Văn học - Nghệ thuật

Giải thưởng Inoue Yasushi - thúc đẩy nghiên cứu văn chương Nhật tại Việt Nam

Yến Ly 10/12/2023 06:51

Ngày 9/12, tại Hà Nội, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam kết hợp Quỹ Tưởng nhớ Inoue Yasushi đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Inoue Yasushi lần thứ sáu.

Quỹ Tưởng nhớ Inoue Yasushi và Giải thưởng cùng tên

Quỹ Tưởng nhớ Inoue Yasushi và Giải thưởng được lấy theo tên nhà văn người Nhật Inoue Yasushi (1907 - 1991). Quỹ được thành lập vào năm 1992 để tưởng nhớ đến các tác phẩm và theo nguyện vọng của tiểu thuyết gia quá cố Inoue Yasushi. Các hoạt động chính của tổ chức này bao gồm: trao giải thưởng Inoue Yasushi cho cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp cho sự phát triển và quảng bá văn hóa Nhật Bản, thực hiện công tác thu thập tài liệu và nghiên cứu chuyên sâu về văn học Nhật Bản và tổ chức các hội thảo giảng dạy về văn học cận đại Nhật Bản.

nha-van-inoue-yasushi.jpg
Nhà văn Inoue Yasushi (1907 - 1991).

Inoue Yasushi là cây bút tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử, tùy bút, thơ ca… Ở thể loại tiểu thuyết lịch sử, ông còn khai thác đề tài về lịch sử và văn hóa Tây Vực của Trung Hoa qua các tác phẩm như Đôn Hoàng (Tun-Huang) Mái ngói Tempyo (The roof tile of Tempy)… Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình/ phim điện ảnh. Năm 1976, ông được trao huy chương vì những cống hiến về Văn hóa của Nhật Bản. Từ năm 1981 đến năm 1985, ông là hội trưởng của Hiệp hội tác gia Nhật Bản (Pen Club).

Giải thưởng Inoue Yasushi trao cho Cuộc thi Luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản có hai hạng mục xét giải: Hạng mục dành cho các nhà nghiên cứu và hạng mục dành cho sinh viên. Giải thưởng cuộc thi này chỉ xét cho cá nhân, không xét giải cho nhóm tác giả. Thành phần Ban giám khảo gồm có: PGS.TS Phan Hải Linh (trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội); Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản Phan Nhật Chiêu (trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh); nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

gt3.jpg
Các đại biểu tham dự Lễ trao giải.

Cuộc thi Luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản - Giải thưởng Inoue Yasushi lần thứ 6 diễn ra từ 4/11/2022 - 31/8/2023 với 9 bài dự thi ở hạng mục dành cho nhà nghiên cứu và 10 bài ở hạng mục dành cho sinh viên. Kết quả cuộc thi được trao cho:

Hạng mục dành cho nhà nghiên cứu: Giải Nhất thuộc về tác giả Nguyễn Lê Phương Trình với đề tài Đặc điểm các sáng tác Tư tiểu thuyết (Shishosetsu) của Dazai Osamu; giải Nhì được trao cho tác giả Lê Thị Phương Tâm với đề tài Diễn ngôn về giới trong sáng tác của Banana Yoshimoto.

Hạng mục dành cho sinh viên đã được trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Sỹ Hiếu với đề tài Hình tượng cái bóng trong truyện ngắn của Akutagawa Ryunosuke; giải Nhì được trao cho tác giả Nguyễn Mai Anh với đề tài Con người phi lý trong sáng tác của Abe Kobo - Trường hợp “Người đàn bà trong cồn cát” và “Khuôn mặt người khác”.

Thúc đẩy giao lưu văn chương Việt - Nhật

Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Kuroda Hidehiko - Giám đốc điều hành Quỹ Tưởng nhớ Inoue Yasushi cho biết: Từ năm ngoái, việc quản lý Quỹ Tưởng nhớ Inoue Yasushi đã được trao cho cháu của nhà văn Inoue Yasushi. Bên cạnh các lĩnh vực kinh tế, chính trị, du lịch..., hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Việt - Nhật vô cùng cần thiết và quan trọng. Vì lẽ đó, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong kết nối này.

gt2.jpg
Ông Kuroda Hidehiko - Giám đốc điều hành quỹ Tưởng nhớ Inoue Yasushi phát biểu tại Lễ trao giải.

“Cuộc thi Luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản năm nay đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, các tác phẩm dự thi đều gia tăng về số lượng và chất lượng. Điều này cho thấy sự lan tỏa của cuộc thi và mức độ quan tâm của độc giả Việt với văn chương Nhật Bản. Đồng thời, cuộc thi đã thúc đẩy những nghiên cứu về văn chương Nhật tại Việt Nam, mang đến những kết nối, giao lưu văn chương Việt - Nhật…”, Giám đốc điều hành quỹ Tưởng nhớ Inoue Yasushi khẳng định.

Trong cuộc thi năm nay, phạm vi đề tài được mở rộng (từ các vấn đề kinh điển đến các vấn đề cận đại, hiện đại như diễn ngôn giới, liên văn bản…); thành phần dự thi đông đảo và phong phú từ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp đến các sinh viên với nhiều độ tuổi khác nhau - đó là một tín hiệu đáng mừng.

gt1.jpg
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - Đại diện Ban giám khảo phát biểu tại Lễ trao giải.

“Hầu hết các tác giả luận văn đều chưa sử dụng được tiếng Nhật để đọc tác phẩm và tư liệu bằng ngôn ngữ gốc của nhà văn. Và đã có một số tác giả cố gắng đọc từ bản gốc tiếng Nhật đồng thời đối chiếu song song với các bản tiếng Anh và tiếng Việt nhằm tiếp cận xác thực hơn tác phẩm văn học được nghiên cứu. Điều này rất đang được khuyến khích”, nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh.

Chia sẻ cảm xúc khi nhận được Giải thưởng Inoue Yasushi lần thứ 6, các tác giả đoạt giải đều chung niềm vui bởi nhờ tham gia cuộc thi mà được thúc đẩy tìm kiếm và hiểu biết nhiều hơn về văn chương Nhật Bản.

Thế giới văn chương luôn mở ra những cánh cửa độc đáo, thú vị. Ở thế giới đó, thi thoảng sẽ “cho ta thấy câu trả lời của vô số thân phận khác biệt trước những bất định, hạnh phúc và cả sự phi lý của đời sống. Hy vọng rằng mỗi người trong chúng ta cùng với quá trình gắn kết với văn chương, cũng sẽ tìm thấy được câu trả lời cho cái tôi và ngôi nhà mà mình có thể quay trở về” (chia sẻ của thí sinh Nguyễn Mai Anh).

gt4.jpg
Đại diện Ban Tổ chức, Ban Giám khảo chụp ảnh kỷ niệm với các thí sinh đoạt giải.

Và đặc biệt, “văn chương Nhật Bản kì thực là văn chương của văn hóa, tôn giáo, triết học và cả thế giới quan của con người Nhật Bản. Đó là nền văn học đầy gợi mở và có tính kết nối các cảm thức mỹ học từ truyền thống đến hiện đại mà không có sự đứt gãy. Vì thế, khi chạm vào kho tàng văn chương của xứ sở mặt trời mọc, chắc chắn rằng trong mỗi chúng ta đều phải có một lòng nhiệt thành, say đắm trong vẻ đẹp đó” như lời chia sẻ của tác giả Nguyễn Lê Phương Trình./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng Inoue Yasushi - thúc đẩy nghiên cứu văn chương Nhật tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO