Hà Nội có kế hoạch xây dựng đường sắt đô thị thay thế tuyến buýt nhanh BRT
UBND Thành phố Hà Nội vừa mới có phương án xây dựng thêm 6 tuyến đường sắt đô thị, trong đó 1 tuyến sẽ thay thế hệ thống BRT Kim Mã – Yên Nghĩa đi qua trục đường Lê Văn Lương bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tiến hành cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội, tập trung vào việc thực thi chính sách và pháp luật liên quan đến bảo đảm trật tự và an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong hơn 10 năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT), hiện nay công tác này vẫn đang được tiếp tục trong đó thành phố đặt ra mục tiêu đến sau năm 2030 sẽ phát triển các loại hình vận tải công cộng khối lớn để giảm xe cá nhân, trong đó có dừng xe máy trong khu vực nội đô.
Để thực hiện chủ trương này, hiện thành phố đang bám sát các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016. Theo các quy hoạch này, giai đoạn từ 2011 đến 2030 thành phố xây dựng 8 tuyến nhanh - BRT nhưng hiện nay mới làm được 1. Nhưng do mới có 1 tuyến và xây dựng làn đường ưu tiên trên cơ sở lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương có lưu lượng giao thông đông nên các đơn vị vận hành có cố gắng nhưng việc hoạt động, khai thác của tuyến đang có nhiều hạn chế.
Theo ông Tuấn, BRT là tiền đề để chuẩn bị cho đường sắt đô thị. Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016 thành phố có 8 tuyến BRT nhưng hiện nay mới làm được 1. Nhưng tuyến BRT này tỏ ra rất hạn chế vì lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương làm đường ưu tiên.
"Buýt nhanh trở thành buýt thường, buýt chậm. Điều chỉnh quy hoạch chung có lĩnh vực giao thông, thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11", ông Tuấn nói.
Tuyến BRT số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa được đưa vào sử dụng tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng). Tuyến dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe. Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm, làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng.
Ông Tuấn cho biết, nếu Hà Nội hoàn thành kế hoạch xây dựng 400 km đường sắt đến năm 2035 thì việc hạn chế xe máy mới trở nên khả thi.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng hệ thống BRT là bước chuẩn bị quan trọng cho việc triển khai hệ thống đường sắt đô thị. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1 trong 8 tuyến BRT được triển khai theo quy hoạch. Tuyến BRT số 01 Kim Mã-Yên Nghĩa, được đưa vào hoạt động từ tháng 12-2016 với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc và ô nhiễm, hiện đang gặp phải nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thông báo rằng thành phố sẽ thay thế tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11./.