Hà Nội vào thu

Hồ Huy| 27/08/2019 08:45

Hà Nội vào thu, như cô gái Hà Thành đổi mùa trong ngõ vắng. Ai thề lên tóc, ai nắng hảnh trời, ai chẳng nói chẳng rằng bối rối hoàng lan.

Hà Nội vào thu
Một chiều thu của hai mươi nhăm năm về trước tôi ngược hoàng hôn bồn chồn nán lại Long Biên. Từ trên cao, từ trên những thành cầu sắt nhấp nhô như vảy rồng, tôi thả hồn xuống dòng sông mùa thu, tôi lơ lửng bát ngát bãi bờ, ngờ ngợ một chút phù sa cuối mùa còn dư vị ngọt ngào yên thản sông trôi. Sông trôi về đâu mà dòng quanh dòng co, sông vắng ở đâu mà xanh rì xanh rào bờ bãi, sông ngủ ở đâu, sông thức ở đâu mà khẽ khàng vàng nhẹ lên Thành? Hà Nội vào thu như một dòng sông.
Cảnh tượng Hà Thành mở mắt thấy bầu trời, cúi mặt thấy sông trôi, khua tay dang chân thấy mình như đang cưỡi rồng khiến lòng tôi hăm hở. Và Hà Nội vào thu đã trở thành một thứ tình đầu mải miết, tôi ôm riết những vòng xe. Cưỡi trên chiếc Peugeot tôi đổ dốc bên kia cầu, dư thừa năng lượng mà xô gió, mà giật tóc, mà chớp mắt, mà ngẩn ngơ giai nhân. Không ở đâu và ở đâu tình cờ mà yêu thương bất ngờ như thứ mùa chuếnh choáng ấy. Hà Nội vào thu.
Mười tám tuổi đầu, tôi cũng gói ghém gia tài của mình, chập chững từ yêu thương này đến ngơ ngác những phồn hoa kia. Mùa thu Hà Nội như một bản nhạc báo thức đã reo vui âm hiệu của một tâm hồn. Xuyến xang những con phố trải dài gân trời, ngân ngất những vòm hoa trắng trắng xanh xanh, mơ màng lơ làng như một cung đàn xưa, để tôi nhớ dòng lưu bút của người bạn văn một thời: “… Này em! Trở thành người Hà Nội, có hoa sữa Nguyễn Du, em đừng quên đường Trưng Trắc quê mình…”
Hẳn là thế, Hà Nội vào thu luôn tạo cho người ta những lơ đễnh đáng yêu để đôi khi giật mình thảng thốt mà biết mình còn tồn tại trên đời. Màu cốm xanh Vòng, màu hồng ngả đỏ, màu sấu nâu trầm tư, giòn tan, cả những loài hoa đã làm nên yêu thương mùa thu Hà Nội. Nhưng với tôi Hà Nội thu không phải là “hoa sữa nồng nàn đầu phố đêm đêm”, cũng chẳng phải nơi tôi buông hồn chu du trên cây cầu thế kỷ. Đó là những khoảng trời gan ruột tôi để lại Hà Thành, tôi giấu ở Hà Thành, tôi lên men ký ức ngọt ngào mùa thu. Hoa hoàng lan gió ru…
Một ngày, nắng còn ấm áp là vậy mà gió đành lòng lạnh lùng đến thế, heo may thở dài len lỏi từ cửa sổ căn gác nhỏ tới con phố Điện Biên Phủ. Chẳng phải căng tai đã nghe lá cuộn mình gợn nhạc đêm sâu. Chẳng phải hít hà đã nghe hương hoàng lan ngọt như những đoạn tình vụng dại tha thẩn trên Phan Đình Phùng, Chu Văn An, Đội Cấn, Đại Cồ Việt, Tô Ngọc Vân… Hương hoàng lan chẳng ồn ào, hương hoàng lan không day dứt, hương hoàng lan không khiến người ta chùng lòng, nhưng lạ kỳ thay hoàng lan lại chọn mặt gửi vàng cho những rung cảm yêu thương. Bởi vậy người không tình khó lòng mà nhận ra chiều sâu bất tận của thứ hương bắt đầu trỗi lên bản giao hưởng Hà Thành vào mỗi buổi chiều chập choạng ánh vàng.
Vẫn là lạ thay hoàng lan không chọn chỗ đông người, nó thường thả tâm tư vào mỗi góc phố lắng, mỗi con đường vắng, hay đơn giản chỉ là những ngõ cùng hẻm cụt yêu thương. Khi buổi chiều xanh xao, hoàng lan nhấp nháp vào không gian thứ mùi hương lơ đễnh, tưởng chừng chỉ một chút nắng tàn hay một manh gió thoảng cũng đủ sức giết chết một hồn hoa mơ màng.
Khi những sương khuya còn chờ ánh sao mờ, hoàng lan hương sà sạt hương, từng cánh từng cánh chín những tơ tình cứ vàng lên ngời ngợi nhớ thương mê mải. Ai đã đã đi giữa những con phố nhỏ khuya khoắt Hà Thành, mùa thu giăng bẫy hương mê, cái thứ mùi hoàng lan mấy chục năm trời tôi không gọi nổi tên, chỉ biết là yêu đến mê cuồng.
Hoàng lan như một thứ bùa yêu, nó lây lan từ tâm tưởng kẻ này đến truyền đời kiếp kiếp kẻ kia. Vụng dại mà yêu, nhiệt thành mà đến, và khát khao thì ở lại. Tiếc thay đó chỉ là những cảm xúc đầu đời. Vậy nên với tôi, Hà Nội vào thu luôn là những tháng ngày nhớ thương day dứt.
Một ngày, cũng dịp vào thu, Hà Nội ngắm vuốt những nỗi buồn dịu dàng, tôi nhận được một cuốn sách nhỏ của Robert James Waller, giữa trang sách có ép một cánh hoàng lan cùng lời đề tặng chẳng giống một lời đề tặng nào: “Huy! Có thể một đời thương nhau, có thể một đời như không…” Tôi đã không thể đi tới định mệnh với “Những cây cầu ở quận Madison”. Đó cũng là lý do tại sao mà tôi luôn bị ám ảnh bởi những thân cầu, và dĩ nhiên Hà Nội vào thu năm nào chẳng vậy, hoàng lan vẫn vô cớ trải bùa cho những thương tận yêu tàn mà vẫn bình thản xanh chiều, vẫn ngọt vàng đêm đêm…
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội vào thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO