Đoàn văn nghệ sĩ Thủ đô đi thực tế tại Bắc Kạn: Khơi nguồn sáng tạo từ chất liệu dân gian
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2024, trong hai ngày (21 và 22/12/2024), Đoàn Công tác Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Hà Nội đã có chuyến thực tế tại Ba Bể (Bắc Kạn). Đoàn công tác do NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội làm trưởng đoàn.
Hoang sơ và kỳ bí
Ba Bể là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với 4 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận. Quần thể rừng quốc gia Ba Bể luôn ẩn chứa những điều kỳ bí hoang sơ qua những câu chuyện kể mang mầu sắc huyền thoại. Đây cũng là nơi nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật tìm đến sinh sống với người bản địa để tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tác.
Trong ngày đầu tiên, đoàn ngồi thuyền trên sông Năng, tham quan động Puông, thuộc quần thể dãy đá vôi Lũng Nham là một thắng cảnh được tôn tạo tự nhiên, các thành viên trong đoàn được chiêm ngưỡng những cảnh quan vô cùng kỳ thú, sinh động được kiến tạo từ hàng triệu năm trước. Đoàn cũng tham quan động Hua Mạ nằm ở phía Nam hồ Ba Bể, bên dòng sông Lèng tĩnh mịch nằm trên lưng chừng ngọn núi Cô Đơn thuộc khu Lèo Pèn (Rừng ma) cây cối xanh rì, rậm rạp. Khi tiếp cận với người dân địa phương, đoàn còn được nghe về câu chuyện đầy kỳ bí gắn liền với đời sống tâm linh của vùng đất này.
Cũng trong hành trình, đoàn đến thăm Ao Tiên, một hồ nước nhỏ nằm ở phía Đông Nam của Hồ Ba Bể. Đến đây, các thành viên trong đoàn đều bị thu hút bởi khung cảnh nên thơ, không khí trong lành và thưởng thức đặc sản được người dân bày bán hai bên đường. Người dân địa phương cho rằng đây là nơi trú ngụ của các vị tiên theo truyền thuyết.
Kết thúc hành trình khám phá hồ Ba Bể, đoàn đến dâng hương tại Đền An Mạ nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể, đắm chìm trong khung cảnh lãng mạn mà vẫn cảm nhận được không khí linh thiêng. Đền thờ Phật, Mẫu Thượng Ngàn, Chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần.... Tương truyền, đền còn là nơi thờ các vị trung thần nhà Mạc trong cuộc chiến tranh phong kiến thời Lê- Mạc, sau khi bị thua trận đã chạy đến động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Để tưởng nhớ các vị trung thần, người dân nơi đây đã dựng đền thờ họ Mạc, song sợ bị quan quân nhà Lê trả thù nên đã đổi tên thành đền thờ họ Ma. An Mạ theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là "mồ yên mả đẹp" nơi yên nghỉ của các trung thần họ Mạc…
Bảo tồn, phát huy văn hoá dân gian vùng hồ Ba Bể
Nói đến Bắc Kạn, không thể không nhắc đến những địa điểm đã từng đi vào ca dao, tục ngữ, lịch sử như Phủ Thông, Đèo Giàng, Động Nàng Tiên... Trong đó, Ba Bể là nơi có nhiều dân tộc sinh sống lâu đời như Tày, Dao, Nùng, Kinh, Hoa, Sán Dìu, Mường... nên trong cộng đồng đang lưu giữ những giá trị di sản rất riêng, độc đáo tạo nên sự đa dạng về văn hóa vùng hồ Ba Bể.
Ngày thứ hai, một số thành viên trong đoàn đã đi thực tế các xã Nam Mẫu, Khang Ninh, Thượng Giáo, thị trấn Chợ Rã… để hiểu nhiều hơn về các loại hình nghệ thuật diễn xướng tiêu biểu như: Hát then, đàn tính, hát Páo dung, hát Lượn, hát thơ lẩu, Hát Sli,… Trong đó, hát then, đàn tính được nhiều người biết đến, là loại dân ca mang nặng màu sắc tín ngưỡng của dân tộc Tày, Nùng với hình thức diễn xướng tổng hợp, sử dụng kết hợp cả hát, múa, diễn trò.
