Minh họa của Nguyễn Văn Đức
Chuông chùa Thanh Quang đã điểm, trời đục sương. Sương vờn mái nhà, sương luồn qua song cửa sổ, sương tắm lên cây mộc đầu hè. Cây hồng cổ choàng chiếc khăn sương mờ ảo, hương hoa hồng nồng nàn khiến bà giáo thổn thức. Bâng khuâng trong sương hương, bà chợt thở dài thương nhớ: “Cây hồng cổ còn đây mà biền biệt âm dương mất rồi”? Đồng hồ Côn điểm giọt, tiếng binh boong phá tan cái tịch mịch của đêm. Cứ cữ này là bà giáo không ngủ được. Bà nhẹ nhàng ngồi dậy chậm rãi xỏ đôi dép nhung, đẩy cửa bước ra thềm hít sâu làn hương hoa hồng cổ mà bà yêu thích, bước đi thật nhẹ sợ tan mất bóng hoa, rồi vào phòng bật cây đèn ngủ, ánh sáng xanh tỏa ra dìu dịu. Bà với tay tìm bật lửa, thắp một tuần nhang trong ban mai. Hương quyện trong gió lạnh, bà trìu mến nhìn ảnh chồng trên bàn thờ. Thầm thì tâm sự với ông bao điều bí mật, chợt nhớ ra bà bước vội vào buồng ngủ bên cạnh. Thằng chó con bảo bối của bà đang say giấc, chiếc chăn bông to sù hình con gấu bị đạp tung ra khỏi ngực. Bà chép miệng lắc đầu và mắng yêu:
- Chó con! Ngủ hỗn như gấu, tung hết chăn ra. Trời lạnh thế này ốm thì khổ.
Nói rồi bà nhanh tay đắp lại chăn cho đứa trẻ, cùng ánh nhìn chan chứa yêu thương.
Con gà tồ nhảy trên đống rơm cất tiếng gáy vang. Bà giáo lại chép miệng:
- Rõ khổ! Ngày ăn được mấy hạt thóc mà thức sớm thế không biết.
Nhiều khi lũ trẻ cười đùa trêu bà lẩn thẩn nhưng bà chỉ cười hiền và mắng át chúng đi. Thằng bé đang tuổi lớn, ăn khỏe như rồng cuốn. Nồi cơm gạo tám, đĩa cá rô kho nhừ, chỉ một thoáng là đánh vèo. Nhìn nó ăn mà bà hởi lòng hởi dạ, nhưng lại thấy lo lo, sợ một ngày nào đó bà theo trời Phật thì ai nuôi nó nên người. Nhìn lên ảnh chồng, bà vội vàng quạt than, nhóm lửa đun nước.
Ngọn lửa bén than, tỏa ánh sáng lam biếc. Chiếc ấm đồng hình con gà reo tí tách trên lửa hồng, tỏa làn khói trắng mờ. Nước sôi, bà giáo khoan thai kéo ngăn tủ chè, đem bộ ấm Chu Thần, thứ đồ gia bảo được lưu giữ lâu đời còn lại. Với tay bà tìm lọ chè ướp sen mà sư cụ chùa Thanh Quang gửi biếu bà uống lấy thảo. Tráng chè vào chén tống, bà giáo chuyên nước nóng lên chén quân. Nước sôi tưới vào chè sen, tỏa hương thơm tao nhã. Khéo léo và nghiêm cẩn, bà chế nước ra chén quân, nước trinh nữ thơm ngát, thèn lẹn đặt lên bàn thờ, nói thầm với chồng: “Mình uống với em chén trà trong sương lạnh nhé!”. Ánh mắt rưng rưng bà nhìn ảnh chồng. Người đàn ông với vầng trán cao và mái tóc bồng sóng, khuôn mặt anh tú như đang mỉm cười cùng bà. Mắt bà giáo mờ đi lòng rưng rưng trong hồi tưởng.
Ngày ấy, cô thanh nữ Hà đẹp nhất xứ Cẩm Hà, bao người thầm yêu trộm nhớ ao ước được sánh duyên cùng người đẹp sông Gấm. Nhưng Hà chăm chỉ học hành, nàng mê tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, mê nhạc Đoàn Chuẩn. Bao đêm trăng thanh nàng ngắm cảnh làm thơ, mơ một bóng hình như trong tiểu thuyết. Nhà có hai mẹ con, nàng được mẹ chăm sóc dạy dỗ nghiêm cẩn. Hà mải mê đèn sách như con trai, mơ ước trở thành cô giáo làng - những cô giáo mà nàng đã gặp trong tiểu thuyết. Kháng chiến bùng nổ, cậu giáo Tân từ Hà Nội về quê tản cư. Nét hào hoa của chàng trai Hà thành làm nàng choáng ngợp. Sự uyên bác của chàng làm nàng ngưỡng mộ yêu kính. Cô học trò nhà quê, ngước lên thường gặp ánh nhìn của thầy. Chết đuối trong ánh nhìn ấy, nàng bồi hồi khi nhà bên nơi cậu giáo Tân ở trọ thường cất lên tiếng đàn du dương và giọng hát mê luyến: “Lòng anh như giấy trắng, thanh tân ép hoa tàn... Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng... Dìu lòng y phím ý thơ trào dâng...”
Hà đắm chìm trong lời ca suối nhạc. Tiếng ghi ta bập bùng sương lạnh. Hà có cảm giác chàng chỉ hát cho một mình nàng nghe. Tim nàng tự dưng thổn thức bồi hồi. Có hôm trong lớp học Hà thẫn thờ nhìn xa vắng ngoài cửa sổ theo những đám mây lang thang vô định cuối chân trời. Nàng bỗng dưng đổ bệnh, cứ vẩn vơ chẳng thiết ăn uống gì cả. Nhìn ánh nắng chiều hiu hắt qua song, nàng thấy hồn mình lịm chết rong ruổi theo một bóng hình.
Lớp học mấy bữa này vắng bóng Hà, cậu giáo thấy lòng mình trống trải, chỗ ngồi của nàng thừa ra, cậu chợt buồn bã, bài giảng như rời rạc chẳng ăn nhập vào đâu? Lũ học sinh ngơ ngác nhìn thầy. Thầy cho học sinh về sớm. Luẩn quẩn bên giậu cúc tần, chàng ngập ngừng:
- Thưa bà! Hôm nay cô Hà nghỉ học ạ!
Người mẹ hiền từ:
- Thưa cậu vâng! Cháu không khỏe, ươn người mấy bữa rồi!
Đang nằm quay mặt vào gối, nghe tiếng cậu giáo, Hà quay ra, tự dưng hai giọt nước mắt nóng hổi bò xuống gò má trắng xanh. Cậu giáo Tân bối rối thương cảm: “Chỉ có mấy ngày mà nàng xanh xao thế này ư? Có lẽ là lỗi của ta chăng?”. Hà ngồi dậy nhưng yếu quá lại gục xuống. Không ngần ngừ do dự, Tân nhanh tay đỡ lấy nàng. Nàng nức nở trong tay người trai Hà thành, chàng ôm nàng vào lòng:
- Anh hiểu rồi! Em đừng ốm nữa! Anh sẽ đưa mẹ anh từ Hà Nội xuống thưa chuyện với đẻ em.
Người mẹ đứng ngoài hàng cau đầu ngõ nhìn thấy cảnh ấy bà lặng lẽ quay đi, thầm cầu khấn trời Phật cho con gái mình được hạnh phúc và may mắn.
Cuối năm ấy sắp tới ngày ông Táo lên trời, những xe cau ngời lụa đỏ được đem tới nhà Hà. Cậu giáo Tân đẹp trai khoác tay nàng trong tiệc cưới. Đám cưới thời chiến không được sang trọng như những đám cưới ở Hà thành ngày trước, nhưng với Hà lại là những ngày hạnh phúc ngập tràn. Bên những sính lễ mà nhà trai đem tới còn có một cây hoa hồng cổ, gốc rất to đem từ Pháp về. Nghe nói nó là quà tặng của quan đốc học ban cho giáo Tân bởi chàng cùng một sở thích yêu hoa hồng giống thầy. Nhìn chậu hoa màu phấn hồng với những nụ hoa còn e ấp, đôi cánh đã hé nở tỏa hương thanh khiết khiến tim Hà run lên sung sướng, nàng cũng yêu hồng lắm. Đêm hợp hôn trong hương hồng nồng nàn, Hà không ngờ mình đã có được hạnh phúc từng khát khao trong tầm tay. Chồng nàng nhìn hoa rồi nhìn vợ say đắm giảng giải:
- Em biết không! Ngày anh theo thầy đi Sa Pa tìm cảm hứng cho bức tranh tốt nghiệp. Anh đã ngơ ngẩn trước một rừng hoa, màu hồng lộng lẫy kiêu sa, hương thơm tao nhã khiến anh không thể nào cất bước. Không thấy anh theo mình thì thầy anh đã quay lại mỉm cười:
- Trò lại si hoa rồi phải không? Ôi những giấc hoa bay qua đời ta có bao giờ trở lại...
Miệng thầy anh cười mà đôi mắt đẫm lệ, lũ học trò vẫn kháo nhau thầy có một mối tình với hoa hồng bất tử. Trái tim thầy đã thuộc về người con gái bên vườn hồng Paris mất rồi. Sau phút giây xúc động thầy giảng giải cho anh.
Cây hồng cổ Sa Pa có nguồn gốc từ nước châu Âu, thuộc chi hồng, cây được một người Pháp mang tới và trồng tại vùng Sa Pa. Cây còn có tên gọi khác là hoa hồng cổ Sa Pa hay hoa hồng Pháp, thuộc cây bụi và có nhiều gai, lá có màu xanh tươi, nhiều hoa, hoa có nhiều màu chủ yếu là màu tím và màu hồng. Mang sẵn cho mình vẻ đẹp kiêu sa, hồng còn hội tụ không ít ưu điểm như: Nhiều hoa, sai nụ, tán rộng, nếu nở hết cỡ có thể to bằng cái bát ăn cơm, cánh hoa đan khít vào nhau rất đẹp, có mùi thơm quyến rũ. Thầy còn đùa với anh rằng bao giờ trò lấy vợ thầy sẽ tặng trò chậu hoa hồng Pháp để trò suốt đời hạnh phúc bên hoa.
Hà mỉm cười chìm vào hạnh phúc và lâng lâng như uống lời kể của chồng.
Sau đêm hợp hôn, cây hồng được trồng vào ô đất bên thềm. Thời gian như bóng nắng, cây hồng giờ đã xum xuê, hoa ngát bốn mùa, và gốc hồng đã cổ thụ.
Nàng không về Hà thành làm dâu mà ở lại nhà đẻ cùng chồng dạy học. Người ta gọi nàng là mợ giáo. Nhưng chỉ một thời gian sau nàng theo học sư phạm và trở thành cô giáo trường làng.
Hương đang đượm, lửa đang hồng, Hà đang tràn trề hạnh phúc mong đứa con chào đời thì một ngày kia Tân hớt hải trở về ôm lấy vợ nói trong nghèn nghẹn:
- Mình gắng chăm mẹ, nuôi con và chờ anh. Anh đi khi nào đất nước thống nhất anh sẽ về.
Nàng đau đớn muốn ngất đi, nhưng nghĩ đến con thơ đành phải gượng dậy lo tư trang cho chồng. Đêm ấy sầu biệt ly đẫm gối người vợ trẻ... Trong ban mai Hà đã phải tiễn chồng. Tân ái ngại đặt tay lên đứa con đang tượng hình, Hà khóc ngất, trước cây hồng cổ khi chồng nàng đưa tay ngắt một nụ hoa đẫm sương cho vào túi áo ngực. Gai hồng níu áo người đi, nước mắt của vợ đã dùng dằng bước người xa.
Đêm từng đêm, nàng ngồi khâu áo cho con thơ. Đêm xa ngái chỉ có những cánh nhạn ăn sương lẻ bạn gọi bầy cùng hương hoa hồng khiến Hà nhớ chồng đứt ruột, có lúc nàng khâu cả vào tay và nước mắt thấm ướt áo con thơ.
Đất nước im tiếng súng, bao người về nhưng cô giáo Hà đợi chồng như hóa đá mà anh mãi chẳng về. Người chồng của cô đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất phương Nam. Mái tóc xanh của cô giờ đã điểm bạc. Con gái theo chồng về quê xa, chỉ còn bà giáo một mình giữa mênh mông cây lá. Căn nhà đã vắng lại càng heo hút hơn.
