Cứ cuối mùa hè, bắt đầu có heo may là chị gái lại rủ tôi gieo hạt cải. Những hạt cải màu nâu sẫm, tròn li ti nhỉnh hơn hạt vừng tí chút, được phơi khô từ hồi cuối xuân, đựng vào một chiếc lọ có nút lá chuối, trên gác bếp được lấy xuống. Chị bảo tôi, lấy chút nước ấm ngâm cho hạt nở ra và hôm sau thì gieo vào luống đất đã chuẩn bị sẵn, tơi xốp, mịn màng như rây bột. Ngày nào tôi cũng ra ngắm cây. Con bé hay tò mò là tôi, mê mẩn gọi những mầm cây bé tí, đội trên đầu những “chiếc mũ” màu nâu li ti ấy là “cải nhi đồng” rồi “cải thiếu niên”. Chẳng mấy chốc, hai chiếc lá tai bé tẹo, tròn xoe, xanh lục trong veo, nhường chỗ cho những chiếc lá dài nõn nà như những bàn tay nhỏ xíu vẫy gió.
Những luống cải xanh ngọt con mắt hồn nhiên uống sương giá, nước mưa, khí trời, cả nước mát từ chiếc ô doa của chị em tôi. Và dường như nó biết nghe cả lời ru em ngái ngủ của mẹ vọng ra từ khung cửa, lời ca da diết nhớ thương ai của chị gái tôi hoà trong tiếng thoi... để rồi, cây cải vụt vươn thành những cô cải, chị cải, bác cải đem lại ấm no, hạnh phúc, vẻ đẹp... và cả niềm đam mê cho con người.
Cải quê tôi khác hẳn mọi nơi, nó là thuần giống cổ xưa. Từ khi gieo hạt đến hết đời cây, tầm bảy, tám tháng. Trồng cùng nhau, các loại rau khác đã sẵn sàng cho thu hoạch mà cải vẫn... thiếu niên. Chị tôi cười bảo: cải là loài cây ban đầu chậm lớn, nó tựa như cô gái dậy thì muộn, nhưng tương lai thì rất xinh đẹp, nết na. Ai muốn có nàng phải biết chăm sóc, gắn bó và chờ đợi. Rồi chị đọc cho tôi nghe câu ca của người xưa:
“Muốn ăn rau cải cho thanh
Thài lài rau rệu bảnh thành bờ ao”.
Nhà tôi có một mảnh vườn xinh xinh bên bờ Sông Sứ trồng cải. Xung quanh rào bằng giậu tầm xuân chi chít đơm hoa.
Chăm cải là thú vui của chị em tôi. Cây cải non rất dễ thương, lá xòe như những cánh hoa xanh, xinh xắn. Chúng tôi thường “tỉa lá chân” cho khỏi “hãm cây”. Mớ rau lá non bấy, mềm mại, mang về nấu canh hay luộc. Những ngày cuối thu, đầu đông, cơn gió heo may khô se, làm cho người ta có cảm giác xót ruột. Đánh lờ được mấy con rô, hay bắt được mớ cua đồng ăn màu lúa mà nấu bát canh rau cải thái nhỏ với mắm tép, thêm vài lá gừng tươi, chẳng cần bột canh hay mì chính... Mới chỉ những kể ra thôi, cũng đủ để đánh thức thần khẩu của bao người có tiếng là sành món ăn dân dã.
Tháng Chạp là cữ thu hoạch cải. Không nói ngoa, giống cây cải cực kỳ “đại bác” là niềm kiêu hãnh của người làng tôi. Chúng cao tầm bảy, tám mươi phân, thậm chí hàng mét, bẹ to lớn như bốn ngón tay chụm lại, xoà rộng như cái nơm úp cá, có cây nặng sáu bảy cân. Ngồng cải nhu nhú tròn lẳn như cổ tay, đem luộc chấm mắm tép, hay xào tỏi, cắn ngập chân răng, nuốt vào lòng rồi mà vị ngọt ngon vẫn đọng mãi nơi đầu lưỡi, cuối họng. Thân lá còn lại đem rửa sạch, nén cả cây trong chum lớn, ăn đến tận sát mùa hè sang năm, hoặc thái lát, muối xổi với hành. Khi nhà tát ao, có được con cá chép mà om dưa chua thì thật là... đại tiệc! Bằng không, dưa chua vắt thật kỹ, chấm mắm cáy, ăn với cơm gạo mùa, hoặc bắt được mẻ cá vụn mà nấu canh dưa với thì là, hành, thêm vài quả cà chua thóc ăn với rau diếp mùa này cũng đâu kém phần... quan trọng ở đời.
Với cây cải, ngoài sự cung cấp thực phẩm ngon nó còn là niềm khắc khoải chờ mong của chúng tôi mỗi độ xuân về: mùa hoa cải. Thật ra, hoa cải không sang trọng, kiêu sa như một số loài hoa khác nhưng nhìn vào ta lại thấy đắm say. Không cần chậu hay bình cầu kỳ, cải đẹp hồn nhiên, duyên dáng, mặn mòi, mộc mạc, hồn quê. Mỗi mảnh vườn cải đều lưu dấu một màu vàng bừng sáng trong nắng ấm. Đó là sắc màu của sự mê mải, như kéo, như níu người ta. Đẹp dịu dàng như thế, mong manh như thế, hiền lành và chờ mong như thế, nào ai chẳng day dứt khi bước chân đi.
Mỗi buổi ra thăm vườn, nhìn những cô cải xanh non phây phây tháng trước, giờ đây đã trở thành những chị cải với chùm lá màu vàng chanh chững chạc mà lòng xôn xao. Tôi mê mẩn với những ngồng cải thô tháp vươn cao, nhưng nó lại đang nâng đỡ hàng chục nhành, hàng nghìn, hàng vạn cánh hoa vàng tươi, nhỏ nhắn, mỏng tang như cánh bướm, thơm mùi thương nhớ, dập dờn, toả hương hăng hắc, nồng nàn cùng gió mùa Đông Bắc.
Sở dĩ tôi đặt tên mùi của loài hoa này là “mùi thương nhớ” bởi nó có lý do riêng. Đấy là một sáng mùa đông, cô gái mười bảy tuổi ấy là chị tôi, tiễn một người đi xa. Họ đứng bên vạt cải trổ hoa vàng do chính tay họ chăm bón. Con Sông Sứ hiền lành soi bóng. Bên kia là bờ sông, là cánh bãi dâu xanh ngút ngàn.
- Cải ơi, cải ở lại nhé em, cải đừng sang sông, hãy đợi tôi về...!
Và chiến tranh đã không cho anh giữ được lời hứa. Nhành hoa cải anh mang trong tim đã mãi mãi cùng anh “về trời” trong nỗi nhớ thương vô hạn đeo đẳng suốt một đời trinh nữ của chị tôi.
Trong một năm, chị chỉ mong sao cho đến mùa đông, người con gái nơi chị ngày ấy, bấy lâu đã thành chị, thành bà. Những buổi chiều muộn, chị thẫn thờ cùng vạt cải ven sông. Những bông cải đẹp hiu hắt buồn. Chị lẩm rẩm đọc lại câu thơ cũ, nhìn cánh bèo đơn côi trôi về nơi vô định, vạt dâu bến sông nay đã xơ xác khác xưa... Một nhành hoa cải rũ xuống chân chị.
Năm nào hoa cải cũng khóc...!
Rồi làng quê thành phố thị, con Sông Sứ được khơi rộng ra để phục vụ tưới tiêu và lấy nước sạch cho nhà máy nước. Bãi dâu bên sông cũng biến mất, nhường chỗ cho những nhà tầng cao, tầng thấp kín mít, nhấp nhô... Chỉ còn vạt hoa cải bên này sông là tương phản, bẽ bàng, lạc lõng bị người đời bỏ quên, đến hẹn, hoa lại về cùng chị bên bến sông này...
Và rồi, cách đây vài năm, chị tôi cũng lại mang màu hoa cải về trời. Cũng chẳng có “rau răm” để mà “chịu lời cay đắng”. Tôi cũng theo chồng làm ăn tận xứ xa. Chỉ còn lại mảnh đất trồng cải, bên sông bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm.
Bây giờ, giống rau cải cay, cho thứ rau ngon và hoa to đẹp ngày xưa của làng tôi, gần như mất giống. Người ta ưa trồng những loại cải, cây nhỏ xíu, gieo thẳng, ngắn ngày, có loại cuộn tròn tựa như rau bắp cải. Cải giống mới, nhập ngoại, năng suất, nhưng ăn ít đậm đà và hoa thưa thớt khẳng khiu. Nhưng bù lại, cải được trồng đại trà, chuyên canh, lấy rau và lấy hạt xuất khẩu chế dầu ăn.
Không ít lần, tôi mời bạn bè về thăm quê giữa mùa hoa cải. Chúng tôi rủ nhau về xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, Thái Bình - nơi có cánh đồng cải đại ngàn ven Sông Hồng. Những người ngắm cảnh, những thợ săn ảnh, những cặp nam thanh nữ tú, chán chốn đô hội, đua nhau tìm về.
Tôi mê cây cải đến mức, nhiều khi vẩn vơ, rất hay tọc mạch về những gì liên quan đến nó. Đã có lần, tôi đọc được một giai thoại lich sử về cây cải, rau răm và lời của một bài ca. Tôi không tin lắm vào câu chuyện buồn của Hoàng tử Cải và bà phi tên Răm trong cuộc trốn chạy quân Tây Sơn ra đảo thời hậu Nguyễn mà đã trở thành “nhân vật” chính của bài ca ai oán làm xót lòng của con người bao thế hệ.
Người xưa thực tế, giản dị mà sâu sắc lắm. Nên tôi lại có chút nghiêng sự ủng hộ về một ý kiến nhận định thế này: cải là loại rau chủ lực trong bữa ăn, được trồng hàng vườn, hàng cánh đồng, trong khi răm chỉ được coi như một thứ rau gia vị, được trồng nhiều lắm là một đám con con trong vườn, dùng nhiều lắm cũng chỉ dăm ngọn cho vào bắp cải muối, hoặc một đĩa con đôi ba ngọn ăn kèm trứng vịt lộn. Vì thế mà có câu ca dao như thế nói về sự “phân biệt” đối xử. Cải được lên trời còn răm suốt đời ở đất...
Và bạn đọc của tôi! Tôi biết, bạn cũng đang có chính kiến của riêng mình...
Mùa hoa cải năm nay lại đến, tôi nhớ quê; nhớ chị gái mình; nhớ mảnh vườn xưa xinh đẹp với vô vàn kỷ niệm buồn vui; nhớ câu chuyện buồn gắn liền với mùa hoa định mệnh của một kiếp người; nhớ cánh đồng hoa cải huyền thoại đẹp như tranh ven Sông Hồng; Nhớ những bài khảo cứu, tranh luận về những lời ca... mà bất giác rưng rưng nhẩm đọc câu ca:
“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”