Hạnh phúc gia đình

Lê Thi Xuyên| 08/10/2019 11:06

Cháu… chị Tâm òa lên nức nở. Cháu khổ quá! Chồng con gì đâu mà cứ rượu chè vào là đánh vợ. Ra đường nhìn chòm xóm, cháu xấu hổ quá bác ạ. Thương ba đứa con chứ không cháu đã bỏ đi từ lâu rồi... Tâm kể về nỗi khổ của mình trong nước mắt khiến bà Hiền động lòng xót xa

Hạnh phúc gia đình
Minh họa của Phạm Nghĩa
- Cô Tâm ra đồng sớm thế?

- Dạ… chào bác Hiền!

- Ơ, sao mặt cô tím bầm thế kia?

- Cháu… cháu đi không cẩn thận nên lỡ va đập vào cánh cửa thôi bác.

- Cô lại nói dối. Chắc chú Quán lại rượu vào rồi đánh cô nữa chứ gì!

- Cháu… chị Tâm òa lên nức nở. Cháu khổ quá! Chồng con gì đâu mà cứ rượu chè vào là đánh vợ. Ra đường nhìn chòm xóm, cháu xấu hổ quá bác ạ. Thương ba đứa con chứ không cháu đã bỏ đi từ lâu rồi... Tâm kể về nỗi khổ của mình trong nước mắt khiến bà Hiền động lòng xót xa.

- Chú Quán trong xóm nhà mình, chả hiểu sao cứ thích uống rượu và đánh vợ. Mới sớm bửng, cô Tâm ra đồng mặt mũi đã tím bầm hết cả. Vừa bước về đến sân nhà, thấy ông Lương, chồng mình đang ngồi hút thuốc lào dưới mái hiên, bà Hiền liền phàn nàn.

- Chắc lại chuyện sinh toàn con gái. Phần nữa là do kinh tế khó khăn, ba đứa con lại đang ăn học, cái gì cũng cần tiền… Ông Lương rít một hơi thuốc lào, phả khói thành vòng bay lên trước mặt, chậm rãi nói.

Tâm và Hùng là người cùng làng. Vốn chẳng được ăn học đầy đủ vì gia cảnh cả hai đều nghèo khó. Năm tròn 20 tuổi, gia đình Tâm giục nhà Hùng tổ chức đám cưới. Quan niệm của ba mẹ chị Tâm xưa nay vẫn nhất nhất, con gái không học hành gì thì tốt nhất là cưới chồng chứ để ngoài 20 tuổi coi như ế. Cưới sớm có nhiều cái lợi. Thứ nhất, sớm ổn định. Thứ hai, nhẹ bớt gánh nặng cho ba mẹ vì có con gái chẳng khác nào như quả bom nổ chậm. Thứ ba, việc cưới xin sớm cho con cái vốn dĩ đã trở thành phong trào của cái làng này. Nhà người ta cưới, mình đi ăn cưới, mừng đám cưới suốt, thấy cũng sốt ruột. 

Cưới nhau xong, Tâm và Hùng được ba mẹ Hùng cho một miếng đất chừng 60 mét vuông, ban đầu là dựng tạm cái chòi để trú nắng trú mưa, mãi sau tích góp cũng cất được cái nhà ngói. Rồi cái Sĩ, cái Tấn, cái Tân nối tiếp nhau ra đời.
- Sinh con gái, người ta đặt tên Hồng, Hoa, Lan,… gì đó. Chú Hùng nghĩ sao mà lại đặt tên con gái là Sĩ, Tấn, Tân. Họ hàng rồi hàng xóm góp ý, Hùng nổi cáu:

- Đó là chuyện nhà tôi. Ai cần mấy người phải xỏ mũi vào. Lắm chuyện! Cũng vì câu nói ấy, làng trên xóm dưới dần ít chuyện trò với Hùng. Hễ gặp, ai cũng nghĩ, tốt nhất nên tránh cho lành.

Nhớ hồi cả hai đang yêu nhau đầy lãng mạn, có lần Tâm đã không ngần ngại hỏi Hùng: 

- Sau này, anh thích có con trai hay con gái?

- Trai gái gì đều là con nên với anh không quan trọng. Hùng dứt khoát.

- Nhưng mình cưới nhau bây giờ chẳng có gì. Sau này lại con cái nheo nhóc. Bao khó khăn, vất vả, anh có chịu được không?

- Anh chịu được tất. Sướng khổ gì, mình sẽ cùng nhau vượt qua. Không cần giàu. Chỉ cần vợ chồng luôn hòa thuận, vui vẻ là hạnh phúc rồi. Hùng nói với Tâm những lời có cánh, những ước ao và cả những lời hứa chắc như đinh đóng cột về cuộc sống tương lai của cả hai.

Ngày cái Sĩ và Tấn còn nhỏ, ngôi nhà của vợ chồng Hùng ngày nào cũng ngập tràn tiếng cười. Bữa cơm đơn giản với cá đồng kho mặn, ốc, hến mò được ngoài mương đem về nấu canh rồi thì rau cỏ hái ngoài bờ ngoài bãi, thế thôi mà cuộc sống vẫn bình yên. Chị Tâm nhiều khi ngồi ngắm chồng ngắm con, cứ tủm tỉm cười một mình. Chị thấy đời mình như thế là đủ, chẳng ước gì cao sang.

Nhưng… mọi thứ bỗng chốc thay đổi từ khi cái Tân ra đời và mấy đứa con ngày càng lớn lên.

- Vợ với chả con. Sang hàng xóm mà học hỏi nhà người ta đẻ kìa. Đẻ một cái là ra thằng cu ngay. Đằng này… đẻ mãi mà vẫn cứ bươm bướm, vịt giời!

- Sao mình lại nói thế. Con cái là trời cho. Gái hay trai là do cả vợ lẫn chồng chứ đâu phải tôi muốn đẻ toàn con gái. Mà mình cũng đã từng nói… Tâm cố gắng giải thích và có ý nhắc lại lời chồng khi xưa.

- Thôi đi! Hùng cắt ngang, giọng càng hằn học. Bao nhiêu chuyện đông chuyện tây, chuyện bị coi thường khi đi ăn giỗ, gặp người này người khác ngoài đường, Hùng lôi ra nói một tràng. Đại khái là cũng phải có ít nhất một thằng cu, trước là có người hầu rượu, điếu đóm. Sau này già cả, qua đời thì được chăm sóc, nhờ vả, khói hương. Mình thì nhục như con cá nục. Đi ăn giỗ thì ngồi mâm dưới với hàng đàn bà, cháu chắt chai cả mặt. Trong nhà có công to việc nhỏ, chỉ mỗi mình mình cáng đáng, một lũ con gái chỉ trơ trơ cặp mắt đứng nhìn, chả được cái tích sự gì. Hùng lôi chuyện đặt tên con để minh chứng cho việc ước có được đứa con trai. Giận cá chém thớt, Hùng đập cả chai rượu đang uống xuống nền nhà, sấn lại kéo tóc, bạt tai, đấm thẳng vào mặt vợ bốp chát. Chị Tâm loạng choạng, ngã dúi xuống đất, nước mắt giàn dụa. Con bé Tân chạy đến ôm lấy chân ba nó van xin:

- Ba đừng đánh mẹ nữa! Đừng đánh mẹ nữa ba ơi. Mẹ đau lắm!

- À… cái con vịt giời này… Mày lại còn bênh con mẹ mày. Hùng vung tay đẩy con gái ra xa rồi xông đến tiếp tục đánh vợ.

- Ba… ba đừng đánh mẹ nữa! Vừa lúc chị em Sĩ, Tấn đi học về đến ngõ, thấy ba vẫn đang sừng sộ còn mẹ thì ngồi ôm mặt khóc bên cạnh đứa em út dưới hiên nhà, chúng liền mếu máo:

- Mẹ chạy đi… mẹ đừng ngồi đấy nữa. Nếu không ba sẽ đánh mẹ chết mất.

- À… thêm hai con vịt giời này nữa. Chúng mày đủ bộ rồi nhỉ. Tao sẽ cho chúng mày một trận no đòn luôn. Thấy chồng định xông vào đánh các con, chị Tâm vùng dậy, dắt tay con, cả bốn mẹ con ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi nhà. Hùng loạng choạng đuổi theo nhưng chỉ được vài bước thì ngã kềnh giữa sân, miệng vẫn lè bè chửi.

Cảnh nhà cơm không lành canh không ngọt của vợ chồng Hùng cả làng trên xóm dưới không ai là không biết. Nhưng có lần can ngăn, Hùng vác gậy, vác dao ra hăm dọa khiến họ phát khiếp. Những lần sau đó, dù có nghe tiếng bát đũa, nồi xoong loảng xoảng thì họ cũng chỉ nhìn nhau ngao ngán. Người ngẫm bụng, thôi thì “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Người lắc đầu “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”.

Năm lần bảy lượt chạy trốn, mẹ con chị Tâm chẳng biết tá túc ở đâu, chỉ biết chạy thộc mạng vì sợ bị đuổi đánh. Bà Hiền ở trong xóm, thấy mẹ con Tâm hớt hơ hớt hải chạy ngang qua nhà mình, biết sự chẳng lành liền bảo họ vào nhà.

- Cứ bị đánh thế này thì da thịt nào mà chịu cho nổi. Cái Sĩ cũng sắp thi đại học, cái Tấn thì chuẩn bị vào cấp ba. Bà Hiền nhìn chồng rồi nói với mẹ con chị Tâm bằng vẻ mặt đầy đồng cảm.

- Cháu thì sao cũng được, nhưng chỉ tội cho sắp nhỏ. Một chút bình yên cũng không có. Suốt ngày chúng chỉ thấy ba nó uống rượu rồi đánh đập, chửi bới, phá đồ. Chị Tâm ngồi ghé ở mép chiếu, khuôn mặt sưng phù, khóe miệng tứa máu, nước mắt ròng ròng. Ba đứa con đều sợ hãi, mặt tái mét. 

- Mẹ ơi, con sẽ không đi học nữa. Con sẽ ở nhà đi làm kiếm tiền phụ mẹ.

- Con cũng vậy. Nghe chị hai nức nở khóc nói với mẹ, Tấn và Tân cũng nói theo.

- Không. Các con còn nhỏ. Các con phải ráng học. Mẹ dù khổ thế nào cũng không để các con chịu cảnh thất học được. Mẹ không thể để các con sau này giống ba mẹ được. 

- Nhưng chúng con là con gái. Mà con gái thì đủ tuổi là lấy chồng rồi lo gia đình, con cái thôi. Học nhiều để làm gì. Chẳng phải ba đã từng nói thế sao! Sĩ vừa nói vừa sụt sùi.

- Không phải đâu cháu. Dù là con gái hay con trai thì cũng đều bình đẳng như nhau cả. Chỉ tại làng mình vẫn còn trọng nam khinh nữ đấy thôi. Con nào chả là con. Cháu học giỏi. Cháu hãy cứ cố gắng học rồi thi cho tốt. Còn làm gương cho hai em. Sau này mới thoát khỏi cảnh đói nghèo và thay đổi cái suy nghĩ lạc hậu ấy được. Nghèo gì chứ nghèo tri thức, hiểu biết mới đáng lo cháu à! Ông Lương ôn tồn.

- Ước gì ba của bọn trẻ cũng hiểu được những lời bác nói. Chị Tâm nói với vẻ buồn bã, thất vọng.

- Ừ. Để tôi sang nói chuyện với chú Hùng thử xem thế nào. 

- Đúng đấy. Dù sao cũng là đàn ông với nhau. Vả lại, ông cũng lớn tuổi, chắc chú ấy sẽ nghe.

- Hai hay ba đứa con gái thì cũng khác gì nhau đâu chú. Cũng khó khăn, cũng bị người này người khác nói ra nói vào. Nhưng mình sống cho mình mà chứ có phải cho người khác đâu, để ý đến những lời đàm tiếu không hay làm gì! Mình phải có lập trường vững vàng chú à. Cha mẹ có hòa thuận, gia đình có vui vẻ thì con cái mới phát triển tốt được. Thời bao cấp, vợ chồng tôi cũng phải chạy ngược chạy xuôi kiếm ăn từng bữa, cơm ăn bữa khoai bữa sắn, ngày ba tháng tám có khi còn phải ăn rau trừ cơm. Thế rồi cũng qua. Bây giờ hai đứa con gái của chúng tôi cũng có công việc ổn định, yên bề gia thất trên thành phố. Chúng hiếu thảo với chúng vợ chồng tôi lắm. Tôi nói thật lòng, thay vì cứ tự làm khổ mình, làm khổ vợ con, vợ chồng chú cứ chịu khó làm ăn nuôi các cháu ăn học nên người, rồi mai mốt sẽ ổn thôi.

- Nói thật với bác, từ khi vợ con bỏ đi, cháu đã suy nghĩ rất nhiều. Giờ bác nói… cháu đã nhận ra cái sai của mình và rất ân hận. Cháu thật không ra gì vì đã đối xử không tốt với vợ con mình. 

- Ngôi nhà muốn bình yên thì mỗi người trong gia đình phải bình yên trước đã. Sống như thế nào để gia đình luôn là tổ ấm, là niềm an vui thì mới là hạnh phúc thực sự… Nghe ông Lương thủ thỉ chân tình, Hùng hiểu mình cần phải làm gì. Anh đứng dậy rồi lững thững qua nhà ông Lương.

- Mình… tôi… tại tôi nông cạn, gia trưởng nên mới khiến mẹ con mình khổ như thế. Các con… tha lỗi cho ba, ba biết ba sai rồi! Nhìn má vợ vẫn còn ngang dọc những vết bầm tím do bàn tay, nắm đấm mình gây ra, nhìn ba đứa con chưa hết sợ hãi, đứng rum rúm nép vào người mẹ chúng, Hùng thấy mình thật đáng trách. 
Hùng cảm ơn ông Lương, bà Hiền rồi cùng vợ con ra về. Nắm lấy tay vợ, trao cho con cái nhìn trìu mến, Hùng thấy trân quý hơn hạnh phúc gia đình.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO