Giới thiệu về “đứa con tinh thần” mà mình cùng nhóm tác giả đã dày công nghiên cứu thực hiện, nhiếp ảnh gia Lê Bích khẳng định cuốn sách không chỉ đơn thuần nghiên cứu về tranh dân gian Đông Hồ mà là một công trình mang tính học thuật có giá trị về văn học dân gian, dân tộc học, sử học và văn hóa học. “Bên cạnh hơn 500 hình ảnh (đa số được chụp mới), sách còn mô tả khá chi tiết về quá trình hình thành và phát triển của làng, lịch sử đình, chùa, đền, lễ hội mã, hương ước cũng như những thăng trầm của nghề làm tranh làng Đông Hồ; tổng hợp gần 300 bức tranh Đông Hồ nổi tiếng và những bức tranh Đông Hồ ít được du khách biết tới đồng thời khắc họa chân dung một số nghệ nhân tiêu biểu của làng tranh Đông Hồ như Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Hữu Quả và đặc biệt là 2 cố nghệ nhân họa sĩ Nguyễn Đăng Khiêm và Nguyễn Đăng Sần.
Sách cũng làm rõ vai trò của hợp tác xã trong việc sản xuất và duy trì tranh dân gian tại làng Đông Hồ xưa; miêu tả chi tiết các bước làm tranh Đông Hồ trong đó có nhiều chi tiết ít được biết như: quy trình khắc ván in, quy trình làm điệp, quy trình làm chổi thét, kỹ thuật “cản màu”, in chồng màu “nhị sắc” và các màu tiêu biểu” – tác giả Lê Bích cho hay. Đáng chú ý, những thông tin về 2 thể loại tranh ít được biết đến của Đông Hồ là tranh đồ thế và tranh trổ giấy (trổ “lé”); nội dung chữ trên tranh Đông Hồ và một số ứng dụng tranh Đông Hồ trong cuộc sống hiện đại được đề cập trong cuốn sách cũng là những thông tin mới mẻ, hấp dẫn bạn đọc.
Bìa sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” - Ảnh: Lê Bích
Tác giả Thu Hòa cho biết để hoàn thành cuốn sách nhóm tác giả tác giả đã mất gần 10 năm lăn lộn, nghiên cứu, tìm tòi, thực hiện hàng trăm chuyến đi thực tế, về làng Đông Hồ gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ nhân. Để hiểu rõ hơn về lịch sử làng tranh, nhóm tác giả còn mời một số chuyên gia về khảo cứu 7 bia đá ở đình làng Đông Hồ và bia ở mộ tổ của 1 dòng họ chuyên làm tranh ở làng. Cũng bởi thế nhiều tư liệu mới được các nghệ nhân và đại diện gia đình các nghệ nhân chia sẻ đã giúp cho cuốn sách có những nét khác biệt so với nhiều cuốn sách tranh Đông Hồ từng xuất bản trước đây.
“Mỗi tác giả đều có những lăn lộn chuyên môn riêng, và dường như chúng tôi đã “quét” gần hết những tư liệu từ trước đến nay nghiên cứu về tranh dân gian Đông Hồ. Trên cơ sở tư liệu, chúng tôi tổng hợp, tìm ra những đặc trưng, giá trị riêng của dòng tranh dân gian này. Cuốn sách cũng đã góp tiếng nói vực dậy một làng tranh mang hồn cốt dân tộc trước sự khốc liệt của kinh tế thị trường đồng thời như một viên gạch tạo nền móng để UNESCO làm cơ sở xếp hạng tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa thế giới ” – PGS.TS Trịnh Sinh chia sẻ.
Có mặt tại buổi ra mắt sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giới họa sĩ cũng đã đánh giá cao những nỗ lực, tâm huyết, cũng như sự cẩn trọng, khoa học của nhóm tác giả. TS. Trần Đoàn Lâm – Giám đốc NXB Thế giới nhận định: “Cuốn sách được làm hết sức công phu như một bảo tàng thâu tóm được kỹ thuật, tinh hoa của dòng tranh Đông Hồ. Đây chính là một tài liệu quý, đáng tin cậy, với những ai muốn tìm hiểu về lịch sử của làng tranh, nhất là các nghệ nhân mới”.
GS.TS Bùi Quang Thanh cho biết Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Namđược giao nhiệm vụ xây dựng hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đề nghị UNESCO ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hiện nay, hồ sơ trình UNESCO đang được Viện hoàn tất và những thông tin của cuốn sách này sẽ được bổ sung để hoàn thiện thêm cho hồ sơ đệ trình lên UNESCO.
Đây là một niềm vui lớn của những người thực hiện cuốn sách, bởi ước mong được góp một phần nhỏ bé tìm ra chân giá trị của tranh dân gian Đông Hồ, quảng bá nó và phát huy giá trị bảo tồn vốn cổ di sản này đã trở thành hiện thực. Cùng với cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”, “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”, tới đây nhóm tác giả cho biết cũng sẽ dồn tâm sức để tiếp tục trình làng bạn đọc sách về dòng tranh Hàng Trống và tranh làng Sình. Đây cũng chính là nỗ lực để định vị giá trị của tranh dân gian trong kho báu di sản của cha ông nói chung, và nền mỹ thuật Việt Nam nói riêng.