liên quan
  • "Khoác áo mới" cho nhạc cụ truyền thống
    Tối ngày 20/1, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra chương trình hòa nhạc “TRAIECT IV VietNam”. Chương trình thuộc chuỗi dự án quốc tế “TRAIECT” (Traditional Asian Instruments and Electronics) của Hiệp hội Nhạc mới Hanover (HGNM) với sự hợp tác của Đại học Âm nhạc, Kịch nghệ và Truyền thông Hanover và được thực hiện bởi Quỹ Văn hóa Liên bang, Quỹ Lower Saxony và thành phố Hanover, Đức.
(0) Bình luận
  • Ngày hội của các thế hệ cựu thanh niên xung phong
    Tiếp nối Chung khảo “Liên hoan tiếng hát cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội năm 2024” (cụm 1), tối 15/5, tại Không gian biểu diễn Nghệ thuật - Ẩm thực đường phố quận Tây Hồ đã diễn ra Chung khảo Liên hoan (cụm 2).
  • Trưng bày hơn 300 tài liệu sách, báo “Hồ Chí Minh - Trọn cuộc đời vì nước, vì dân”
    Thông tin từ Thư viện Hà Nội, kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo chuyên đề “Hồ Chí Minh - Trọn cuộc đời vì nước, vì dân” tại cả 2 cơ sở: số 47 Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) và số 2B Quang Trung (quận Hà Đông).
  • Thị xã Sơn Tây tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 (Phật lịch 2568)
    Ngày 15/5, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 (Phật lịch 2568). Đại lễ Phật đản Thị xã Sơn Tây năm nay diễn ra tại chùa Cúc (phường Trung Sơn Trầm).
  • Khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024
    Lễ hội Gióng đền Phù Đổng là hội trận, được vua Lý Công Uẩn cho khởi tạo và tổ chức từ thời Lý. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch hằng năm, nhằm tái hiện lại các trận đánh oai hùng của Thánh Gióng - người con của làng Phù Đổng đánh giặc ngoại xâm phương Bắc.
  • Bảy đóa sen “bung nở” giữa dòng Hương Giang mừng Đại lễ Phật đản
    Đón mừng Đại lễ Phật đản - Phật lịch 2568, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hạ thủy 7 đóa hoa sen ra giữa dòng sông Hương thơ mộng.
  • Ngân vang niềm tự hào dân tộc
    Dàn dựng công phu, các tiết mục múa hát của những cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội trình diễn tại Trung tâm Văn hóa Thành phố (số 7 Phùng Hưng, quận Hà Đông) tối 13/5, đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, vừa là sự tri ân thế hệ cha anh ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh để Việt Nam có được như hôm nay.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hình tượng rồng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO