Khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương vừa ký Quyết định cho phép khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội).
Theo đề nghị của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Viện Khảo cổ học và đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật bổ sung tại vị trí dự kiến xây dựng đền thờ Ngô Quyền thuộc di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Thời gian khai quật từ ngày 10/6 đến 20/8/2023 với diện tích khai quật 100m2. Chủ trì khai quật là ông Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, trong thời gian khai quật, cơ quan liên quan cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất một tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất một năm, gửi về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Khu di tích Cổ Loa) nằm trên địa bàn xã Cổ Loa và các xã Việt Hùng, Dục Tú, Uy Nỗ (huyện Đông Anh). Hiện nay, di tích có phạm vi quy hoạch bảo tồn là 830 ha. Khu vực Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích (trong đó có 7 di tích cấp quốc gia), bao gồm các loại hình: di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, cách mạng, di chỉ khảo cổ học. Trong lòng đất của Cổ Loa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và khảo cổ học đặc biệt và phong phú, cho thấy sự phát triển liên tục của nền văn minh sông Hồng.
Đến nay, các nhà khảo cổ học đã tiến hành 3 đợt khai quật khảo cổ quy mô lớn (năm 1970, 2005, 2007 – 2008) tại khu vực này. Kết quả khai quật cho thấy, trong lịch sử thành Cổ Loa đã trải qua ít nhất 3 lần đắp, mà dấu tích liên quan còn được biểu hiện qua các di tích: lũy phòng thủ, di tích bếp, cụm gốm Đông Sơn, lò nung gạch, ngói có niên đại thế kỷ XVIII - XIX.
Di tích Cổ Loa là 1 trong 10 di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 27/9/2012. Đến năm 2021, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh), tiếp tục khẳng định giá trị quần thể di tích kinh thành Cổ Loa từ giá trị vật thể đến giá trị phi vật thể là di sản quý báu của quốc gia.