Then - tiếng Tày có nghĩa là trời được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của dân tộc Tày cổ, hát then, đàn tính được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn, chữa bệnh. Dân tộc Tày quan niệm những điệu then, giúp cầu khấn đến nhà trời. Ngoài hình thức tâm linh, tín ngưỡng, các bài then đều mang trong mình giá trị nghệ thuật, ở đó có thể tìm thấy nội dung nhiều câu chuyện kể dân gian có tính giáo dục cao, đậm sắc văn hóa của người Tày Bắc Kạn. Nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá dân gian, huyện đã mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho các đội văn nghệ tại một số điểm du lịch trên địa bàn và các câu lạc bộ văn nghệ hội người cao tuổi tại một số khu dân cư…
Bên cạnh đó còn có một số loại hình diễn xướng dân gian độc đáo như Hát Páo dung của cộng đồng người Dao có sức truyền cảm lớn, mang màu sắc trữ tình nhẹ nhàng, duyên dáng, lôi cuốn mãnh liệt, gây xúc động lòng người. Hát Lượn Tày – Nùng là di sản trong kho tàng văn học dân gian. Lượn có ba thể loại khác nhau, như: Lượn cọi, lượn Slương, lượn Nàng ới. Hát thơ lẩu là tục hát đối đáp giữa đại diện nhà trai và đại diện nhà gái trong lễ cưới của dân tộc Tày - Nùng, giống như các cuộc hát sli, hát lượn của trai gái Tày - Nùng hoặc các cuộc hát trống quân dưới xuôi chỉ khác là nội dung của các bài thơ lẩu không phải hát giao duyên, hát về tình yêu mà là diễn tả các phong tục, lễ nghi, tục lệ của một đám cưới,…
Qua chuyến điền dã, các thành viên trong đoàn cũng hiểu rõ hơn về những thành tựu và hạn chế, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng ở Ba Bể và câu chuyện vận dụng nguồn lực tiềm năng vốn có phát triển du lịch.
Chị Triệu Thị Sính (xã Nam Mẫu) tâm sự: Mỗi dịp có lễ hội, tôi cùng chị em trong xã lại hồ hởi tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ hát then, đàn tính hoặc làm một số món ăn đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng… Tôi thấy khách du lịch lên Ba Bể rất thích thú với những món ăn cổ truyền của bà con. Khách còn thích cả vẻ đẹp các bộ trang phục mà chị em chúng tôi mặc biểu diễn. Tôi thấy sự độc đáo trong văn hóa của quê hương đang dần tạo nên nét chấm phá cho du lịch Ba Bể, điều này vừa mang lại thu nhập cho gia đình và cũng bảo tồn được các giá trị văn hóa vốn có của các cụ ngàn đời để lại. Tôi mong các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật thường xuyên có những chuyến đi “tận mục sở thị” đến những nơi vùng sâu, vùng xa để đồng cảm hiểu tâm tư nguyện vọng cũng như nỗi trăn trở của người dân trong việc gìn giữ nét văn hóa cha ông và đặc biệt sử dụng nguồn lực văn hoá vào phát triển kinh tế.
Trải qua hành trình di chuyển với hàng trăm cây số nhưng văn nghệ sỹ Thủ đô tràn đầy năng lượng. Chuyến thực tế góp phần tích luỹ vốn sống và khơi nguồn cảm hứng cho các thành viên trong đoàn. Đồng thời, chuyến đi này cũng cung cấp nhiều chất liệu thú vị về danh lam thắng cảnh, di tích văn hoá, lịch sử và những mô hình gìn giữ một số loại hình nghệ thuật truyền thống. Qua đây góp phần nâng cao thực tiễn cho đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô; giúp các nghệ sĩ hiểu hơn con người và mảnh đất vùng hồ Ba Bể đang chứa đựng những giá trị cốt lõi, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, sức mạnh đời sống tinh thần của các dân tộc; góp phần làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, chuyến đi thêm thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm sáng tác giữa các văn nghệ sĩ trong những hội chuyên ngành./.