Tập nhật ký bằng thơ này viết trong 13 tháng từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943, khi Bác Hồ, sau hội nghị Trung ương VIII ở Pác Bó, sang Trung Quốc bị quân đội Tưởng Giới Thạch bắt giam trong hơn 30 nhà lao huyện ở tỉnh Quảng Tây. Không ai tự xuất bản nhật kí nên cuốn sổ nhỏ này vẫn lặng lẽ nằm trong hành trang cá nhân của Cụ Hồ trong cao trào Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp.
Tập nhật ký bằng thơ này viết trong 13 tháng từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943, khi Bác Hồ, sau hội nghị Trung ương VIII ở Pác Bó, sang Trung Quốc bị quân đội Tưởng Giới Thạch bắt giam trong hơn 30 nhà lao huyện ở tỉnh Quảng Tây. Không ai tự xuất bản nhật kí nên cuốn sổ nhỏ này vẫn lặng lẽ nằm trong hành trang cá nhân của Cụ Hồ trong cao trào Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp.
Cho đến khi một cán bộ của trường Nguyễn Ái Quốc, ông Văn Phụng, trong khi đi tìm tư liệu lịch sử ở bảo tàng Cách mạng đã phát hiện ra tập nhật ký này trong số những kỉ vật mà Bác Hồ đã trao tặng bảo tàng. Cuốn nhật kí bằng thơ chữ Hán này, đã được tổ chức dịch với sự cộng tác của nhiều dịch giả, đáng kể là các bản dịch đầu tiên của hai ông Văn Phụng, Văn Trực và các bản được chọn nhiều cho xuất bản của nhà thơ Nam Trân. Thế là đã 60 năm dân ta và bạn bè quốc tế được đọc nhật ký của Cụ Hồ. Đã có nhiều bài nghiên cứu sâu sắc và đầy phát hiện về phẩm chất tập thơ. Trong bài viết, này chúng tôi muốn nói tới tính chất gần đời của tập thơ bao gồm những gợi ý thiết thực về cách hành xử, cách giải quyết việc đời của lãnh tụ và nhà thơ Hồ Chí Minh.
Tính chất nhật ký của tập thơ:
Nhật ký vốn là một thể loại văn học riêng tư, nó không định tìm độc giả. Độc giả của nhật ký thường là chính tác giả. Người ta viết nhật ký để đánh dấu những năm tháng mình đã sống, bằng một hình thức văn học không trau chuốt, cốt sao khi đọc, người viết nhớ lại được các sự kiện đã trải. Hình thức văn chương cần chân thực và kịp thời. Với thơ, chúng tôi nghĩ các tiêu chí đó có thể bớt nghiêm khắc nhưng vẫn là cần thiết. Khi Nhật ký trong tù được giới thiệu với bạn đọc châu Âu, nhiều độc giả bên đó tỏ ý nghi ngại: liệu đây có đúng là nhật ký không hay chỉ là hồi ký. Bởi trong lịch sử rất ít, hầu như không có, nhân vật nổi tiếng công bố nhật ký, phơi bày phần hậu trường riêng tư rất ngày thường của mình ra thiên hạ. Người ta có thể vĩ đại trong sự nghiệp, trong các chiến công hiển hách, nhưng quả là thật khó vĩ đại trong đời thường. Nhưng rồi bạn đọc rộng rãi xác nhận tập thơ đúng là nhật ký bởi trong đó rất nhiều việc tầm thường, thậm chí thiếu thẩm mỹ theo quan niệm văn chương mỹ tự, đã được trung thực ghi lại.
Chính vì là nhật ký mà chúng ta được thấy trực diện hơn so với một tác phẩm hư cấu, lối sống, phép ứng xử thường ngày của Hồ Chí Minh, đặc biệt là phép ứng xử trong tình thế ngặt nghèo thất thiệt của một người tù.
Ấy là việc tận dụng thời gian ở tù để tạo một tập thơ tới 133 bài, bộc lộ trước thế gian một triết lý sống thiết thực và sâu sắc, một năng lực tư duy thơ kỳ lạ. Trong đời, Hồ Chí Minh không có thời gian dành cho thơ, Người từng khất Việc quân đang bận xin chờ hôm sau.
Ấy là một tư thế ngắm trăng: nhìn thẳng vào song sắt nhà tù để vươn tới ánh sáng vầng trăng Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt. Sâu sắc hơn, là tìm ra hạnh phúc cụ thể của đời sống ngay trong lúc này và tại đây. Bản thân việc ngắm trăng trong tù đã là mẫu mực của một cuộc vượt ngục. Mở đầu cuộc ngắm trăng Cụ Hồ là người tù, Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt (Người hướng trước song ngắm trăng sáng) Cuối cuộc, người tù biến mất thay vào đó là một nhà thơ nguyệt tòng song khích khán thi gia: Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Ấy là mối tương quan giữa vị trí và ý chí: thân trong lao, tinh thần ngoài lao.
Ấy là việc giành chủ động nhưng không sa vào thắng lợi tinh thần kiểu AQ: trước lúc ung dung ngắm trăng đã xác định tình thế hiện thực của chính mình: trong tù, không rượu cũng không hoa. Trước lúc nói hứng thú của chim hót, hoa thơm đã không quên thân phận bị động của mình: Mặc dù bị trói chân tay/ Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng. Cách giành chủ động của người tù Hồ Chí Minh không phải là cách nói đại ngôn, khẩu khí mà thiết thực, đầy tính khả thi: Chân tay bị trói thì tìm chỗ nó không trói được (tai, mũi) mà giành lấy tự do, nghe chim ca, hưởng hương ngát: Mê say ai cấm ta đừng... Đó là cách sống ở đời, không phải chuyện văn chương đại ngôn, tu từ bóng bẩy.
