Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long thu hút nhiều khán giả nhỏ tuổi.
Cùng một đoàn khách đến từ TP Hồ Chí Minh tham quan di tích Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi khá ngạc nhiên khi đoàn khách vừa đi vừa chăm chú nhìn vào điện thoại di động. Nhưng không phải những vị khách mải mê chơi điện thoại. Vừa tham quan trực tiếp, họ vừa tìm hiểu về Hoàng thành Thăng Long thông qua một ứng dụng riêng được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thiết kế, mà bất cứ chiếc điện thoại thông minh nào cũng có thể tải về, từ bất cứ đâu.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng - khách tham quan cho biết: Lần đầu đến thăm Hoàng thành Thăng Long, tôi rất tự hào. Khi đến đây, được hướng dẫn tải phần mềm “Hoàng thành Thăng Long”, tôi có thể tự mày mò tìm hiểu về Hoàng thành và biết thêm nhiều thông tin thú vị. Để phục vụ khách tham quan, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp đội ngũ kỹ thuật, các nhà nghiên cứu văn hóa xây dựng phần mềm “Hoàng thành Thăng Long”. Phần mềm này cung cấp thông tin đa phương tiện, giới thiệu từ bao quát đến chi tiết Hoàng thành Thăng Long, có bản đồ, và nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu của khách… Sau hơn hai tháng triển khai, hiện đã có hơn hai nghìn lượt tải ứng dụng.
Đây chỉ là một trong nhiều đổi mới của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010, với những giá trị di sản, kiến trúc, văn hóa được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử. Nhưng các giá trị văn hóa, lịch sử ở đây không dễ hút khách. Những kiến trúc cổ còn lại không nhiều, gồm: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, Di tích cách mạng nhà và hầm D67.
Phần giá trị nhất lại là những phế tích kiến trúc, những di vật khảo cổ, rất khó để mọi người tiếp cận. Hoàng thành Thăng Long mới được Bộ Quốc phòng chuyển giao cho UBND thành phố Hà Nội quản lý chưa lâu. Thậm chí, nhiều người dân Thủ đô vẫn nghĩ rằng “khu thành cổ” đang đóng cửa. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: “Hoàng thành Thăng Long có cả ưu lẫn nhược điểm trong việc tạo một điểm đến. Bởi vậy, song song với công tác bảo tồn theo yêu cầu của UNESCO, chúng tôi chú trọng khắc phục những điểm yếu trên, đưa Hoàng thành Thăng Long dần trở thành một điểm đến thú vị với khách du lịch khi đến Hà Nội bằng việc tăng cường xây dựng thương hiệu, phát triển điểm đến bằng các hoạt động trải nghiệm, các sự kiện văn hóa”.
Hoàng thành Thăng Long từng là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa lớn như: Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội, Lễ hội Áo dài Hà Nội, Hội sách Hà Nội… Hằng năm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức một số sự kiện thường niên, nổi bật nhất là chương trình trải nghiệm Tết Trung thu và chương trình Tết Việt. Riêng chương trình Tết Trung thu năm 2017 đã thu hút 26 nghìn lượt khách tham quan. Phần lớn khách đến trong dịp này là các bạn nhỏ - đó là cách gieo mầm tình yêu di sản một cách bền vững mà Trung tâm hướng đến. Trung tâm tổ chức không gian “Em tập làm nhà khảo cổ”, cho các em nhỏ tham quan, chơi trò chơi, xem phim giới thiệu về Hoàng thành, trả lời câu hỏi trong hoạt động “Đi tìm báu vật hoàng cung”, tạo các hố khảo cổ giả định để các bạn nhỏ đào và khám phá hiện vật. Năm 2017, đã có 1.300 lượt bạn nhỏ tham gia trải nghiệm chương trình.
Trong tổ chức tua, do không gian rộng lớn, nên khách có thể tham quan tổng thể, với việc chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn ở trục chính tâm Hoàng thành như Kỳ Đài (Cột cờ Hà Nội), Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, Di tích cách mạng nhà và hầm D67, Khu di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu. Điểm độc đáo khi tham gia tua này là khách có cơ hội thưởng thức nguồn nước lấy từ chiếc giếng cổ đời Trần tại khu vực khảo cổ số 18 phố Hoàng Diệu. Khách du lịch cũng có thể trải nghiệm tuyến du lịch tâm linh với các điểm là di tích nền điện Kính Thiên - nơi đặt gian thờ 52 vị tiên đế, khu vực Hậu Lâu - nơi thờ các hoàng hậu, công chúa và Bắc Môn - nơi thờ hai vị Tổng đốc bảo vệ thành Hà Nội chống thực dân Pháp...
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long nằm ở vị trí thuận lợi để kết nối với các di tích nổi tiếng của Thủ đô như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các làng cổ, phố cổ, khu vực hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm... Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải đánh giá, điều này thuận lợi trong việc liên kết tổ chức các chương trình du lịch đặc sắc ở trung tâm Thủ đô. Cùng với những đổi mới trong quảng bá, Hoàng thành Thăng Long đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn, không thể thiếu đối với khách du lịch khi đến Thủ đô.