Các đơn vị ký cam kết tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm năm 2018. |
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có hơn 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018, Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP, gồm lãnh đạo các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng mỗi đoàn, kiểm tra công tác triển khai của các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và sở, ban, ngành trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý. Mặt khác, các đoàn sẽ đẩy mạnh kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khu vực được phân công.
Tại hội nghị, đại diện các Sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều nêu quyết tâm hành động vì chất lượng ATTP bằng nhiều hình thức như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP.
Riêng Công an thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát chất lượng ATTP đối với các loại thực phẩm lưu thông trên địa bàn. Bên cạnh đó, phát hiện, điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là đối với hàng giả, hàng nhập lậu, rượu có chất độc hại, chuyển truy tố các vụ nghiêm trọng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội kiên trì công tác quản lý, bảo đảm ATTP vì sức khoẻ cộng đồng và được Chính phủ đánh giá cao. Không chỉ ban hành đầy đủ văn bản, chỉ thị, hướng dẫn..., Hà Nội đã quán triệt sâu sắc và siết chặt công tác quản lý ATTP từ cấp thành phố cho tới quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Đồng chí Nguyễn Văn Sửu cho rằng, Hà Nội là địa bàn "nóng", tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, trong khi đó, nhân lực chuyên trách quản lý ATTP còn hạn chế. Mặt khác, công tác quản lý an toàn thực phẩm là lĩnh vực rộng, nhạy cảm..., vì vậy cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn nữa của các ngành, các cấp.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sửu, năm 2018 bắt đầu triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP, ngày 2-2-2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Nghị định này thể hiện sự thay đổi về tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Cùng với đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của địa phương cũng được tăng cường.
Đồng chí Nguyễn Văn Sửu cho rằng, thành phố đã đưa vào sử dụng 5 xe kiểm nghiệm nhanh ATTP lưu động, vì vậy, khi tiến hành kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra cần đưa các xe kiểm nghiệm vào sử dụng thường xuyên.
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2018 - đã có kế hoạch triển khai rất cụ thể, đồng chí Nguyễn Văn Sửu lưu ý thêm về vấn đề kiểm soát tình trạng ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp). Hà Nội phải tập trung chỉ đạo quản lý các điểm kinh doanh, sản xuất rượu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh mô hình kiểm soát ATTP. Đồng chí Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các đơn vị đã ký cam kết quản lý, tuyên truyền về ATTP thì cần phải thực hiện cho tốt, tuyệt đối không được có tâm lý buông xuôi.
Cũng tại hội nghị, các Sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các Báo Hànộimới, Kinh tế & Đô thị, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã ký cam kết tăng cường công tác truyền thông về ATTP năm 2018.