Hát ru của người Tày ở Bắc Kạn được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Hát ru của người Tày Bắc Kạn nói chung và người Tày ở xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm nói riêng là những làn điệu của người lớn hát ru trẻ nhỏ, chủ yếu là khi còn nằm trên nôi, khi địu trên lưng, khi bồng bế ru ngủ…
Quyết định số 1400/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 1/6/2023 đã đưa Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát ru của người Tày xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hát ru của người Tày Bắc Kạn nói chung và người Tày ở xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm nói riêng là những làn điệu của người lớn hát ru trẻ nhỏ, chủ yếu là khi còn nằm trên nôi, khi địu trên lưng, khi bồng bế ru ngủ…
Nội dung hát ru kể về cuộc sống sinh hoạt thường ngày với những câu chuyện bình dị, dí dỏm, thông qua những làn điệu ngân nga của người lớn để trẻ nhỏ có giấc ngủ sâu… Nhân vật trong bài hát ru rất phong phú, như con trâu, gà, lợn, muồm muỗm, con chim nhỏ hay quả dưa trên nương, nhưng là biểu hiện sâu sắc tình yêu thương của người lớn dành cho những đứa trẻ.
Đây là thể loại dân ca phổ biến khắp nơi có dân tộc Tày cư trú. Nội dung các bài hát ru cơ bản giống nhau, nhưng giai điệu, cách hát của mỗi miền quê có sự khác nhau làm cho hát ru thêm phong phú sinh động.
Đối với người Tày ở Bắc Kạn, hình ảnh các bà, mẹ vừa bế, bồng con, cháu trên tay vừa ngân nga điệu hát “ứ noọng” là hình ảnh thân thuộc trong mọi gia đình có trẻ nhỏ từ xưa đến nay. Phong tục người Tày, sau khi em bé được đầy tháng tuổi - người mẹ hết thời gian ở cữ thì em bé đó mới được mẹ, bà bế ra ngoài đi chơi, được về thăm ông bà ngoại, đồng thời từ đây, mẹ của trẻ mới bắt đầu tham gia lao động sản xuất như những thành viên khác trong gia đình.
Kể từ thời gian này trở đi cho đến khoảng 3 tháng tuổi, mỗi khi đến cữ trẻ ngủ thì người được giao nhiệm vụ trông và thường bồng, bế ru ngủ trên tay hoặc đặt trẻ ru ngủ trong nôi. Khi bé đã tương đối cứng cáp, bắt đầu biết lẫy, biết bò thì mới địu trên lưng để ru ngủ, theo mẹ đi làm, đi xa.
Trên nhà sàn, trong không khí tĩnh lặng, yên bình, âm thanh kẽo kẹt của tiếng nôi đưa, thi thoảng điểm thêm tiếng vịt, tiếng gà kêu tìm bạn là câu hát ru êm dịu, khoan thai của mẹ như đồng hành cùng trẻ chìm trong giấc mơ đẹp về miền cổ tích bằng những hình ảnh:
Những lời ru cổ xưa thường rất tinh tế, dí dỏm vừa hợp với tư duy trẻ thơ, vừa phản ánh khá rõ nét, cụ thể về nền văn minh lúa nước.
Điệu ru mượt mà, êm ái, ngân nga, man mác trưa hè, dịu dàng ấm áp lúc giá đông, khiến bé như cảm nhận có mẹ ở bên mà yên lòng, nhẹ nhàng trôi vào giấc ngủ thần tiên. Khi xưa, nhà nào cũng có nôi, bé nào cũng được nằm nôi từ khi đầy tháng đến hai, ba tuổi. Cùng với tiếng kẽo kẹt đưa nôi đều đều như nhịp nhạc hòa vào tiếng hát êm ái ngọt ngào của các bà, các mẹ, các chị, ngày qua ngày chúng còn thuộc lòng và hát được bi bô. Đến khi trưởng thành, lời ru ấy đã trở thành hành trang từ tuổi thơ vào đời với tình cảm ơn sâu nghĩa nặng mẹ cha. Thời ấy, ai đã có dịp đến với các làng người Tày rất dễ bắt gặp hàng chục tiếng ru cất lên cùng lúc, nghe như bản hòa tấu yên ả thanh bình đậm đà bản sắc quê hương.
Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, những lời ru đầu tiên trẻ được nghe là trong lễ đầy tháng tuổi của mình. Những lời ru đó là của người thân hai bên gia đình nội, ngoại mang tính chất, nội dung cầu, chúc cháu bé sự bình an, hay ăn chóng lớn chứ không nhằm mục đích để dỗ ngủ như hát ru thông thường.
Những gì còn hiện hữu trong hát ru của người Tày ở Bắc Kạn cho đến ngày nay là sự kết tinh, thành quả của quá trình chọn lọc, tiếp thu, phát triển những yếu tố lành mạnh, tích cực của cả cộng đồng trong suốt tiến trình lịch sử. Bắt nguồn từ nhu cầu của người mẹ là dỗ con ngủ, ban đầu chỉ là những câu ngân không lời, được tiếp thu, phát triển lên thành những câu hát, bài hát hoàn chỉnh. Mỗi thế hệ trong những giai đoạn lịch sử nhất định không ngừng bổ sung, phát triển, nâng cao loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này thông qua những âm hưởng, nội dung mới phản ánh bức tranh văn hóa, kinh tế, xã hội của từng thời kỳ. Vì thế, trong hát ru, chúng ta nghe thấy có âm hưởng của phong slư, có âm hưởng của lượn cọi, nếu nghe thầy pụt hát lại có âm hưởng của pụt … điều đó làm tăng thêm tính đa dạng làn điệu, hình thức, nội dung thể hiện, làm giàu thêm vốn di sản văn hóa quý báu này.
Làn điệu hát ru của người Tày ở Bắc Kạn được truyền miệng lại từ xa xưa, nhưng trên thực tế hiện nay đã bị mai một ở nhiều địa phương. Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ thuật trình diễn dân gian hát ru giúp cộng đồng dân tộc Tày nói chung, dân tộc Tày ở xã Giáo Hiệu, Pác Nặm nói riêng có cơ hội, điều kiện nhân rộng làn điệu hát ru, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc./.