Tác giả - tác phẩm

Đời người - đời thơ

PGS.TS Vũ Nho 13/12/2023 06:18

Tính tuổi thì nhà thơ Đặng Quốc Việt bây giờ đã xấp xỉ bát tuần. Vốn là một sinh viên Đại học Bách khoa yêu văn chương, mãi tới khi nghỉ hưu tác giả mới có thì giờ cầm bút. Thế nhưng trong thời gian ngắn ngủi đó, ông đã kịp cho xuất bản 6 tập sách chủ yếu là thơ. Tập thứ 7 này là thơ chọn của những tập thơ đã in.

bia-num-song-3-.jpg

Đặng Quốc Việt trần tình: “Sau khi đã được học bồi dưỡng thêm về kiến thức văn chương, học các thầy và bè bạn, xem lại những thơ đã xuất bản, tự thấy còn nhiều sai sót, chưa thật vừa lòng! (Mong mọi người xem các tập thơ trước của tôi chỉ là để tham khảo!). Nay tôi lựa chọn các bài ưng ý, tiếp tục sửa chữa, thêm bớt cho đến khi cảm thấy sức mình không làm hơn được nữa, cộng với các bài mới viết, làm thành tập thơ chọn lấy tên “Núm sống” (Lời thưa). Quả thật là một thái độ cầu thị, nghiêm túc với thi ca, một tinh thần “thôi xao” rất đáng trân trọng.

Tuy tác giả không nói ra, nhưng tôi hiểu đây như là một tuyển tập ngắn gọn của một đời thơ, từ thuở sinh viên cầm bút cho đến những bài thơ mới viết gần đây nhất. Tập thơ chọn gồm 4 phần: Núm sống tụ người xa chủ yếu viết về quê hương, gia đình; Nhiều mắt nhiều tay chủ yếu viết về chiêm nghiệm sự đời; Người không bóng chủ yếu là thơ tình; Thơ namkau và thơ bốn câu gồm các bài thơ ghi những cảm xúc, chiêm nghiệm về mọi mặt của cuộc sống đời thường.

Nói đời người - đời thơ vì tác giả là người ham thích văn thơ từ thuở học trò. Sự ham thích đó theo mãi cùng người viết cho đến khi cao tuổi, không cạn vơi mà còn sâu nặng thêm vì người viết quan niệm “Thơ phú yêu đời – Phao cứu sinh” (Phao cứu sinh).

Những bài thơ, câu thơ về làng thể hiện một tình cảm sâu nặng với nơi được coi là “núm sống” của mỗi phận người. Nơi ấy, những người nông dân vất vả dựng làng, cần mẫn mưu sinh:

Đi từ cua ốc rau lang

Áo nâu, váy đũi dọc ngang biển trời

Tờ mờ làm bạn củ khoai

Gà lên chuồng vẫn bò nhoai giữa đồng

(Nơi giữ núm rau)

Những câu thơ về quê giản dị, nhưng chỉ những ai từng lớn lên ở vùng quê quen với những bài đồng dao, những bài ca dao mới thấm hết ý nghĩa sâu xa trong đó (Đồng dao: Con chim chích, nó đậu cành chanh, tôi lấy mảnh sành,… Ca dao: Con cò mà đi ăn đêm, Con cò là con cò quăm,…)

Quê ta đất lành, tre xanh cò trắng

Chim chích cành chanh giỡn nắng trước thềm

Không để Chích mảnh sành vanh hiến cỗ

Đừng để Cò quăm lộn cổ cành mềm

(Dấu ấn miền quê)

Với quê, tác giả không chỉ có lòng biết ơn, tự hào, mà còn có cả những nỗi niềm trăn trở lo âu của một người sâu nặng tình quê:

Ách cày hằn vai ông, cặp sách gù lưng cháu

Hủy bóng mát trăm năm, ươm que tăm trong chậu

Lươn sinh nọc, mồng tơi sinh gai phỉnh phờ

Vện già thiếu nơi chầu hẫu

Hiếu hỉ rùm beng, hoa giả tót ban thờ

(Cảm quê)

Bạn đọc sẽ gặp không ít những chân dung tự họa bằng nét vẽ tự châm biếm, giễu nhại, hài hước của tác giả:

Quần nhất mảnh, áo nhất manh

Gầy đua sếu biển, đen tranh cuốc trời […]

Phổ thống húng, vênh vang văn giỏi

Đại học liều, còm cõi tiếng Nga

Thi văn giỏi nhất Nam Hà

Thi thơ giải nhất Bách khoa Hà Thành

(Lên dốc)

Oách vậy đấy, nhưng chỉ là một anh chàng “Vụng dại”, một “Người không bóng”, một kẻ “Gỗ đá”, một chàng si tình “Mãi ngây lòng nhớ” (tên các bài thơ) mà thôi.

Trong một bài thơ gửi bạn, tác giả viết:

Không lờ điều dở

Không bốc điều hay

Dù chưa chắp

Cũng đừng thêm bẻ gẫy

Không nhiều lời

Hãy nhiều mắt nhiều tay

(Xót tình gửi bạn)

Đây cũng có thể coi như là phương châm sống và phương châm viết của tác giả. Với tinh thần như thế, chúng ta sẽ không lạ khi gặp những bài thơ phê phán những thói hư, tật xấu, những ảo tưởng, quảng cáo láo,… như “Tế sống đua đòi”, “Cơ hội chân dung phú”, “Ngọc Bích Biện Hòa”. Nhất là những bài thơ ngắn đậm chất suy tư, triết luận như “Khoe mẽ”, “Bã quá khứ”, “Thạch Sanh”, “Thị Mầu”, “Quảng cáo”, “Văn rủa”, “Sống chết”, “Hoàn thiện”,…

Một sự thật khó mà bắt bẻ:

Đứa đau đầu, đứa đau chân, ta đổi chân nhau vậy

Tớ thêm chân què, chưa chết đâu, cậu lành lặn đấy

Có phép chữa người hoàn thiện đến vậy sao?

Không thể mượn chân người mà nhảy

Nhiều lúc cầu toàn, khiếm khuyết lại thêm cao

(Hoàn thiện)

Những bài thơ namkau, bốn câu do đặc điểm ngắn gọn của chúng, thường thiên về đúc kết những chiêm nghiệm, những suy ngẫm sâu sắc về lẽ đời, chân giả, sinh tử, mất còn,…

Đọc tập thơ chọn, bạn đọc cũng thấy được sự thăng trầm bảy nổi ba chìm của người viết. Đặc biệt là những cảm xúc khi lang thang bươn chải ở chốn trời Âu. Những ngày “Tha hương quăng quật/ Ngày tháng triền miên/ Mưu sinh tướp mặt” (Tha hương). Những ngày tháng đó càng làm cho người viết thấm thía tình quê, tình người, đặc biệt là nỗi lòng với cha già, mẹ yếu nơi quê nhà.

Thơ của Đặng Quốc Việt từng đăng trên báo Văn nghệ Tiền phong, Hà Nội mới, tạp chí Người Hà Nội và trong 5 tập thơ “Ban mai và trăng” (2015), “Sắc hè”(2016), “Phao cứu sinh” (2017), “Cãi trời” (2021), “Chân trời tối sáng” (2021).

Đọc tập thơ này, nếu bạn có trong tay những bài thơ trong các tập trước để đối chiếu để thấy sự “thôi xao” chỉnh sửa của tác giả, thì cũng là một nhã thú của người yêu thơ!

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Họa sĩ Xu Man trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh
    Lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của họa sĩ người Bahnar Xu Man, trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết tác phẩm “Con thiêng của rừng”. Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.
  • Ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
    Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cuốn sách do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chỉ đạo biên soạn.
  • “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo về làng nghề thủ công Việt Nam
    NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo giới thiệu về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Đời người - đời thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO