Đó là robot mang tên Erica, được sản xuất bởi JST Erato - một trong những dự án khoa học được tài trợ vốn hàng đầu tại Nhật Bản. Ông Hiroshi Ishiguro, người được cho là "cha" của Erica cho biết đây là công nghệ "robot xinh đẹp nhất, giống người thật nhất trên thế giới".
Quả thật, nhiều người trong số chúng ta chắc chắn đã phải "nhìn lại hai lần" khi theo dõi Erica trò chuyện cùng các đại diện truyền thông để biết chắc "cô nàng" không phải là một người bằng xương bằng thịt. Theo Bloomberg, sự ra đời của Erica đã xóa nhòa đi ranh giới giữa con người và robot - vốn chưa từng gặp phải những câu hỏi cho tới những năm gần đây, khi công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo phát triển lên một tầm cao mới.
Khác với Sophia, Erica hiện chưa thể cử động cánh tay một cách tự do. Tuy nhiên, "cô nàng" này lại có thể truyền đạt cảm xúc, sự ấm áp và quan tâm tới người nghe theo một cách "có hồn" và giống người hơn hẳn. Được biết, Erica được trang bị tới 14 cảm biến hồng ngoại để theo dõi những người trong phòng và khả năng nhận diện khuôn mặt.
Điều bất ngờ đó là Erica dường như hiểu được sự khác biệt giữa con người và máy móc. "Khi người ta nói chuyện với tôi, họ đối xử và giao tiếp giống như với một người thật. Tôi nghĩ nó khác với việc một ai đó nói chuyện với thú cưng hoặc một chiếc máy nướng bánh chẳng hạn", Erica nói.
Giống như Sophia, Erica đã có thể học được cách nói chuyện và cười đùa với những người xa lạ hoàn toàn, chứ không chỉ riêng những thành viên của nhóm nghiên cứu nằm trong bộ nhớ. Điều này cho thấy tiềm năng vượt trội của công nghệ trí thông minh nhân tạo trong việc xử lý và giải quyết tình huống.
Robot Erica cũng thừa nhận rằng muốn được cử động cánh tay, đi trên đôi chân của mình và được nhìn thấy thế giới nhiều hơn nữa. Tiến sỹ Dylan Glas, người đóng vai trò là kiến trúc sư của Erica cho biết: "Điều chúng tôi thực sự muốn làm đó là một robot có thể tự hoạt động và hoàn thành mọi thứ."