Văn hóa – Di sản

Dương Lâm – quan chức, nhà thơ

Hà Thanh Vân 20/11/2023 09:42

Dương Lâm tự Vân Hồ, Thu Nguyên, Mộng Thạch, biệt hiệu Quất Tẩu, Dương Công, sinh ngày 18 tháng 12 năm 1851, trong một gia đình nhà Nho thanh bạch, có truyền thống hiếu học, tại làng Vân Đình, tổng Phương Đình, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Thân phụ ông là Dương Quang, một người nổi danh trong giới học sĩ, được các bậc danh công quý trọng; thân mẫu là Bùi Thị Tôn, con gái Thượng thư họ Bùi làng Thịnh Liệt, một họ lớn sản sinh nhiều nhà văn học nổi tiếng như Bùi Xương Trạch, Bùi Huy Bích. Ông là em ruột nhà thơ Dương Khuê, kém Dương Khuê 12 tuổi.

duong-lam.png
Lăng mộ danh nhân văn hóa Dương Lâm nằm trên cánh đồng trước cửa trụ sở UBND xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa (Hà Nội)

Thuở nhỏ Dương Lâm đã có ý thức rèn luyện trí, đức, nối nghiệp thi thư, phát huy truyền thống văn học của họ Dương và họ Bùi; về sau ông trở thành một trong những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng giai đoạn cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỷ XX.

Dương Lâm đỗ Tú tài năm 1867, vào Huế thi Hội năm 1868. Năm 1873, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, ông cùng thân phụ chiêu mộ dân giữ thành đánh giặc. Sau hơn hai tháng chống cự, Pháp buộc phải rút lui, trả lại bốn tỉnh mà chúng đã chiếm; Dương Lâm và thân phụ được triều đình ban thưởng hàm Hàn lâm viện Cung phụng. Năm 1878, Dương Lâm đỗ Giải nguyên; năm 1884 ra dạy học ở Ý Yên. Dạy học chưa được bao lâu ông nhận được sở triệu làm Tri huyện Hoài Yên. Do chứng kiến việc triều đình Huế dâng đất nước cho Pháp, Dương Lâm chán nản, lấy cớ chăm sóc thân phụ già yếu, xin nghỉ việc quan một năm. Năm 1887, ông lại được triệu ra làm Bang tá, một chức vụ nhỏ tại Nha Kinh lược.

Cuộc đời và tư tưởng của Dương Lâm chịu ảnh hưởng của nhiều biến cố lịch sử đau thương trong lịch sử dân tộc cuối thế kỉ XIX. Quan lộ của Dương Khuê gập ghềnh, quanh co. Sử sách và văn thơ của ông cho biết, nhiều lần ông phải viện cớ từ quan, về nhà dạy học, viết sách, viết báo.

Năm 1888, Dương Lâm nhận chức Án sát ở Hưng Hóa. Trong thời gian đương chức, ông cho thả hàng trăm tù nhân. Sau sự kiện này, ông bị đổi về làm ở Bố chính Sơn Tây, hàm Quang lộc khanh; rồi được cử làm Bố chánh ở miền rừng Lục Nam (Bắc Giang) có nhiều thổ phỉ quấy phá. Năm 1890, Dương Lâm lập công dẹp giặc Tàu, giặc thổ phỉ, cứu thoát hàng trăm phụ nữ, trẻ em sắp bị bán sang Tàu. Nhớ ơn ông, dân làng Quỷnh đã lập đền thờ ngay lúc ông còn sống. Hồi nhớ về sự kiện đó, trong Hành trạng Dương Lâm đã viết:

Nực cười cái kiếp làm quan,

Xoay nhau cho mỏi dặm trường mới cam.

Đổi trị ly Lục Nam Bố chánh,

Rừng núi xanh quanh tinh bốn bề.

Giặc Quách Mãn, tướng Lưu Kỳ,

Vừa Thanh, vừa Hán phân chia đánh thành...

Năm 1891, Dương Lâm về Hà Nội, chuyển sang viết văn, làm chủ bút Đại Nam đồng văn nhật báo, một tờ báo đầu tiên do người Việt chủ trương ở Bắc Kỳ:

Qua Canh Dần đến năm Tân Mão,

Cuộc Đồng văn nhật báo đặt ra.

Văn chương cái nợ với ta,

Dứt đi lại buộc đến ba bốn lần.

(Hành trạng)

Năm 1892, ông nhận chức Tuần phủ Thái Bình, giúp dân chống “thủy tai khắp cả toàn kỳ”. Năm 1895, đổi về Nha Kinh lược Bắc Kỳ, giữ chức Tham tá. Sau Pháp chiếm giữ, buộc vua Thành Thái ra dụ giải tán Nha Kinh lược, Dương Lâm phải thôi giữ chức Tham tá, nhưng bù lại ông được triều đình Huế cử giữ chức Phó Tổng tài Quốc sử quán, hàm Thượng thư, chuyên về viết sử cho triều đình, sau đó triều đình còn cử ông đứng đầu ban Tu thu sửa đổi phép học, phép thi. Song do buồn nản cảnh vua nhỏ mải lo vui chơi đàn hát, lại gặp cảnh gia đình có tang, Dương Lâm sớm cáo quan về nhà dạy học. Năm 1900, ông nhận được chiếu chỉ cử làm Tổng đốc Bình Định - Phú Yên, hàm Thái tử Thiếu bảo. Trong suốt hai năm làm quan ở đây, ông đã ba lần xin từ chức về nuôi dưỡng mẹ già, dạy học và viết sách giáo khoa. Cuốn Tự học Hán tự tân thư của ông được soạn trong giai đoạn đó. Dương Khuê có nhiều công đối với dân, với nước: giữ thành đánh Pháp, cứu dân đánh thổ phỉ, đuổi giặc Tàu, viết sử nước nhà, viết sách thường thức sơ học...

Ngoài cuốn Tự học Hán tự tân thư nêu trên, Dương Lâm còn soạn viết: Nam sử phú, Bắc kỳ châu quận canh hoán phân hợp chú, Vân Dương văn tập, Vân Dương thi tập; Dương gia thi tập, Trung học Ngũ kinh toát yếu, Văn sách tân thức hợp tuyển, Túy hậu nhàn ngâm tập, Vân Đình biểu văn khải trướng toàn tập, Vân Đình Giải nguyên Dương Lâm văn tập phụ tạp văn, Tấu nghị tiền tập... Theo Dương Thiệu Tống trong sách Tâm trạng Dương Khuê, Dương Lâm (2000), Dương Lâm cũng có một số bài thơ, phú sách, câu đối trong các sách Cường dư văn chiến, Hà Đông danh đối liên thi văn tập, Phúc Giang thi văn tập, Tạp sáo tân biên, Tình nghĩa sao tập... Các tác phẩm của ông chủ yếu đề cập đến lịch sử, các chính sách canh nông, địa lí cương vực, văn hóa, văn minh... Sử sách nhắc đến Dương Lâm ở nhiều vai trò nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo và nhà viết sử.

Dương Lâm chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Nho giáo nhưng cũng có tư tưởng thức thời. Ông tiếp biến hài hòa cái mới, từ bỏ cái lạc hậu, một mặt giáo huấn con cái đạo lí truyền thống, mặt khác lại phê phán cung cách giáo điều, cứng nhắc; có lúc ông noi theo sử sách, có khi ông điều chỉnh thiên về thực tiễn trước mặt. Ở ông chữ Trung - Hiếu vẫn có sức nặng, nhưng cách nghĩ, cách nhìn về những chuẩn mực đó đã có nhiều đổi khác. Ông đặt chữ Hiếu, chữ Nhân lên trên chữ Trung: Thờ vua ngày tháng còn dài/ Mà ngày thờ mẹ ngắn rồi phải lo...

Thơ văn của Dương Lâm miêu tả, ngợi ca hình ảnh anh hùng Nguyễn Trãi, Quang Trung; phản ánh sự kiện thổ phỉ Quách Mãn ở Lục Nam, ghi lại việc giải tán Nha Kinh lược sứ ở Bắc Kỳ, nạn lụt năm Quý Tỵ (1893), thời tàn của Nho học, con đường mới của các chí sĩ yêu nước, sự kiện xuất bản tờ báo đầu tiên ở Bắc Kỳ; và bộc lộ tự nhiên, chân thực hoài bão “mở giang sơn mi mục" của một nhà Nho, tâm trạng dằn vặt, giằng co gay gắt trước những biến động lịch sử của một trí thức yêu nước, tinh thần phản tỉnh, phê phán thời cuộc nghiêm khắc của một vị quan thương dân.

Dương Lâm thẳng thắn phê phán, trách vấn Hoàng Cao Khải, người đã đàn áp phong trào văn thân ở Bắc Kỳ, đẩy ông lên miền rừng cao diệt thổ phỉ. Song, cái tiến bộ, đáng trọng nữa của Dương Lâm được thể hiện ở chỗ, ông luôn giữ vẹn lòng thủy chung với đất nước. Ông băn khoăn đặt ra hàng chục câu hỏi về thế sự đau buồn, về chủ quyền của non sông gấm vóc; tỏ bày một cách bình dị nỗi hổ thẹn, uất hận trước sự xâm lăng của ngoại bang, đồng thời cũng luôn tự vấn, tự trào, tự phê phán mình đã bất lực sống làm tôi tớ, cảm khái bị thương trước cuộc “mất không”: Ngoảnh mặt lại mấy phen dâu bể/ Thương cuộc đời mà vui vẻ với riêng ai?...

Dương Lâm cũng nói về chữ “nhàn”, song chữ nhàn ở ông luôn có điều kiện kèm theo, được đặt sau trách nhiệm đối với dân tộc, lịch sử. Ở Dương Lâm ý thức “xốc vác non sông” được đặt lên hàng đầu và trở thành bổn phận của kẻ làm trai.

Sinh trưởng trong giai đoạn ý thức hệ cũ suy tàn, Dương Lâm cũng có cảm thức “trống rỗng”, “người thừa”. Ông bị đặt giữa bi kịch của thời đại, buộc phải đối diện mà lựa chọn giữa tân học và cựu học, giữa xuất và xử, giữa tị thế và nhập thế. Ông đánh giá bản thân mình như sau: Chân cựu học dựa theo tân học/ Trong tân thư còn học cựu thư/ Ai khen, khen cũng bằng thừa/ Ai chê thì cũng xin ù rằng chê... Có lúc ông chọn con đường ra làm quan, nhưng ở vị thế ấy ông lại không thể chấp nhận biến mình thành bù nhìn, giương mắt trông “phường thi tố”. Có khi ông chọn con đường lui về ở ẩn, chấp nhận nghèo túng, vậy rồi ông lại bị triệu ra nhậm chức. Dương Lâm, một nhà Nho hành đạo, cố gắng đi về phía nhà Nho ẩn dật nhưng không thành. Dương Lâm, một nhà Nho muốn vùng vẫy trong cơn dâu bể, nhưng lại thấy cho dù có bạc đầu đi nữa thì chuyện khanh tướng công hầu ở đời đâu phải dễ. Dương Lâm mang nhiều uẩn khúc, ôm mãi mối uất hận riêng tây không biết ngỏ cùng ai. Ở bài Phú thị tử đệ, ông viết: Tâm uất uất kỳ thùy ngữ/ Đông gia thực, Tây gia trúc/ Bản sinh chi trần lộ dĩ phi (Lòng uất hận không biết ngỏ cùng ai/Ăn nhà Đông, ngủ nhà Tây, nửa kiếp đường trần đã lỡ).

Cuối đời Dương Lâm an ủi tổng kết: Trăm năm đống Quất vùi ba thước/ Ghi lại nhân gian một tấc son. Ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1920. Đúng một tháng sau, triều đình có sắc chỉ truy phong Dương Lâm là Khánh Vân Nam tước. Ngày nay tấm văn bia ghi sắc chỉ đó vẫn còn được giữ nguyên vẹn tại lăng mộ Dương Lâm ở Tảo Khê (Ứng Hòa, Hà Nội). Do ông có tước Hàm Thiếu bảo, quê Vân Đình nên người đương thời thường gọi là cụ Thiếu Vân Đình./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Dương Lâm – quan chức, nhà thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO