Một trong những nguyên nhân chính khiến CLKK xấu đi tại 2 thời điểm trên là do điều kiện khí tượng bất lợi. Trong 3 tháng đầu năm 2019, TP Hà Nội vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc; gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao. Hoặc có những hôm trời có thể có hửng nắng, ngày có nhiệt độ khá cao, nhưng về đêm nhiệt độ giảm mạnh.
Theo số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, số ngày chỉ số CLKK (AQI) đạt mức “Tốt” chủ yếu tập trung vào những ngày có điều kiện khí tượng thuận lợi (nắng ấm, có gió và mưa…) và tuần nghỉ Tết Nguyên Đán (khi lượng phương tiện tham gia giao thông giảm). Số ngày AQI chạm mức “Kém” và “Xấu” chủ yếu tập trung vào các tuần cuối năm và những ngày có điều kiện khí tượng bất lợi như các ngày 24 - 28/1/2019 và từ ngày 12 - 14/3/2019. |
“Theo nhận định cảm quan ban đầu, thời điểm đó có thể xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt (hiện tượng mà nhiệt độ lớp không khí gần mặt đất có nhiệt độ thấp, trong khi lớp không khí bên trên có nhiệt độ cao hơn (thông thường càng lên cao nhiệt độ không khí càng giảm), tạo ra một lớp sương mù bao phủ toàn thành phố ở độ cao khá thấp. Sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển trở nên bất lợi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm cho chất ô nhiễm có trong không khí ngày càng tích tụ, khiến CLKK trong thời gian gần đây xấu đi rõ rệt. Tuy nhiên để có kết luận chính xác thì cần có những nghiên cứu khoa học chuyên sâu hơn”- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Lê Tuấn Định chia sẻ.
Ngoài ra, ông Lê Tuấn Định cũng cho rằng, các ngày cuối tháng 1/2019 là thời điểm cuối năm âm lịch 2018, nhu cầu đi lại nhiều nên lượng phương tiện tham gia giao thông có xu hướng tăng lên khá cao, tốc độ lưu thông giảm, gây ùn tắc giao thông trên nhiều khu vực của thành phố. Đây cũng chính là dịp Lễ Tất niên truyền thống, các gia đình đốt vàng mã tăng cao; là dịp dọn dẹp nhà cửa và các khu dân cư, các hoạt động đốt rác diễn ra khá phổ biến tại rất nhiều điểm, khu vực ngoại thành ngoài đốt rác và đốt các phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng. Do thành phần rác rất đa dạng, đốt rác theo cách thủ công nên thời gian đốt kéo dài, tạo lượng khói lớn, gây ảnh hưởng tới chất lượng không khí. Đồng thời, thời điểm này các công trình xây dựng cũng phải gấp rút hoàn thiện trước khi nghỉ Tết, đã phần nào làm tăng nồng độ các chất có trong không khí.
“Điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với khí thải từ giao thông, xây dựng hoặc nguồn thải từ các khu cụm công nghiệp, làng nghề … đã làm cho bầu không khí Hà Nội luôn bị tích tụ thêm chất ô nhiễm mà khó có thể phát thải, pha loãng, khiến CLKK trong giai đoạn này kém đi” – ông Lê Tuấn Định nhấn mạnh.
Nỗ lực từ giải pháp xanh, sạch
Được biết, để cải thiện CLKK, trong giai đoạn 2017 - 2018, Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1.000.000 cây xanh, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc, tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông, thay thế than tổ ong, cấm và hạn chế đốt rơm rạ.
Về phía các hoạt động xây dựng, các công trình cũng bắt buộc phải được che chắn, giảm thiểu các ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh, xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường... Ngoài ra, thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030; đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại.
“Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn thành phố để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo chất lượng môi trường không khí. Từ đó, kết hợp với công tác điều tra, kiểm kê các nguồn thải, các cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá phân tích, xác định các tác nhân gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, xu hướng diễn biến ô nhiễm... để xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa ra những cơ chế, chính sách kịp thời và chính xác nhằm kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí của Thủ đô” - ông Lê Tuấn Định cho biết.