Ấy là tính trào lộng nhẹ nhàng những đau khổ của mình để vượt lên chính đau khổ ấy: tả nốt ghẻ trên thân như mặc áo gấm, tả gãi ghẻ như đánh đàn thập lục.
Ấy là điều sửng sốt: ngay trong những việc tầm thường hàng ngày của thân phận tù tội, người đọc lại phát hiện ra phẩm cách lớn của con người: trong bài Ghẻ, nhân vật chính trị kiệt xuất Nguyễn Ái Quốc ở thời điểm 1942 - 1943 coi những người tù trong nhà giam cấp huyện, vốn là đám cặn bã xã hội, là bạn quý, là tri âm (Mặc gấm trong tù đều khách quý/ Gảy đàn trong ngục thảy tri âm ). Một cuộc lặn đời mình vào những phận người dưới đáy mà không cần nín thở.
Học lối sống, học đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết, nên học ở giai đoạn này.
Tính cách tân trong quan niệm thẩm mỹ xuất phát từ đời sống:
Khái niệm cái nên thơ trong tập Nhật ký trong tù là một khái niệm có tính cách tân táo bạo. Để nói quan niệm mới mẻ về thơ của Hồ Chí Minh, chúng ta quen trích dẫn những câu thơ như tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả trong bài Cảm tưởng đọc thiên gia thi:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong
Chúng ta hoàn toàn đồng ý với lời khuyên của bài thơ này và đã thực thi phương hướng sáng tác ấy trong cả nền thơ từ cách mạng tháng Tám: không chỉ tìm thơ ở mây gió trăng hoa tuyết núi sông mà cả ở nơi có thép:
Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây gió trăng hoa tuyết núi sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Thép đây là một biểu tượng cho sức mạnh, cho chiến đấu. Cũng xin lưu ý: Cụ Hồ không phản đối tìm thơ ở thiên nhiên đẹp, ở mây gió trăng hoa… Cụ chỉ khuyên, khuyên - như một bổ sung nên có thép. Thực tế thì trong tập thơ nhật kí này, Cụ Hồ đã tìm thơ bất cứ nơi nào có đau đớn, có hy vọng của con người: gãi ghẻ, đắp chăn giấy, cháu bé ở tù, lời khuyên bạn tù cố ăn mà giữ sức...
Cái hay của phẩm cách đã vượt lên cái hay của thể cách. Quan niệm ấy, về nội dung, sau này đã thành hàng chữ hoa cương trên vách lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quảng trường Ba Đình Hà Nội: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Về lí thuyết thi pháp, đã gặp những cách tân táo bạo nhất của thơ hiện đại.
Tính thống nhất thi pháp trong cả đời thơ:
Khi viết Ngắm trăng, Hồ Chí Minh ở thân phận một người tù, khi viết Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Hồ Chí Minh là nguyên thủ quốc gia, nhưng trong cảm xúc và cả trong bút pháp vẫn thống nhất một con người ấy. Cảm xúc đắm say thiên nhiên, đến trộn lẫn con người chính trị với con người thơ ca, trộn lẫn tư duy minh bạch với tư duy hình tượng đa nghĩa. Bút pháp ảnh hưởng Đường thi nhưng có khuynh hướng kéo về hiện thực. Cả trong thơ tù lẫn trong thơ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều lúc Hồ Chí Minh lảy Đường thi sách vở tạo nên nét cười đời sống rất hóm. Từ câu thơ Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu/ Tây xuất Dương quan vô cố nhân (Chén này xin hãy cùng nhau cạn/ Chốn ấy Dương quan ai cố nhân) trong bài thơ của Vương Duy, đời nhà Đường tiễn ông Nguyễn Nhị ở quán khách Thành Vị đi sứ đất An Tây, lời lẽ rất tao nhân mặc khách thành ra giọng tù khuyên nhau trong bữa cơm tù buổi sáng Khuyến quân thả ngật nhất cá bão (Khuyên anh cứ chén cho no bụng) thực dụng, thẳng thừng mà thật sự thương người sâu sắc. Nét trào lộng của việc đánh bạc trong tù với kiểu nói trạng ở bài thơ Vần thắng vút lên cao chính là hai mạch tự một nguồn tư duy sắc sảo, ẩn dấu nét cười sắc nhọn của hài hước phương Tây dưới cái nhìn hiền triết phương Đông. Nghiên cứu sự thống nhất thi pháp ấy từ nhật ký viết trong tù đến những bài trữ tình của vị Chủ tịch nước sau này chắc chắn sẽ cho nhiều khám phá bất ngờ về cảm hứng thơ Hồ Chí Minh.
Trong phạm vi một bài viết ngắn, có tính cách gợi ý, chúng tôi tự thấy không được phép dẫn nhiều và bình rộng, chỉ mong khơi gợi đôi điều nông gần, thiết thực, giúp chúng ta cùng nhau hiểu hơn để làm theo tư tưởng và phong cách sống của Bác Hồ, ngay trong những lúc Người gặp bước gian lao.