Giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật " Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Di sản cho mai sau”
Triển lãm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau và trưng bày Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam tại Bảo tàng TPHCM (Quận 1) mở cửa sáng 23/8. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh" nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Trưng bày sẽ kéo dài đến hết 31/10/2024.
Triển lãm thu hút khá đông khách tham quan sáng 23/8. Nhiều người cho rằng cách bày trí khá độc đáo khiến những ai đến đây đều cảm nhận rõ nét không gian đậm chất kinh đô hiện diện ngay giữa trung tâm TPHCM.
Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội di tích quan trọng bậc nhất, đại diện tiêu biểu trong dòng chảy lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội.
Theo đó, trưng bày “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, gồm chủ đề: Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản của nhân loại; Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản nghìn năm; Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau.
Trưng bày cũng diễn giải làm nổi bật hơn một số hiện vật tiêu biểu thông qua ứng dụng công nghệ 3D, QR Code, đem đến cho du khách những hiểu biết đầy đủ hơn về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Thông qua trưng bày, triển lãm, TP Hà Nội mong muốn giới thiệu tới khách tham quan và công chúng TP Hồ Chí Minh những di sản quý giá của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những di sản được UNESCO vinh danh như: Di sản Văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; Di sản tư liệu thế giới 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trưng bày “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” gồm 3 chủ đề:
Chủ đề 1- “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản của nhân loại”, giới thiệu dấu mốc quan trọng trở thành di sản thế giới vào năm 2010 của khu di sản và những giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO vinh danh.
Chủ đề 2- “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản nghìn năm”, giới thiệu hệ thống các di tích và di vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long trải qua hơn 1.000 năm lịch sử như Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu... trong đó làm nổi bật bộ sưu tập hiện vật rồng, phượng. Đặc biệt, trong chủ đề này giới thiệu về các hiện vật/nhóm hiện vật có thể hiện hình tượng rồng đã được Chính phủ Việt Nam công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đây là những dấu tích vật chất minh chứng cho lịch sử hào hùng của Thăng Long- Hà Nội và là những giá trị cốt lõi làm nên bề dày lịch sử của khu di sản nghìn năm tuổi.
Chủ đề 3- “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới tại khu di sản. Đặc biệt, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, dựa trên những kết quả nghiên cứu bước đầu, Trung tâm đã từng bước tiến hành phục dựng không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê và Lễ Chính đán thời Lê, góp phần từng bước khôi phục không gian, diện mạo của Hoàng thành Thăng Long xưa. Trưng bày cũng diễn giải làm nổi bật hơn một số hiện vật tiêu biểu thông qua ứng dụng công nghệ 3D, QR Code, đem đến cho du khách những hiểu biết đầy đủ hơn về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long./.