Mỹ thuật

Để xứng tầm với tên gọi Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô

Thanh Bình 06:55 05/04/2023

Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô được tổ chức thường niên vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10 đã trở thành ngày hội ý nghĩa của giới mỹ thuật Thủ đô. Trải qua hơn nửa thế kỷ, Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô đã có một bề dày đáng kể, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, việc nâng cao chất lượng triển lãm mỹ thuật nói chung, Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô nói riêng đặt ra nhiều thách thức cần sự nỗ lực của BCH Hội Mỹ thuật Hà Nội cũng như các họa sĩ hội viên.

Bức tranh đa sắc

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, cứ đến dịp 10/10 hằng năm, Hội Mỹ thuật Hà Nội lại phát động các họa sĩ, nhà điêu khắc hội viên trên địa bàn Thủ đô sáng tác các tác phẩm mỹ thuật về đề tài phong cảnh, con người trong chiến đấu, lao động và sản xuất để tham gia triển lãm. Cũng từ đó triển lãm đã trở thành thông lệ, một sự kiện mỹ thuật, một món ăn tinh thần của người dân Hà Nội.

xem-trien-lam-.jpg
Công chúng thưởng lãm các tác phẩm trong Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô.

Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội nhớ lại: Những ngày đầu, quy mô triển lãm còn nhỏ, khuôn khổ hạn hẹp, kích thước chất lượng còn khiêm tốn do điều kiện kinh tế đất nước khó khăn, đời sống văn nghệ sĩ còn nghèo. Tuy nhiên, qua thời gian quy mô, chất lượng triển lãm dần được nâng cao. Từ chỗ chỉ có hơn 100 tác phẩm của các chuyên ngành trong các Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô trước đây thì đến nay quy mô triển lãm đã được mở rộng với khoảng 200 đến 250 tác phẩm trong mỗi kỳ triển lãm. Đề tài, thể loại cũng rất đa dạng, phong phú, chất lượng tác phẩm cũng ngày càng được nâng lên.

“Nhìn tổng thể, có thể ví các cuộc Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô là bức tranh toàn cảnh của Mỹ thuật Thủ đô. Đó là bức tranh đa sắc, phong phú về chất liệu, phong cách, đa dạng về nội dung, đề tài… phản ánh nhiều góc nhìn, cách cảm nhận của mỗi hoạ sĩ, nhà điêu khắc về cuộc sống sôi động của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hoá hiện nay…” - họa sĩ, nhà báo Khánh Châm nhận định.

Theo họa sĩ Trần Thị Quỳnh Như, Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô cho thấy bước phát triển về đội ngũ tác giả, những đổi thay trong sáng tác và cả niềm đam mê sáng tạo của các nghệ sĩ.
Mỗi cuộc triển lãm, Hội đều mong muốn giới thiệu với đông đảo công chúng những tác phẩm tiêu biểu, tâm huyết của các nghệ sĩ tạo hình, thể hiện những nét tiêu biểu của gương mặt mỹ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới.

Chưa có sự đột phá

Dõi theo các Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô thời gian qua, họa sĩ Trịnh Bá Quát cho rằng diện mạo mỹ thuật Thủ đô vẫn còn thấp so với mặt bằng triển lãm trên toàn quốc. Ông bày tỏ sự tiếc nuối khi hầu hết các Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô vẫn chưa có tác phẩm “đinh”, chưa thu hút được các họa sĩ tên tuổi tham gia. Đây cũng chính là những hạn chế tồn tại trong nhiều năm qua.

“Qua các kỳ triển lãm, nhiều người xem có cảm nhận mỹ thuật Thủ đô chưa có sự đột phá thực sự. Các triển lãm thường niên vẫn na ná giống nhau về cả đề tài và phong cách thể hiện. Các họa sĩ thường vẽ nhiều về cái họ thấy, ít vẽ về cái họ nghĩ!” - họa sĩ Khánh Châm nhận định.
Chung niềm trăn trở này, họa sĩ Nguyễn Văn Chiến cũng bày tỏ niềm đau đáu về những “khoảng trống” trong triển lãm Mỹ thuật Thủ đô thời gian qua, đó là “vẫn còn tranh thiếu chiều sâu, thiếu sinh động hoặc vẫn còn lối diễn theo "hình ảnh" hơn là "tư duy hình tượng" dẫn đến kém hiệu quả tạo hình”. Bởi thế, theo họa sĩ Nguyễn Văn Chiến, việc nâng cao chất lượng sáng tác là hết sức cần thiết.

Để xứng tầm với tên gọi Triển lãm mỹ thuật Thủ đô

Tại Đại hội Hội Mỹ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, mục tiêu phương hướng hoạt động của Hội cũng đã được BCH xác định rõ. Theo họa sĩ, nhà báo Khánh Châm, nếu thực hiện tốt các nội dung này chắc chắn sẽ nâng tầm chất lượng hoạt động của hội chính trị và nghề nghiệp, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng sáng tác của các nghệ sĩ hội viên. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng sáng tác chủ yếu phụ thuộc vào ý thức và nhận thức, vào tâm huyết, tài hoa của mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc, mà Hội không thể làm thay được.

Để nâng cao chất lượng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, họa sĩ Nguyễn Hữu Hạnh cho rằng cần đổi mới nâng cao hiệu quả các trại sáng tác; tổ chức tốt các cuộc thi sáng tác mỹ thuật; đẩy mạnh hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm nghệ thuật; tăng cường hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, kết nạp hội viên trẻ; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của người làm công tác văn hóa nghệ thuật.

Nhà phê bình mỹ thuật Đặng Thanh Vân cho rằng nên bỏ chế độ đầu tư đồng đều 3-4 triệu/ một tác phẩm; tổ chức một số triển lãm chuyên đề để lựa chọn thêm những tác phẩm chất lượng để giới thiệu trong Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô. Ngoài ra, nên tăng giá trị giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô; chú ý đầu tư cho ngành lý luận phê bình nghệ thuật; ưu tiên cho các họa sĩ trẻ (chưa là hội viên) được trưng bày tác phẩm…
Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô là sự hội tụ những tìm tòi sáng tác mới. Thành tựu sáng tác mở ra diện mạo mới phát triển của Mỹ thuật Thủ đô, góp vào xây dựng văn hóa Thủ đô trong công cuộc đổi mới đất nước. Cũng bởi thế, ngoài sự nỗ lực của tác giả, thì cần có sự bảo trợ, đầu tư của Nhà nước cho những tác phẩm lớn, để người sáng tác có điều kiện phát huy sáng tác, để có những tác phẩm xứng tầm về xã hội lịch sử, cách mạng của Thủ đô và đất nước.

Họa sĩ Trịnh Bá Quát cho rằng: “Quan trọng không phải ở số lượng tham gia triển lãm mà ở chất lượng của tác phẩm. Nên chăng cần có sự đầu tư trọng điểm (đầu tư cho tác phẩm, đầu tư cho tác giả); đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên doanh liên kết, nâng mức nhuận treo… Và nhất là sự đoàn kết, chung tay xây dựng phát triển mỹ thuật Thủ đô”.

Công chúng thưởng thức nghệ thuật luôn mong đợi ở các nghệ sĩ tạo hình Thủ đô những tác phẩm có tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao, phản ánh được thực tiễn sôi động của cuộc sống, thấm đẫm tinh thần nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc và mang vóc dáng của thời đại. Đó là một mong muốn, một đòi hỏi sự nỗ lực từ cả phía BCH và các họa sĩ hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội.

Bài liên quan
  • Thưởng lãm những sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ
    Gần 100 tác phẩm của 90 nghệ sĩ trẻ từ khắp mọi miền đất nước vừa được giới thiệu với công chúng trong triển lãm “Những người làm vườn” diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội từ ngày 1/4 đến ngày 2/5/2023.
(0) Bình luận
  • Những dáng vẻ nghệ thuật đặc sắc trong triển lãm "In bóng tinh hoa"
    29 tác phẩm nghệ thuật của 4 nghệ sĩ Nguyễn Nghĩa Dậu, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Đình Vũ, Lương Trịnh vừa được giời thiệu tới công chúng trong triển lãm “In bóng tinh hoa” diễn ra tại Area 75 – Art & Auction, 75 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ ngày 18/9 đến 5/10/2024.
  • Triển lãm mỹ thuật “Sắc màu miền Tây” ở Cố đô Huế
    90 tác phẩm sơn dầu, acrylic… của 18 họa sĩ Câu lạc bộ Sắc màu miền Tây ART được trưng bày triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao TP Huế (15 Lê Lợi, TP Huế).
  • Gìn giữ, trao truyền di sản qua ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình
    39 tác phẩm của 16 tác giả với chủ đề về di sản sẽ được giới thiệu với công chúng trong triển lãm “Ngày xửa ngày xưa” diễn ra từ 23/8 đến ngày 27/8/2024 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Triển lãm nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại” do nhóm nghệ sĩ Heritage And Art (H&A) thực hiện năm 2024.
  • Triển lãm 3D “Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông – Tây”
    Triển lãm 3D “Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông - Tây” giới thiệu các tài liệu đặc sắc về hoạt động ngoại giao triều Nguyễn (1802 - 1858).
  • Mở xưởng Gốm Mường tại Hà Nội
    Trong hai ngày 17 và 18/8/2024, tại địa chỉ 85 Nhật Chiêu, quận Tây Hồ, Hà Nội, xưởng Gốm Mường chính thức mở cửa đón công chúng. Trong lần ra mắt xưởng Gốm Mường tại Hà Nội sẽ có hơn 130 tác phẩm gốm Mường được trưng bày. Đây là các tác phẩm gốm độc bản của nhiều nghệ sỹ - tác giả đã tham gia sáng tác từ 10 năm nay tại xưởng gốm Mường Studio.
  • Họa sĩ Dương Bích Liên: Ánh chớp thầm lặng
    Là người đồng hành cùng thế kỷ nghệ thuật họa sĩ Dương Bích Liên là một tượng đài của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, là ánh chớp thầm lặng trên bầu trời nghệ thuật, là danh họa của xứ sở mình.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Để xứng tầm với tên gọi Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO