Tác giả - tác phẩm

Góc nhìn mới lạ về Hà Nội và những suy tư về đất nước

Thụy Phương 09/10/2023 07:32

Sau tập tản văn “Hà Nội còn một chút này” với đề tài viết về vùng đất kinh kỳ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục ra mắt cuốn sách “Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn”, bộc lộ những trải nghiệm và suy tư về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Cùng với hàng loạt những dự án, đề tài đang thực hiện, thì việc “trình làng” bạn đọc 2 cuốn sách mới ở tuổi ngoài 60 cho thấy một sức viết đáng nể và cả độ chín về tài năng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.

Buổi giao lưu ra mắt sách đã được Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức tối ngày 8/10 trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội lần thứ VIII năm 2023.

lang-lang-pho-pho.jpg
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (bên phải) chia sẻ tại buổi giao lưu giới thiệu sách.

“Hà Nội còn một chút này” – góc nhìn độc đáo, mới lạ về Hà Nội

Nói đến Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến hồ Gươm xanh, đến những phố Hàng, đến chất giọng Hà Nội, đến tên gọi Kẻ Chợ, rồi phố Tràng Tiền, ô Chợ Dừa, ô Cầu Dền, thành Hà Nội… Nhưng vì sao nước hồ Gươm xanh? Từ bao giờ và làm thế nào mà giọng pha tạp của người tứ chiếng đến Hà Nội dần trở thành giọng chuẩn của phương ngữ Bắc? Có ai biết rằng phố Tràng Tiền là con phố duy nhất của Hà Nội có mái hiên che kín vỉa hè?... Rồi còn rất nhiều những câu hỏi khác về quảng trường, những con phố, những cửa ô, ga tàu, khu chợ, nhà hàng, những món quà sáng hay thú chơi xe, chơi chó, chơi xổ sổ ở Hà Nội… tất cả đã được nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến giải đáp qua những trang viết trong tập sách “Hà Nội còn một chút này”.

ha-noi-con-mot-chut-nay-3.jpg

Cuốn sách dày gần 400 trang do Nxb Hội Nhà văn liên kết Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ấn hành, ra mắt bạn đọc từ năm 2022, đưa người đọc đến với muôn vẻ của Hà thành từ chuyện người, chuyện phố, chuyện cổ, chuyện kim, từ chuyện thị thành đến ngoại ô thành phố... Với sự quan sát tỉ mỉ ở cả bề rộng lẫn chiều sâu, kết hợp những trải nghiệm thực tế của một người hằng ngày gắn bó với Hà Nội; với những điều tra, khảo cứu trong thư tịch, sách vở, cùng lối viết hóm hỉnh Nguyễn Ngọc Tiến cho bạn đọc thấy một Hà Nội thú vị và phong phú biết bao. Đó là một Hà Nội in dấu qua những câu chuyện lịch sử, địa lý, văn hóa và cả những câu chuyện nhỏ nhặt trong đời sống, nếp sống của dân thị thành.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến bộc bạch, mỗi khi cầm bút viết về Hà Nội, ông luôn tâm niệm: phải viết điều gì độc đáo, kể những câu chuyện khiến người khác muốn nghe. Vẫn là những phố ấy, những nhân vật, sự kiện ấy, nhưng ông không bao giờ viết lại những điều đã biết, nói lại những điều người ta nghe đã nhàm.

“Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn” - chắt lọc những trải nghiệm và suy tư về đất nước

Nguyễn Ngọc Tiến viết về Hà Nội nhiều và hay, điều đó nhiều người đã biết. Nhưng Nguyễn Ngọc Tiến còn viết rộng hơn thế, ông viết về đất nước mình cũng phong phú và thú vị không kém. Và cuốn sách “Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn” là một minh chứng. Không chỉ chắt lọc những trải nghiệm và suy tư về đất nước của tác giả, cuốn sách còn lắng đọng niềm trăn trở của một khách phong trần nặng tình núi sông.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, trong một lần đặc biệt khi có cơ hội được nghỉ lại trong Hoàng thành Huế, ông đã chọn nằm nghỉ ngay trên nền điện Càn Thành. Nền điện này xưa kia từng là cấm cung sang trọng và lộng lẫy, dùng làm chỗ nghỉ của các vua nhà Nguyễn, nhưng nay chỉ còn là một nền đất hoang lạnh. Trong bối cảnh và không gian đặc biệt đó, tác giả có cơ hội suy ngẫm về lịch sử, từ đó liên tưởng và suy ngẫm về hiện tại, về thế thái nhân tình.

qua-dem-o-nha-cac-vua-nguyen-2.jpg

Cuốn sách “Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn” tập hợp các bài viết thể hiện quan điểm, suy ngẫm của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Nào chuyện chống dịch và chống giặc; nào chuyện vua quan – xưa và nay; rồi những tản mạn về văn hóa và loanh quanh những chuyện đời.

Đất nước trên trang viết của ông có khi nhọc nhằn và đau khổ theo chân những người đồng bào chạy dịch Covid từ Nam ra Bắc, lại có khi phong tình quyến rũ trong hương vị của “mắm Nghệ, lòng giòn, rượu ngon, cơm trắng”. Đất nước trong suy tư của Nguyễn Ngọc Tiến có những vang bóng và suy tàn của những giá trị văn hóa, có những huyền thoại của lịch sử anh hùng và bao điều nhũng loạn của thời buổi rối ren.

Đối với Nguyễn Ngọc Tiến, lịch sử chứa đựng những câu chuyện gợi cho ta nhiều suy ngẫm về thực tại hôm nay. Đó có thể là cảm xúc tự hào, say mê nhưng cũng có thể là nỗi trăn trở, ngậm ngùi về những giá trị vang bóng và suy tàn.

Đọc “Hà Nội còn một chút này” “Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn” của Nguyễn Ngọc Tiến, người đọc dễ dàng nhận thấy “phong vị” của cả khảo cứu lẫn tùy bút; cái khách quan của người làm báo và cả cái đa tình của người viết văn. Phía sau mỗi trang sách có thể cảm nhận được tình yêu sâu lắng với Hà Nội, niềm thiết tha, đau đáu với đất nước quê hương.

“Tất cả những nội dung mà tôi đề cập trong hai cuốn sách đều là những cái rất mới, rất lạ, ít xuất hiện trên mạng xã hội. Mong muốn của tôi là mang đến cho bạn đọc sự hấp dẫn, để không hối tiếc khi đọc tác phẩm này”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến bộc bạch. Ông cũng cho hay, mình vừa hoàn thành bản thảo cuốn sách “Làng làng phố phố Hà Nội” viết tiếp câu chuyện thú vị, hấp dẫn của Hà Nội hôm nay. Hi vọng cuốn sách sẽ sớm được xuất bản và ra mắt độc giả./.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958, có gần 30 năm làm phóng viên cho báo Hà Nội mới. Hơn 30 rong ruổi với chữ nghĩa, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm dày dặn thuộc nhiều thể loại. Bên cạnh hàng nghìn bài báo, là các sách khảo cứu, tiểu thuyết, tập truyện ngắn… Có thể kể tới tập khảo cứu, ghi chép: “5678 bước quanh hồ Gươm”, “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội”, “Chuyện quanh quanh Dâm Đàm”, “Chuyện Thăng Long kẻ - Hà Nội hàng”, “Hà Nội còn một chút này”; tập truyện ngắn “Phần mềm tình yêu” và các tiểu thuyết “Me Tư Hồng”, “Lính Hà”, “Mong manh”. Ông từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 2012.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ra mắt bộ sách đặc sắc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi
    Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (17/5/1925 – 17/5/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách đặc biệt gồm 8 tác phẩm tiêu biểu, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang nhằm tôn vinh một trong những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam.
  • “Lính thời bình” - những trang ký sự ấm nóng, đượm nghĩa tình
    Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra mắt cuốn ký sự “Lính thời bình” của Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng – một cây bút đã gắn bó trọn ba thập kỷ với nghiệp lính và nghiệp báo. Đây là tập sách ký sự độc lập thứ 3 của anh trong vòng hai năm trở lại đây, tiếp tục khẳng định sức bền lao động nghệ thuật và chiều sâu vốn sống quân ngũ.
  • Truyện tranh: Khi văn hóa - lịch sử “kết duyên” cùng hội họa
    Sáng 11/5, tọa đàm "Truyện tranh: Khi văn hóa – lịch sử “kết duyên” cùng hội họa" do NXB Kim Đồng phối hợp với Viện Pháp tổ chức đã diễn trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của dự án phát triển truyện tranh tại Việt Nam và Những ngày văn học châu Âu 2025. Sự kiện được tổ chức nhân dịp ra mắt hai cuốn truyện tranh "Ký ức kiều bào: Lính thợ – Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II" và "Ký ức kiều bào: Chân đăng – Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới". Hai tác phẩm như lát cắt lịch sử sinh động, tái hiện bằng hình họa và màu sắc số phận những người Việt tha hương giữa thế kỷ XX đầy biến động.
  • Dấu ấn tuổi thơ Bác Hồ qua trang viết của nhà văn Sơn Tùng
    Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản lần thứ ba tác phẩm "Bông sen vàng" của nhà văn Sơn Tùng – một trong những cuốn sách tiêu biểu viết về thời niên thiếu của Bác.
  • Ra mắt cuốn sách “Việt Nam – Ăn mặc thong dong”
    Công ty cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) phối hợp với Nhà Xuất bản Lao động vừa cho ra mắt độc giả cuốn sách “Việt Nam – Ăn mặc thong dong” của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Tác phẩm thuộc Tủ sách Văn hóa Việt giới thiệu những nét đặc trưng và độc đáo trong văn hóa ăn mặc của các dân tộc Việt Nam.
  • PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời ở tuổi 84
    PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, người sáng lập và chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony đã qua đời vào sáng 6/5 tại Bệnh viện Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư dạ dày. Ông hưởng thọ 84 tuổi.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Góc nhìn mới lạ về Hà Nội và những suy tư về đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO