Đời sống văn hóa

Tết Đoan ngọ xưa và nay tại Hoàng thành Thăng Long

Việt Thương 15:20 28/05/2025

Trong dịp Tết Đoan Ngọ 2025, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội triển khai trưng bày chủ đề “Tết Đoan ngọ xưa và nay”.

g338.jpg
Không gian trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long. (ảnh: BTC)

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Tết Đoan Ngọ từng được các vương triều tổ chức trang trọng với những nghi lễ cung đình đặc sắc. Sử sách chép rằng, dưới triều Lê Trung Hưng, Tết Đoan Ngọ là dịp để nhà vua và hoàng tộc dâng lễ vật lên tổ tiên và các bậc sinh thành.

Với nghi thức thường triều, tại điện Cần Chánh, các hoàng thân cùng quan văn võ từ bậc tứ, ngũ phẩm đều được tham dự. Nhà vua ngự trên ngai rồng, các bề tôi chúc tụng rộn ràng.

Hàng năm, cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, từ chốn cung đình hoa lệ cho đến những miền quê mộc mạc đều hân hoan đón Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ trong cung đình và ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau, nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, tưởng nhớ công đức tổ tông.

g341.jpg
Không gian Tết Đoan Ngọ cung đình được phỏng dựng tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: BTC

Trưng bày gồm hai phần: Tết Đoan Ngọ dân gian truyền thống và Tết Đoan Ngọ trong cung đình thời Lê Trung hưng.

Tại không gian trưng bày Tết Đoan Ngọ dân gian tái hiện một số phong tục trong dịp này. Phong tục thờ cúng các vị thần linh và tổ tiên với ý nghĩa người dân dâng lên trời đất, thần linh, tổ tiên những sản vật trái cây đầu mùa với tấm lòng biết ơn và cầu mong mùa màng không bị sâu bọ phá hoại, con cháu mạnh khỏe, bình an; phong tục “giết sâu bọ”.

Điểm nhấn là hình tượng con giáp linh vật rắn – năm Ất Tỵ – được kết từ lá cây thân thuộc. Đây là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, trở thành điểm check-in ấn tượng cho du khách.

Tết Đoan Ngọ trong cung đình thời Lê Trung hưng tái hiện các nghi lễ cung đình như: lễ cúng tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt, lễ ban yến… Thông qua tranh vẽ, mô hình và hiện vật phỏng dựng, du khách sẽ được khám phá văn hóa cung đình xưa.

Hoạt động trưng bày góp phần làm sống lại không gian văn hóa phi vật thể cung đình, giúp du khách hình dung rõ nét đời sống sinh hoạt nơi hoàng cung.

Để hướng di sản đến gần với cộng đồng, tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp cận di sản, “thực hành di sản”; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân tổ chức chương trình trình diễn, giao lưu với các chủ đề: Nghệ thuật thư pháp trên quạt; kết lá tạo hình.

Trong chương trình, các nghệ nhân sẽ chia sẻ những tri thức hay về bộ môn thư pháp và nghệ thuật kết lá tạo hình... Đây là dịp để các nghệ nhân chia sẻ tri thức thú vị, mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách và các em học sinh, sinh viên.

Các hoạt động trong chuỗi hoạt động nhân dịp Tết Đoan Ngọ sẽ diễn ra vào hai ngày 31/5 và 1/6./.

Bài liên quan
  • Hội sách Tuệ Đăng lần thứ nhất – Giao hòa giữa văn hóa đọc và tinh thần Phật giáo
    Từ ngày 17 đến 21/5/2025, Hội sách Tuệ Đăng lần thứ nhất chính thức diễn ra tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Đại lễ Phật đản PL.2569 và hành trình cung nghinh, tôn trí xá lợi Đức Phật – bảo vật quốc gia của Ấn Độ. Sự kiện do Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Chân Tâm và Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh giá trị của sách và khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống hiện đại.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tết Đoan ngọ xưa và nay tại Hoàng thành Thăng Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO