Chuyển động Hà Nội

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) qua tiếp thu, chỉnh lý đủ điều kiện trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Quỳnh Phạm 29/03/2024 10:07

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, cho biết, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) qua những lần xin ý kiến gần đây, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội chiều 28/3, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, cho biết, để thực hiện việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thủ đô sửa đổi, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho lãnh đạo UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành Thành phố thực hiện việc rà soát, tiếp thu, giải trình, đề xuất việc chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và hoàn thiện các hồ sơ theo quy định trên cơ sở các ý kiến thẩm tra của Ủy ban pháp luật, ý kiến của đại biểu Quốc hội theo Báo cáo số 3194/BC-TTKQH ngày 4/12/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội và Báo cáo số 2273/BC-UBPL15 ngày 20/10/2023 của Ủy ban pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

so-tu-phap.jpg
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết, qua những lần xin ý kiến, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Từ ngày 18 - 27/12/2023, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức 12 cuộc họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với sự tham gia của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành Trung ương, các Sở, ban, ngành Thành phố. Trên cơ sở kết quả các cuộc họp, báo cáo đề xuất của các Sở, Ban, ngành Thành phố, UBND Thành phố đã giao Thường trực Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô tổ chức họp với các bộ phận chuyên môn của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, các chuyên gia Luật Thủ đô tổ chức tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

UBND Thành phố đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự thảo Luật (sau điều chỉnh) để báo cáo xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và gửi Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và UBND Thành phố nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo đề xuất của Thành phố. Lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với Thường trực Thành ủy để chỉ đạo, định hướng việc tiếp thu Luật Thủ đô. Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Ban Thường vụ Thành ủy về dự án Luật Thủ đô.

luat-thu-do-34.jpg
Ngày 14/3/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 31, cho ý kiến đối với một số nội dung quan trọng; trong đó có dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

“Ngày 14/3/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp cho ý kiến đối với dự án Luật Thủ đô. Ngày 26/3/2024, Quốc hội đã tổ chức hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 để lấy ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật đang tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan để hoàn thiện, xin ý kiến Chính phủ và gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Qua những lần xin ý kiến, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung của dự thảo, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, cho biết.

Về nội dung tiếp thu, chỉnh lý, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội và hơn 130 ý kiến của Đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6, UBND Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, giải trình đầy đủ, dự kiến tiếp thu đối với nhiều ý kiến, trong đó nổi bật là việc tiếp thu, chỉnh lý bổ sung các quy định về: nguyên tắc áp dụng pháp luật; quy định về tổ chức, bộ máy của HĐND Thành phố, các quận, thị xã, thành phố thuộc Thủ đô; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, cấp huyện; bổ sung nhiều nội dung phân quyền cho Thành phố trong chủ động về tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, về biên chế…

UBND Thành phố Hà Nội cũng đã chỉnh lý về mở rộng các nội dung phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền; các quy định về văn hóa, y tế, quy hoạch, xây dựng, đầu tư, tài chính - ngân sách; cơ chế liên kết, phát triển vùng Thủ đô. Đặc biệt đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển theo định hướng giao thông công cộng; các quy định về thử nghiệm có kiểm soát, thí điểm các mô hình mới. Đồng thời nghiên cứu, chỉnh lý về bố cục, sắp xếp lại các chương, điều, khoản, điểm trong dự thảo Luật.

“Tính đến hết tháng 3/2024, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành 26 Quyết định quy phạm pháp luật về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)”, đồng chí Nguyễn Công Anh, nhấn mạnh./.

Dự kiến, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 20/5/2024, làm việc 22 ngày và bế mạc vào 26/6/2024. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dự kiến dành 12 ngày cho công tác lập pháp để xem xét, thông qua 9 Dự án Luật, trong đó có Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bài liên quan
  • Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)
    Chiều 12/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) qua tiếp thu, chỉnh lý đủ điều kiện trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO