Hằng chuyển tinh khôi

Thích Thanh Thắng| 17/05/2017 15:22

"Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai" (Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai)...

HẰNG CHUYỂN TINH KHÔI…

Hằng chuyển tinh khôi

"Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai" (Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai).
Câu thơ trên của thiền sư Mãn Giác đã trở nên quá quen thuộc để người ta nhắc nhớ về một tinh thần lạc quan tin yêu cuộc sống. Nhưng vẻ đẹp của câu thơ này không chỉ ở những ngôn từ có tính chất triết lý kia, mà chính nó được thốt lên khi con người đang đi về phương tịch diệt, đó mới là vẻ đẹp thực sự của sự sống đang có mặt.
Triết lý không phải sự sống, tư tưởng cũng không phải sự sống. Chúng chỉ là cái vỏ bọc chết khô của ngôn từ. Bởi ngay khi thi nhân thấy pháp và trực cảm được sự sống đang có mặt thì hoa năm nào, hoa mùa nào cũng là hoa của vô cùng vô tận. Và khi nhận rõ pháp duyên sinh thì sức sống không còn khoảng cách nào của ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Vì vậy người nào biết thời khắc lấy tịch diệt làm an vui và nhận ra trong diệt có sinh, trong sinh có diệt, thì pháp thân trải rộng trong vô lượng nghĩa xứ, và dù xuân có tàn, ai đó cứ ngỡ hoa rụng hết, cũng vẫn còn một nhành mai của sức sống. Nhành mai kia có hoa hay không có hoa, đâu phải mất thời gian để phiếm bàn về nó, vì có sự sống nào rời khỏi cội cành của pháp duyên sinh đang có mặt.
Có một sức sống dù nhỏ nhoi âm thầm hiện diện thì vẫn còn hơn cái không còn gì. Sức sống hay tâm thức bao trùm ấy vượt qua hố thẳm của tư tưởng, khi nhân gian họ xem sự tàn úa, mất mát là tổn thất lớn lao bởi họ luôn phân định quá rạch ròi giữa hai miền sinh diệt.
Mãn Giác đã tịch diệt ư? Cái mà con người đang thấy là giới hạn không gian thời gian của ý thức, mà ý thức thì làm sao đủ sức mạnh của dung thông hòa hợp để thấy sắc tức là không mà không cũng tức là sắc.
Cái đang tàn đi, đang mất đi đó, đâu phải để trở thành cái không còn gì, cái đau khổ, cái ưu tư, cái khốn cùng, cái tàn mạt… Bông hoa biến mất trên cành như giọt sương mai biến mất khi ánh mặt trời rực rỡ, nhưng bông hoa, giọt sương, hay con người cũng từ pháp thân mà đến, tạm trú trong cái tướng vô thường của thế gian, chứ pháp thân vốn là cái bao trùm không gian, thời gian vô cùng vô tận.
Ý thức luôn sinh ra thị phi, vọng tưởng điên đảo, nên không thấy bông hoa đang nằm trong nhành hoa, tức là chỉ thấy các thực thể luôn tách rời không thể hòa nhập với pháp thân thường trú. Và càng chạy theo vọng ảnh của pháp trần thì càng rơi vào hố thẳm tư tưởng. Hố thẳm tư tưởng là địa ngục do chính con người tự xây cất lên, tự cảm thấy không còn lối thoát, dệt thêm lời ai điếu cho viễn ảnh mịt mùng.
Hóa thân tịch diệt nơi vạn vật cỏ cây hoa lá, thì bóng người đi vào mênh mông, bao trùm hết thảy các pháp. Vẻ đẹp của hoa nở hay vẻ đẹp của hoa tàn đều nằm trong pháp hằng chuyển tinh khôi.
Nếu mùa xuân là hoa tươi thì mùa nào chẳng có mùa xuân. Dù hoa mùa xuân, mùa hè, mua thu, mùa đông có nở thì cũng đến thời khắc nó phải úa tàn. Nhưng úa tàn là vô thường thì nở rộ sắc hương cũng là vô thường, không có vô thường thì không có cái sinh ra và cái mất đi. Cái mất đi chỉ là vọng ảnh của vọng kiến, nên cũng chẳng cần phải nhọc sức để vớt vát cho cánh hoa xuân đang tàn úa kia thêm một chút sắc hương nào cả, bởi pháp này sinh thì pháp kia sinh, pháp này diệt thì pháp kia diệt, pháp sinh diệt nơi pháp thân có vô lượng nghĩa xứ và vô lượng sức sống, hay nói theo ngôn ngữ của Tịnh cảnh là Vô lượng quang và Vô lượng thọ.
Nhìn đâu cũng thấy cái “chưa tàn”, nhìn đâu cũng thấy sức sống hằng chuyển, thì thấy pháp duyên sinh, mà thấy pháp thì mới thấy Phật tính bao trùm. Phật tính bao trùm thì hữu tình chúng sinh ra đời, pháp tính bao trùm thì vô tình chúng sinh xuất hiện. Phật tính và pháp tính dung thông, thì người và vạn vật cũng cùng chung một thể.
Thiền sư Huyền Quang và thiền sư Mãn Giác đã gặp nhau ở chỗ vô thường của thường tại, ở nơi vô sinh của thường sinh. Nên hai người dù ở hai thời đại khác nhau mà đọc thơ của họ vẫn thấm nhuần một vị.
“Người ở trên lầu, hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm, khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa là một
Giữa vùng hương sắc lộ hình dung.
Phương phi Xuân sắc, trắng hay vàng
Thời tiết tùy loài hợp sắc hương
Khi mọi loài hoa rơi chật đất
Dậu Đông hoa cúc vẫn chưa tàn”
(Hoa cúc - Huyền Quang)
Đọc những câu thơ này sao chẳng rung động đến tâm can. Nhìn hoa rơi mà thấy hoa nở, mà lộ ra hình dung của Chân Như, của Chân Nhân. Thi nhân cùng sinh diệt với hoa trong từng sát na, không còn hoa không còn người, thời khắc đó chỉ có vô ưu, vô biệt và vô tâm cùng hòa vào nhịp thở của sức sống hiện sinh đang có mặt.
Vẻ đẹp của hoa nở và vẻ đẹp của hoa tàn đều phiêu du trong pháp hằng chuyển sinh diệt.
Dù hoa đương thì, xuân đang tràn ngập, nhưng nhìn vào đó đâu phải để tìm một chút rộn ràng hư dối, bởi không ai thoả thuận được với pháp vô thường, và bởi hoa mùa nào cũng nở cũng tàn Như Vậy.
“Đêm qua sân trước một cành mai ”, hay “Dậu Đông hoa cúc vẫn chưa tàn” là sự tái ngộ nhân duyên, dù rời xa từ vạn kiếp, một bông hoa nở sẽ nở với muôn xuân, cũng như một chiếc lá vàng rơi là sự trở về của thiên thu vậy. Hoa tàn hoa nở nhưng chưa từng xa cách nhau bao giờ. Tâm và pháp bao trùm như ý xuân và nhành xuân đang tận nở. Thế thì sao chẳng đến với tin xuân trên vạn nẻo bến bờ, đâu phải chờ đợi một ngày mình già nua hay thêm tuổi.
Hoa và Xuân đều là cái giả danh, còn pháp vị chân như chẳng từng một lần đến hay đi, vậy thì đâu nhất thiết phải tưởng rằng xuân tàn hoa rụng hết... Chẳng có quyền uy nào làm cho hoa đang có trở thành không, vậy hà cớ gì sự tịch diệt lại cứ nghiễm nhiên nhuốm màu sắc thê thảm và ưu sầu đến vậy.
Người xưa mượn hoa xuân để nói pháp tịch diệt mà sức sống không ngừng từ muôn phương dội đến, đó chính là pháp hằng chuyển tinh khôi, cũng gọi là hiện pháp lạc trú!

(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Hằng chuyển tinh khôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO