Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”
Đây là sự kiện do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, thu hút sự quan tâm sâu rộng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và đồng bào các dân tộc.
Ngày 15/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là một trong số các hoạt động nhân "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" (19/4).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, đất nước ta có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của 54 dân tộc anh em; tạo nên lịch sử dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm.
Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam. Đó là yếu tố để làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và tạo sự hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam, góp phần định vị bản sắc văn hóa nước ta trên trường quốc tế.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc là công việc cần làm, theo hướng bền vững và thực hiện từng bước, từng nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm.
Ông Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hóa trong chính trị và phát triển văn hoá trong kinh tế nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lành mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa, đạo đức, hướng đến vì con người, cộng đồng, dân tộc.
Đồng thời, trên bình diện đối ngoại quốc tế, Việt Nam đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam ra thế giới. Từ đó, nước ta từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa, thể hiện sức sáng tạo, khả năng chuyển hóa các nguồn lực văn hóa dồi dào trong cộng đồng các dân tộc để phát huy sức mạnh mềm văn hóa, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề thực tiễn, đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm đến từ Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: Các dân tộc cư trú ở khắp các vùng miền trên cả nước tạo nên sự đa dạng và giàu có cho văn hóa các tộc người. Mỗi dạng biểu đạt văn hóa của một tộc người lại tạo ra một loại nguồn lực văn hóa khác nhau, góp phần củng cố thêm cho tính đa dạng, phong phú của nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay. Không có một nguồn lực văn hóa nào được xem là quan trọng nhất, cốt lõi nhất, chi phối hay lấn át nguồn lực khác mà các nguồn lực tùy thời điểm, điều kiện, bối cảnh cụ thể sẽ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng….
PGS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định: Trong vài thập niên qua, văn hoá các dân tộc thiểu số trải qua những biến động lớn. Trên hầu khắp mọi vùng quê, các dân tộc thiểu số đã và đang có sự chuyển biến một cách toàn diện cả về sinh kế, cư trú lẫn các họat động văn hóa. Sự biến dạng của môi trường sinh thái và môi trường nhân văn bên cạnh những trào lưu di dân theo nhu cầu sinh kế hoặc hôn nhân đang diễn ra như một quy luật tất yếu, chứa đựng trong nó cả những yếu tố tích cực lẫn các mặt tiêu cực, có ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc xây dựng đời sống kinh tế xã hội và bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của các dân tộc cư trú tại các địa phương. Sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa các dân tộc thiểu số trên đất nước ta đang đặt ra những nhiệm vụ vừa có tính bức xúc, vừa có tính lâu dài, đồng thời phải có những giải pháp hữu hiệu.
Diễn đàn đã nhận được 58 tham luận của các đại biểu cùng nhiều ý kiến thảo luận chất lượng tại diễn đàn.
Qua những thảo luận trực tiếp, của các đại biểu đã nâng cao và lan tỏa những nhận thức về nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam, những tiếng nói từ thực tiễn trong quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế và cổ vũ sáng tạo đồng thời đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và sử dụng nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam trong phát triển đất nước.