Bà giáo chỉ biết bầu bạn với thế đá hình cây, mượn tiếng chuông chùa để vơi đi sầu khổ. Bà chăm cây cảnh, gieo hoa, hoa của bà đẹp nổi tiếng cả một vùng. Lan Hoàng Điệp e ấp, lan Hoàng Vũ mướt xanh, lan Đai Châu, Bạch Ngọc, được bà cắt tỉa ươm trồng đúng cữ.
Bà vẫn thường lên chùa đàm đạo cùng sư cụ, giúp nhà chùa trùng tu lại gian thờ. Nhìn khói chiều vương vấn dưới những mái tranh bà thèm tiếng bi bô của con nhỏ. Lớp học đêm cũng vang lên ở nhà bà từ độ ấy. Bà giáo dạy trẻ nghèo, dạy bằng sách vở và cơm gạo của mình. Chẳng hiểu sao mà những đứa trẻ lại rất thích tới nhà bà giáo, tới để chọc con Anh vũ tập nói, tới để ăn bưởi, ăn na trong vườn nhà bà. Tới để nghe bà giáo mắng yêu...
Một sáng sớm bình yên như bao buổi sáng của vùng đồng bằng ven biển, chuông nhà thờ Quần Phương đã gióng gọi các con chiên đi lễ nhà thờ, bà giáo chợt rùng mình vì tiếng trẻ con oe oe trong màn sương sớm. Bà chạy ra và ngỡ ngàng, kìa đứa bé trai được đặt trong chiếc giỏ đang khóc dưới tán cây hồng cổ và càng bất ngờ hơn trong chiếc giỏ tã lót là một bức thư tay: “Con là người mẹ chẳng ra gì! Con xin bà hãy nhón tay làm phúc cứu vớt đứa con tội nghiệp của con”.
Bà giáo ứa nước mắt bế sinh linh tội nghiệp đó vào nhà, run rẩy, nhìn lên bàn thờ. Ông giáo như mỉm cười khích lệ.
Ơn giời, thằng cu nuôi bộ cũng lớn nhanh như thổi. Xế chiều người đàn bà ấy lại nấu bột, hong phơi tã lót, chăm bẵm đứa trẻ như con ruột của mình, nỗi cô đơn dịu đi. Con gái về nhà thấy mẹ chăm sóc đứa trẻ tự dưng tủi thân, cô chạy ra ngõ định bỏ về, nhưng nhìn hoa bưởi nở trắng bên thềm, tóc mẹ cũng trắng tự bao giờ khiến cô dừng bước. Nỗi tủi thân chợt biến thành niềm thương cảm.
Nhìn gốc hồng cổ giờ đã sần sùi rêu mốc, như chứng tích của thời gian nhưng hoa vẫn tươi thắm ngát thơm, cô rưng rưng trước bóng mẹ. Bao nhiêu năm thờ chồng, mẹ cô đã ngậm nước mắt thay cơm để nuôi con. Cô lớn lên theo chồng để mẹ già hiu hắt, mấy lần đem biếu được bát canh cần đâu cơ chứ. Cô chạy lại gục đầu vào lòng mẹ, mà nước mắt tuôn rơi. Nước mắt khổ đau giờ quyện hòa trong nước mắt cảm thông. Người mẹ ấy còn đang xúc động, thì con gái đã lấy trong làn ra mứt sen cùng bánh trái dâng lên bàn thờ cha mình. Trong khói hương, cha nhìn cô độ lượng thương yêu. Gió lay hương bưởi chín, gió vẽ lên những giò phong lan hàm tiếu chiu chít nụ, chậu hải đường mơn mởn dưới mái hiên mỉm cười khoe sắc. Những nụ hồng vẫn óng mượt lộng lẫy trong gió đông.
Bà giáo nhắc con gái trông nồi canh vì đứa bé sắp đi học về và chạy ra vườn đuổi lũ gà con đang bới hoa. Những cây hoa mà bà ươm trồng, ngày mai cho các cháu trường mầm non đem về vườn trường trồng mừng Ngày nhà giáo Việt Nam. Nhìn trong xa vắng người gieo hoa chợt mỉm cười trong cái lạnh đầu đông.