Đình Đại Mỗ thờ Ả Lã Nàng Đê, tương truyền khi cha chết, nàng đứng ra chiêu mộ dân binh theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Khi khởi nghĩa thất bại, nàng theo gương Hai Bà đã trẫm mình ở dòng sông Hát để giữ gìn khí tiết.
Đình còn thờ 3 người của dòng họ Nguyễn Quý là Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân và Nguyễn Quý Kính là 3 cha con ông cháu có đức độ, tài danh, có nhiều công lao với lịch sử đất nước. Nguyễn Quý Đức đậu Thám hoa năm 1676, làm quan thượng thư Bộ Lại, kiêm Đông các đại học sĩ, tước Liêm quận công. Nguyễn Quý Ân đậu Hoàng giáp năm 1715, làm Hữu thị giảng. Nguyễn Quý Kính đậu hương khoa trúng thức, làm Tham tụng, thượng thư Bộ Lễ. Cả 3 người khi mất đều được vua phong là Đại vương, Phúc thần.
Đình Đại Mỗ gồm cổng, hai dải vũ và toà đình gồm hai dãy, hình chữ “nhị” (=). Toà Đại bãi đã bị thực dân Pháp phá huỷ trong kháng chiến. Nhà Đại bái được làm 2 tầng 8 mái. Bộ khung gỗ lim được chạm khắc rất công phu, có các hình rồng, phượng, hoa lá trên các cốn, kẻ bẩy, đầu dư con rường.
Chùa Trùng Quang được Tham tụng Nguyễn Quý Đức trùng tu lớn vào năm 1700. Sau này cũng nhiều lần trùng tu kiến trúc đã bị thay đổi nhiều. Đáng chú ý là các di vật còn lưu giữ ở chùa gồm 42 pho tượng với các bộ Tam Thế, Di Đà, Thập Điện... được chạm khắc công phu, 2 quả chuông đồng, 1 khánh đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh 7 (1765), 4 bia đá, tấm cổ nhất có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23 (1762).
Đình Đại Mỗ, chùa Trùng Quang có giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật cao đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01